Top

Đất bỏ hoang, trò học “ké”

Cập nhật 27/05/2009 09:35

Mặc dầu còn 3 tháng nữa năm học 2009-2010 mới bắt đầu nhưng nhiều phụ huynh có con em học tại các trường trung học phổ thông (THPT) ở các quận Tân Phú, Bình Tân và Thủ Đức… không khỏi lo lắng trước cảnh con em họ sẽ tiếp tục phải đi học “ké” ở những trường khác. Bởi lẽ, đến nay các dự án xây dựng trường học ở đây vẫn đang bị bỏ dở hoặc “trùm mền”.

Những dự án “trơ gan cùng tuế nguyệt”

Chiều 20-5, khi có mặt tại khu phố 8, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, nơi có dự án xây dựng Trường THPT Bình Trị Đông A, chúng tôi nhận thấy, dù đã quá hạn triển khai nhưng chỉ thấy một bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm.

Được biết, dự án xây dựng Trường THPT Bình Trị Đông A được quy hoạch trên vị trí khá đắc địa, với diện tích 3.872m², nằm trên tuyến hương lộ 2, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân.

Dự án được triển khai theo Quyết định số 1185/QĐ - SXD - KHĐT ngày 11-4-2006 của Sở Xây dựng TPHCM, do Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng quận Bình Tân làm chủ đầu tư. Ngôi trường này gồm 36 phòng học, phòng thực hành, nhà tập thể thao, căn tin… và sẽ xây dựng từ năm 2007 đến 2008.

Nhiều người dân quanh vùng cho biết, thời gian dự kiến xây trường đã trôi qua từ lâu mà trường vẫn chẳng thấy đâu. Cả vùng đất rộng bị bỏ hoang, không người chăm sóc cũng không có hàng rào bảo vệ nên đã trở thành nơi chăn thả gia súc và “bãi rác” cho người dân quanh vùng, thậm chí còn là “bãi đáp” của nhiều con nghiện.

Rời Bình Tân, chúng tôi tìm tới khu đất của dự án xây dựng Trường THPT Tây Thạnh (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú), một công trình trọng điểm của quận Tân Phú. Dự án Trường THPT Tây Thạnh được phê duyệt vào tháng 1-2007, quy mô xây dựng 36 phòng học, 36 phòng chức năng cùng với hồ bơi, nhà thi đấu TDTT đa năng, tầng hầm... với diện tích xây dựng lên đến 12.058m². Nghe “hoành tráng” là vậy nhưng khi đến khu vực này vẫn còn là bãi đất hoang sơ.

Độc đáo hơn, công trình dự án xây dựng Trường THPT Hiệp Bình (Thủ Đức) dù đã được khởi công năm 2003 nhưng đơn vị thi công chỉ xây dựng được bốn bức tường quanh khu đất, đóng vài cái trụ cùng với bộ “khung” trơ trọi của nhà để xe rồi… “trùm mền” dự án từ đó đến nay. Những bức tường rào sau quãng thời gian “trơ gan cùng tuế nguyệt” nay đã xuống cấp mốc meo, đen kịt.

Học “ké” đến bao giờ?

Trong khi dự án xây dựng những ngôi trường này vẫn “dẫm chân tại chỗ” thì hàng ngàn học sinh cùng các thầy cô giáo đang phải “chạy tứ tán” đến nương nhờ việc học tập ở trường bạn.



Thầy trò Trường THPT Tây Thạnh (Tân Phú)
phải chống chọi với cái nóng nực tỏa ra từ
những phòng học tạm bằng tôn trong những
giờ lên lớp. Ảnh: Đ.Lý.

Chúng tôi tìm đến sân bóng của Trường THCS Lê Lợi (thuộc phường Tây Thạnh, quận Tân Phú), nơi Trường THPT Tây Thạnh mượn làm nơi dựng phòng học tập cho học sinh khối 10 và 11. Đó là hai dãy nhà được bao bọc bằng tôn, không khác gì khu “nhà kho” hay “phân xưởng” của một công ty nào đó nhưng lại đang được dùng làm phòng học cho gần 1.000 học sinh của Trường THPT Tây Thạnh.

“Dù Ban giám hiệu Trường THPT Tây Thạnh đã mua cây xanh về trồng và trang bị hệ thống tưới nước lên mái tôn để chống nóng cho các phòng học nhưng do phòng tứ bề che chắn bằng tôn nên vẫn nóng bức. Trời nắng là thế còn trời mưa cũng chẳng sung sướng gì hơn. Những khi mưa to bọn em không thể học hành gì được vì tiếng mưa rơi ầm ầm trên mái tôn át cả tiếng giảng bài. Với môi trường học “tạm” kiểu này, ngoài chuyện thiếu thốn về vật chất, bọn em còn phải chịu nhiều “áp lực” tinh thần. Phiền phức, gò bó và khổ như vậy mà học phí tụi em vẫn phải đóng bằng học sinh các trường khác”, em T. M., học sinh lớp 11A1 tâm sự.

Không chỉ có các em học sinh bị ảnh hưởng mà cả thầy cô của trường cũng “xấc bấc xang bang”. Do phải mượn địa điểm của 2 trường học khác nhau (Trường THCS Lê Lợi và Trường THCS Tân Thới Hòa), cách nhau gần 10km nên các giáo viên đứng lớp ở Trường THPT Tây Thạnh có hôm phải chạy “hết ga” từ bên cơ sở này sang cơ sở kia mới kịp lên lớp.

Tương tự, 4 năm qua, hơn 1.500 học sinh Trường THPT Hiệp Bình (Thủ Đức) cũng phải đến “nương tựa” ở Trường Tiểu học Hiệp Bình Phước. Do phải học nhờ ở trường tiểu học với khuôn viên, sân trường quá chật hẹp nên các hoạt động TDTT, ngoại khóa cho học sinh nhà trường đành chịu bó tay; phòng thực hành vi tính, phòng thí nghiệm, thư viện… chỉ là những gác xép.

Nhìn những khuôn viên dự án xây dựng trường bỏ hoang với cỏ cây mọc um tùm trong khi học sinh phải đi “học ké” mà không khỏi chạnh lòng. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt để sớm đưa các công trình trên vào sử dụng.

Em Như Hoa, học sinh lớp 11A7 chia sẻ: “Các phòng học ở đây được thiết kế cho học sinh tiểu học, còn tụi em đứa nào đứa nấy “to con” thế này mà bị “dồn” vào phòng học kiểu này thì sao mà vừa. Bên cạnh đó, sân chơi thì không có nên đến chuyện học môn thể dục ở nội dung chạy cũng phải bị nhà trường cắt bỏ.

Đến giờ thực hành do không có phòng cố định mà phải đi mượn nên thay đổi phòng thường xuyên khiến tụi em phải chạy ngược, chạy xuôi không biết đâu mà lần”.

“Đau đầu” nhất là do giờ giấc học tập, sinh hoạt của 2 cấp tiểu học và THPT lệch nhau nên mỗi lúc bên tiểu học ra chơi là làm ảnh hưởng tới việc học của bên THPT.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng