Top

Dân Thủ Thiêm dạt về Nhơn Trạch, nguy cơ giải toả lần hai

Cập nhật 26/04/2010 09:40


Rất nhiều người dân bị giải toả ở Thủ Thiêm, TP.HCM dạt về Nhơn Trạch, Đồng Nai mua đất nông nghiệp rồi xây nhà không phép, đối diện nguy cơ bị giải toả lần thứ hai
Hàng trăm hộ dân bị giải toả tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM sau khi nhận được số tiền đền bù ít ỏi đành trôi dạt về các xã thuộc huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai mua đất cất nhà. Oái ăm thay, đất họ mua là đất nông nghiệp và nhà cũng xây trái phép.

Không nghề nghiệp, cuộc sống của họ đang ẩn chứa nhiều rủi ro và bất ổn. Nguy cơ trắng tay cận kề.

Phiêu bạt

Gia đình bà Nguyễn Thị Thi trước đây sống tại khu phố 2, phường Bình Khánh, quận 2. Sau khi có chính sách thu hồi đất để thực hiện dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, gia đình bà được đền bù giải toả nhà, đất với số tiền 1,1 tỉ đồng. Nhận tiền, bà Thi phải lo đủ các khoản như tiền thuốc, tiền ăn, tiền học, tiền đi lại… Số tiền còn lại bà đi khắp các quận vùng ven như quận 9, 12, Hóc Môn, Thủ Đức tìm mua một miếng đất cắm dùi nhưng giá đất đắt nên không đủ tiền mua.

Không còn cách nào khác, bà Thi đành liều về ấp Phước Lương, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai mua đất cất nhà. Gia đình bà Thi có đến 17 người, từ ngày về đây, cuộc sống vô cùng vất vả. “Về đây cách quận 2 hơn 16km, phải qua phà Cát Lái nên việc đi làm, học hành của con cháu tôi ngày càng khó khăn hơn trước. Hai vợ chồng đứa con đầu phải quay lại nơi ở cũ (phường Bình Khánh, quận 2) thuê nhà trọ để tiện việc đi làm và cho hai đứa con nhỏ học hành”, bà Thi cho biết. Hiện Nguyễn Bá Tòng, con bà Thi cùng với vợ và hai đứa con đang thuê căn nhà có diện tích chỉ khoảng 16m2. Anh Tòng làm thuê thời vụ, vợ anh không có việc làm ổn định!

Còn bà Nguyễn Thị Mai, 64 tuổi cho biết: “Khó khăn mà chúng tôi đang phải gánh chịu là nước sinh hoạt (nước giếng bơm) phải mua lại với giá 15.000 đồng/m3 nhưng thường xuyên bị cắt và mỗi lần cắt đến 4 – 5 ngày. Nhiều khi phải qua phà về quận 2 xin nước từ bà con chòm xóm còn ở bên đó. Đáng lo nhất là không có bệnh viện, do vậy nếu lỡ phải đi cấp cứu vào đêm khuya thì thời gian đợi phà đưa qua đến bờ bên kia không biết có cứu chữa kịp không”.

Theo lãnh đạo của UBND huyện Nhơn Trạch, số lượng người dân ở quận 2 sang mua đất cất nhà gần đây ngày càng nhiều. Ngoài một số trường hợp mua đất để đầu tư còn lại là những hộ dân nghèo mua đất cất nhà ở.

Còn bà Nguyễn Thị Thi, một người dân đã về Nhơn Trạch nói, nhiều hộ dân nằm trong diện giải toả thu hồi nhà, đất tại quận 2 đã nhận tiền và đi tứ xứ hết, rất ít người đủ tiền mua đất ở lại quận 2. “Thậm chí, có gia đình bị giải toả 200m2 đất nhưng tiền đền bù không mua nổi 20m2 đất tại quận này”, bà Thi nói.
Nỗi khổ của họ không dừng lại ở đó. Theo tìm hiểu của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, phần nhiều những khu đất mà người dân bị giải toả tại khu đô thị mới Thủ Thiêm mua để cất nhà có nguồn gốc đất ruộng. Chủ đất san lấp, phân lô bán lại cho họ bằng giấy tờ tay. Người dân cứ thế tự ý xây nhà mà không xin phép chính quyền địa phương.

Nguy cơ tay trắng


Hầu hết người dân khu Thủ Thiêm chạy sang huyện Nhơn Trạch sinh sống không biết hoặc không được vay tiền từ các chương trình hỗ trợ vay vốn học nghề, giải quyết việc làm từ nguồn vốn của quỹ 156 mà TP.HCM thành lập để hỗ trợ người dân bị thu hồi đất.

Bà Mai kể với lương hưu 150.000 đồng/tháng, thu nhập từ bán tạp hoá được hơn 20.000 đồng tiền lãi/ngày và của chồng làm bảo vệ được 1,6 triệu đồng/tháng… thì trung bình mỗi tháng gia đình chỉ có khoảng gần 3 triệu đồng để xoay xở cho bốn miệng ăn. Vừa qua, em Hoàng Thị Ngọc Bích, con gái của bà Mai được nhà trường giải quyết chính sách cho vay vốn ưu đãi 3 triệu đồng do nằm trong diện có nhà, đất bị thu hồi để giải quyết khó khăn. Nhưng khi em Bích đề nghị UBND phường Bình Khánh, quận 2 xác nhận vào đơn xin vay thì UBND phường trả lời “đã chuyển đi nơi khác không có hộ khẩu tại địa phương”. Về UBND xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch xin xác nhận thì nơi đây cũng không chứng nhận cho trường hợp xin vay vốn của em.

Theo bà Lê Thị Bạch Tuyết, ngụ ở ấp Cây Bàng 2, phường Thủ Thiêm, quận 2, nhiều gia đình đã ở Thủ Thiêm 5 – 7 đời, nay phải trôi dạt đi tái định cư nơi khác do chính sách bồi thường, giải toả chưa phù hợp. Không nghề nghiệp, không phương tiện mưu sinh, nên nếu xui bị một lần giai toả nữa coi như mất trắng”.

Trong khi đó, đại diện xã Phú Hữu cho biết, xã sẽ cho kiểm tra ngay tình trạng dân mua đất xây nhà trái phép này, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo quy định. Như vậy, nếu đất người dân từ quận 2 trôi dạt qua đây mua bị quy hoạch một lần nữa thì coi như bà con trắng tay.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị