Top

'Dân chung cư cũ khổ cực không tưởng tượng được'

Cập nhật 09/12/2011 09:35

"Đến các khu chung cư cũ mới thấy người dân gặp vô vàn khó khăn, nhà xuống cấp nghiêm trọng, điều kiện ăn ở khổ cực không thể tưởng tượng được", đại biểu HĐND Hà Nội Vũ Cao Minh bày tỏ.

Theo ông Vũ Cao Minh, Phó bí thư Quận ủy Thanh Xuân, các chung cư cũ như Thượng Đình, Kim Giang, Thanh Xuân Bắc đều đã xuống cấp nghiêm trọng, người dân chờ đợi cải tạo, lãnh đạo quận cũng mong muốn quy hoạch lại để xây các công trình hạ tầng khác. Do vậy, UBND thành phố cần tạo cơ chế cải tạo chung cư cũ để đẩy nhanh tiến độ.

Đại biểu này cho rằng, Thanh Xuân tăng dân số 3,9 % mỗi năm nên hạ tầng hiện không thể đáp ứng. Ông lấy ví dụ ở phường Nhân Chính đã có 40.000 dân, nên nếu tách phường thì không có đất xây dựng trụ sở công an, UBND phường. Hay khu vực phường Thượng Đình không còn đất xây trường học, phải chờ đợi quy hoạch cải tạo chung cư cũ.

"Thành phố cần lưu ý quan tâm hạ tầng xã hội các khu chung cư mới, nếu không đủ điều kiện thì không cho xây. Hiện các doanh nghiệp chỉ quan tâm xây nhà, không chú ý hạ tầng, như khu chung cư của Hapulico", ông Minh nói.

Đại biểu này cũng bức xúc về quá tải giao thông đô thị, tổ chức phân làn lộn xộn, không hiệu quả. "Thanh Xuân giờ cao điểm gần như án binh bất động, tôi phải đi làm sớm một tiếng và về nhà sau 2 tiếng vì sinh viên và người ngoại tỉnh quá đông. Tại một nút giao thông thì đa số biển xe ngoại tỉnh", ông Minh bày tỏ.

Chia sẻ bức xúc về giao thông, Trưởng ban pháp chế HĐND Nguyễn Hoài Nam cho rằng phương án lâu dài để giảm ùn tắc là quy hoạch và quản lý quy hoạch. Thành phố đã thể hiện quyết tâm là hạn chế nhà cao tầng, đưa khu đô thị ra khỏi nội thành, nên việc dành đất cho giao thông cũng phải đưa vào mục tiêu của thành phố.

Đại biểu HĐND Hà Nội thảo luận về kinh tế xã hội thành phố. Ảnh: Đoàn Loan.

Đại biểu Nam cũng cho rằng thành phố tăng phí trông giữ xe thì cần tăng phí sử dụng hè đường. Nếu không thì tình trạng trông giữ xe máy, xe đạp trái phép tràn lan. Qua 2 tháng kiểm tra, thống kê 86% bãi trông xe là không đăng ký hoặc vi phạm thu tiền quá giá.

Ngoài ra, theo Trưởng ban pháp chế HĐND, nếu phí trước bạ ôtô tăng thì phải tham khảo các địa phương xung quanh, nếu không sẽ dẫn đến hệ lụy, ôtô lưu hành không chỉ có biển 30. "Khả năng chủ ôtô lại đăng ký tại các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương. Thực tế Hà Nội từng cấm đăng ký xe máy mới ở nội thành thì người dân đã đăng ký xe ở các tỉnh khác", ông Nam dẫn chứng.

Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội Hà Nội năm 2011 không đạt chỉ tiêu, đại biểu Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội, nhận định sang năm 2012, kinh tế xã hội sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Theo đại biểu này, hiện nay nhiều doanh nghiệp tạm ngừng, hoặc chấm dứt hoạt động, phá sản rất nhiều, do đó có thể thấy tình hình kinh tế xã hội trong năm tới sẽ rất khó khăn. Hiện thành phố có 130.000 doanh nghiệp, nhưng chỉ có 60.000 doanh nghiệp nộp thuế, điều đó cho thấy nhiều công ty hoạt động kém hiệu quả, cầm chừng.

Từ phân tích trên, đại biểu cho rằng, thành phố cần xem lại cơ cấu phân bổ ngân sách. Nên quan tâm đến quỹ phát triển xã hội nhiều hơn như quỹ phát triển việc làm, an sinh xã hội. Thành phố chỉ dành 300 tỷ đồng cho các quỹ này thì quá ít, trong khi đó quỹ đầu tư phát triển hạ tầng là hơn 2.200 tỷ đồng.

Đồng tình với ông Nguyễn Hữu Thắng, đại biểu Nguyễn Doãn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, cho rằng tăng trưởng năm 2012 rất khó khăn, thắt chặt tiền tệ, nguy cơ các doanh nghiệp nhỏ sẽ phá sản nhiều, tiếp cận vốn vay ngân hàng rất khó khăn, ảnh hưởng lớn tới quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đang phải vay vốn với lãi suất 18-20%, do vậy cần có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress