Khu quy hoạch có diện tích 2.600 ha đã “treo” từ năm 1994 đến nay. Hầu hết nhà ở tại đây được xây tự phát, mua bán không có giấy tờ nên khu Nam không có cơ sở để cấp phép xây dựng tạm.
Không thể xin phép xây dựng tạm, sửa chữa nhà cho kiên cố hơn thì bị phạt bởi bị xem là xây dựng trái phép. Đó là tình cảnh chung của người dân bốn xã Bình Hưng, An Phú Tây, Phong Phú và Hưng Long của huyện Bình Chánh. Đây là các xã nằm trong khu quy hoạch 2.600 ha của khu Nam đã “treo” từ năm 1994 đến nay.
Xử phạt mà lòng áy náy
“Tui vô đây mua đất từ năm 1994 và cất nhà năm 1995, có bị lập biên bản nhưng được cho ở tới bây giờ” - ông Lâm Hoàng, chủ căn nhà số C7/17F41, ấp 4A, xã Bình Hưng cho biết. Đây là một trong số hàng ngàn căn nhà ở bốn xã thuộc huyện Bình Chánh nằm trong dự án 2.600 ha nói trên.
Khi ông Hoàng mới về khu này, đường Phạm Hùng bây giờ (đoạn qua Bình Chánh) còn là đường đất đỏ, hẻm C7 vào nhà ông ngày đó chỉ là bờ ruộng nhưng bây giờ xe tải đã vào được. Mọi thứ thay đổi nhưng quy hoạch khu vực nhà ông vẫn chưa biết khi nào triển khai. “Người dân ở đây muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để cất nhà tạm làm phòng trọ hoặc làm kho xưởng cho thuê nhưng cứ đụng cái gì xin cũng bị nói là vướng quy hoạch nên không làm gì được” - ông Hoàng than.
Con đường vào nhà ông Hoàng hơn 10 năm trước chỉ là đường bờ ruộng, nay xe tải đã chạy vô được. Cạnh con đường là khu đất rộng 3.000 m2 do nằm trong quy hoạch nên trở thành bãi rác và cỏ mọc hoang. Ảnh: N.Nam |
Chánh thanh tra xây dựng huyện Bình Chánh Huỳnh Văn Hải xác nhận: Rất nhiều người dân vì không nuôi trồng gì được nên xin phép lấp ao để xây nhà trọ kiếm sống, khi không được phép thì họ lén lút làm và tất nhiên là sẽ bị phạt. “Chúng tôi xử phạt mà thấy cứ băn khoăn trong lòng, không riêng một trường hợp nào mà cho toàn bộ người dân nằm trong quy hoạch. Khi nêu vấn đề này ra với cơ quan cấp trên, chúng tôi được hướng dẫn là xử lý phải có tình nhưng hướng dẫn ấy chỉ là anh em trao đổi miệng với nhau chứ có văn bản nào nói đâu, nên khi xử lý “có tình” thì lấy cái gì làm bằng chứng là mình đã làm đúng.” - ông Hải bày tỏ.
Một dạng vi phạm trong xây dựng khác cũng xảy ra khá phổ biến, đó là trường hợp nhiều người dân trước đây cất nhà lá hoặc do nhà thấp quá nay muốn nâng nền chống ngập. “Khi nâng nền, đa phần họ phải xây tường cao thêm lên, vậy là phải dỡ hết mái ra xây tường lại. Như vậy lại bị coi là xây nhà mới và tất nhiên sẽ bị phạt. Xã Bình Hưng có khoảng 80% số vụ vi phạm xây dựng trái phép ở dạng này” - ông Hải kể.
Sẽ xem xét từng trường hợp
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Đoàn Nhật cho hay khoảng 60% dự án tại bốn xã này đã có quyết định thu hồi đất nên người dân chỉ được sửa chữa, cải tạo nhà. Phần còn lại do mới có quy hoạch nên người dân có thể xin phép xây dựng tạm với quy mô một trệt, một gác theo quy định.
“Tuy nhiên, mười trường hợp xin phép tạm thì khu Nam chỉ có thể giải quyết được một bởi điều kiện để được xây dựng tạm là phải có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, sở hữu nhà. Trong khi đó, hầu hết nhà ở tại đây được xây tự phát, mua bán qua nhiều người, không có giấy tờ nên khu Nam không có cơ sở để cấp phép xây dựng tạm” - ông Nhật giải thích.
Để giải quyết những bức xúc chính đáng của người dân, ông Nhật cho biết huyện đã cùng với Ban Quản lý khu Nam thống nhất quan điểm xử lý. Theo đó, trong khi dự án chưa triển khai, người dân nơi đây sẽ được tạo điều kiện ổn định cuộc sống như cấp số nhà tạm, làm đường hẻm, cấp nước, điện... Riêng những trường hợp sửa chữa, cải tạo từ nhà lá thành nhà tường, tường cũ sửa thành mới thì địa phương sẽ xem xét cụ thể từng trường hợp.
“Không thể ban hành thành chủ trương riêng cho vấn đề này để tránh những biến tướng không kiểm soát được. Với những dự án đã có quyết định thu hồi đất, sắp tới Ban bồi thường (của huyện) và Phòng Đất đai môi trường (của khu Nam) sẽ phối hợp rà soát các dự án đã triển khai trên ba năm nhưng chưa xong để đánh giá tiến độ thực hiện của chủ đầu tư, từ đó có giải pháp xử lý” - ông Nhật phân tích.
Lãnh đạo huyện Bình Chánh cho biết diện tích toàn khu Nam sau khi tính toán lại chính xác là 2.900 ha, chia làm năm khu A, B, C, D, E (trong đó có 1.800 ha nằm trên địa bàn Bình Chánh). Theo đó, hiện đang có trên 70 dự án thuộc khu Nam nằm trên địa bàn huyện Bình Chánh với diện tích khoảng 1.800 ha, trong đó hơn 60% đã có quyết định thu hồi đất. Có một số dự án đã hoàn thành rồi như khu dân cư Trung Sơn, Him Lam, khu tái định cư số 3...
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: