Top

Đẩy nhanh tiến độ "trảm" nhà siêu mỏng

Cập nhật 16/08/2013 14:03

Lãnh đạo UBND Hà Nội vừa yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo. Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.

UBND Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện xử lý vi phạm trật tự xây dựng và nhà siêu mỏng, siêu méo theo văn bản giám sát của HĐND thành phố.

Ngày 7/8/2013, Ban Pháp chế - HĐND thành phố có Thông báo số 13/TB-BPC về kết quả tái giám sát xử lý vi phạm trật tự xây dựng; xử lý nhà đất không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng công trình (siêu mỏng, siêu méo) trên địa bàn. UBND thành phố yêu cầu Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch Kiến trúc; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ ý kiến đánh giá và yêu cầu của Ban Pháp chế - HĐND tổ chức thực hiện, theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, các phần công việc có liên quan đến công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng và xử lý nhà đất không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng công trình (siêu mỏng, siêu méo) trên địa bàn, đảm bảo tiến độ được yêu cầu.

Một ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo trên phố Trường Chinh.

Sở Xây dựng có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành có liên quan trong việc triển khai công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng; xử lý nhà đất không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng công trình trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật và nội dung, tiến độ đã được chỉ đạo. Đồng thời, tổng hợp, tham mưu đề xuất các biện pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác xử lý trên toàn địa bàn; kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.

Theo báo cáo của 13 quận, huyện có nhà "siêu mỏng, siêu méo", đến hết tháng Ba năm nay, đã xử lý được 389/597 trường hợp, trong đó có hai huyện là Gia Lâm và Thanh Trì đã hoàn thành việc xử lý các trường hợp này. Còn lại 208 trường hợp trên địa bàn 9 quận, huyện đang tiếp tục giải quyết.

Cụ thể, quận Ba Đình còn 69 trường hợp đã phân loại xử lý, trong đó thu hồi 34 trường hợp. Với những căn nhà này, các hộ dân đã sử dụng trong thời gian dài, ổn định và hiện đang là nơi ở, kinh doanh của họ. Tiếp theo, quận Đống Đa còn 27 trường hợp phải thu hồi; quận Hai Bà Trưng còn 19 trường hợp, trong đó 11 trường hợp đang thỏa thuận hợp khối, 8 trường hợp lên phương án thu hồi.

Quận Tây Hồ hiện cũng còn 23 trường hợp, đều là các công trình cấp 4 đã được lên phương án thu hồi nhưng việc thu hồi đất gặp rất nhiều khó khăn nên đang được đề xuất là không thu hồi nữa mà chuyển sang hình thức cải tạo chỉnh trang thành những ki ốt một tầng.

Quận Hà Đông có 34 trường hợp, hiện đã lập thành 20 dự án. Các quận còn lại: Cầu Giấy có 9 trường hợp; Thanh Xuân có 9 trường hợp; Hoàng Mai 10 trường hợp; Hoài Đức 7 trường hợp (trong đó có 4 trường hợp đã lên phương án hợp thửa, hợp khối nhưng hiện nay các hộ vẫn chưa có sự thống nhất).

DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia