Tình trạng sạt lở ngày càng diễn ra trên diện rộng và nghiêm trọng ở ĐBSCL. Từ các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp và dọc theo sông Tiền, sông Hậu như Cần Thơ, Vĩnh Long đến Cà Mau đang chịu thiệt hại nặng nề do sạt lở gây ra.
Thống kê sơ bộ, có hàng chục ngàn hộ ở ĐBSCL đang bị ảnh hưởng, trong đó trên 6.000 hộ cần phải di dời gấp khỏi vùng sạt lở. Mùa mưa bắt đầu và mùa lũ sắp đến nhưng các địa phương trong vùng vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này.
Sống nơm nớp bên miệng “thủy thần”!
Cần Thơ và Cà Mau hiện là hai điểm nóng của hiện tượng sạt lở. Tháng 5 vừa qua, một vụ sạt lở đất tại chợ Vàm Đầm, huyện Đầm Dơi - Cà Mau gây thiệt hại nặng 16 căn nhà, trong đó 12 căn sụp hoàn toàn xuống sông, thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Tương tự, tại Cái Răng - Cần Thơ, một vụ sạt lở cũng nhấn chìm 10 căn nhà.
Trong 3 năm qua, tình hình sạt lở ở bờ kè Phong Điền gây thiệt tài sản của người dân hàng tỷ đồng. Nhiều điểm sạt lở đáng báo động ở Cần Thơ như: cồn Cái Khế, rạch Cái Cui, Cái Sâu... Gần 200 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở bờ kè Phong Điền và bờ sông Trà Nóc đang nơm nớp lo âu.
Tại An Giang, hàng năm tỉnh này mất trên 3,7 triệu m³ đất do sạt lở, ước thiệt hại trên 16 tỷ đồng. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh An Giang, hàng trăm ha đất đã bị nước cuốn trôi. Chỉ tính riêng xã Vĩnh Hòa, huyện Tân Châu khoảng 40 ha đất bị sạt lở.
Tại Cà Mau, đang xuất hiện 3 khu vực “nóng” về sạt lở đất gồm: xã Nguyễn Huân, Tân Thuận (Đầm Dơi) và thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn. Những năm qua đã không ít lần gây kinh hoàng cho cư dân tại đây, như trường hợp thương tâm khi nhiều trẻ em bị nước cuốn trôi do đất bất ngờ sạt lở, vài ngày sau mới vớt được thi thể.
Ông Trương Minh Húa, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huân cho biết: Khu vực chợ Vàm Đầm đứng trước tình trạng sạt lở đất rất cao, xảy ra bất cứ lúc nào. Từ ngã ba sông Vàm Đầm đến bến tàu của xã dài hơn 400m xuất hiện nhiều vết nứt là dấu hiệu của sạt lở và chắc chắn xảy ra trong thời gian tới. Trên đoạn này, hơn 70 hộ dân đang sinh sống, nhưng việc di dời đang gặp rất nhiều khó khăn và cuộc sống của họ hiện như “chỉ mành treo chuông nặng”.
Hàng năm, tuyến đê ven biển Cà Mau sạt lở khoảng 6 - 7m, thủy triều lên bất ngờ, sóng to, gió lớn làm hư hỏng nhà cửa, đe dọa tính mạng người dân. Theo Viện Địa lý - Tài nguyên TP.HCM, đường biển Trà Vinh bị xói lở nghiêm trọng. Số liệu 40 năm qua cho thấy, hiện tượng sạt lở xảy ra ở một số nơi với tốc độ 10-15m. Tổng diện tích bị sạt lở khoảng 1.886 ha.
Trong khi đó, các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 61, quốc lộ 90 nằm trên địa phận Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang… do nằm cặp các tuyến sông, kênh nên sạt lở nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Nhiều đoạn phải làm kè dài hàng cây số!
Đoạn sạt lở trên quốc lộ 61 thuộc địa bàn Hậu Giang
đang được làm kè - Ảnh: Cao Phong.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: