Top

“Cứu” đường Nguyễn Hữu Cảnh: Sẽ mất thêm 250-550 tỉ đồng

Cập nhật 12/03/2009 16:45

Đó là số tiền được các đơn vị liên quan đề xuất chủ yếu để chống lún cho đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.1 và Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Trước đó đã có 141 tỉ đồng được chi ra để sửa cầu Văn Thánh 2 (nằm trong dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh). Trong khi tổng vốn đầu tư đã điều chỉnh của cả dự án chỉ 419 tỉ đồng.

Mới đây, UBND TP.HCM đã chấp thuận giao cho Tổng công ty Xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư và tổng thầu sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh. Nhà thầu cho biết đang nghiên cứu một trong các phương án sửa chữa lún và chống ngập nước tuyến đường này.

Đường... lún 3-5cm/năm

Đường Nguyễn Hữu Cảnh dài 3,7km, trong đó đoạn từ cầu Thủ Thiêm đến gần cầu vượt Sài Gòn thường xuyên bị ngập nước khi trời mưa hoặc triều cường do đường bị lún nặng. Các đợt mưa lớn vào cuối năm 2008, tại đường Nguyễn Hữu Cảnh có nơi ngập sâu đến 0,6m và kéo dài trong nhiều giờ liền. Tuyến đường nằm trong danh sách những điểm ngập nước nặng nhất của TP.HCM.

Từ cuối năm 2004, TP đã thuê Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) phân tích và đánh giá nguyên nhân hư hỏng tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh. Kết quả cho biết ngay từ khi đưa vào sử dụng (năm 2002), trên toàn tuyến đường thường xuyên hư hỏng. Đầu tiên là sự cố lún hầm chui Văn Thánh (năm 2002) và sau đó là sự cố lún, hư hỏng các đoạn đường dẫn lên cầu Văn Thánh 2 và cầu vượt Sài Gòn.

Viện Khoa học công nghệ xây dựng xác định toàn tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh đã bị lún từ 0,05-1m so với cao độ thiết kế ban đầu. Theo một lãnh đạo Khu Quản lý giao thông đô thị (QLGTĐT) số 1, từ năm 2004 đến nay đường Nguyễn Hữu Cảnh tiếp tục bị lún bình quân 3-5cm mỗi năm. Với mức độ lún như vậy, toàn bộ tuyến cống thoát nước ở hai bên đường cũng bị lún sụt và hư hỏng theo.

Khu QLGTĐT số 1 cho biết năm 2005 khi tiếp nhận đường Nguyễn Hữu Cảnh từ Công ty sản xuất kinh doanh thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu Thanh niên xung phong (gọi tắt là Công ty TNXP - chủ đầu tư dự án trên), mỗi khi có triều cường là tuyến đường bị ngập khoảng 10cm. Còn đến tháng 3-2009, đường tiếp tục lún nặng hơn và khi có triều cường hoặc mưa, nước ngập sâu 0,2-0,5m tùy đoạn lún nhiều hay ít.

Hai phương án chống lún


Theo ông Lê Quyết Thắng - giám đốc Khu QLGTĐT số 1, đường Nguyễn Hữu Cảnh bị lún chủ yếu là do nền đất yếu, bên dưới nền đường có lớp bùn nhão sâu đến 30m. Để sửa chữa tuyến đường này, Khu QLGTĐT số 1 đã thuê Công ty Kỹ thuật giao thông vận tải miền Trung nghiên cứu và đơn vị này đã đề xuất năm phương án sửa chữa triệt để lún. Theo đó, phương án có vốn đầu tư ít nhất 250 tỉ đồng là gia cố nền đường bằng cọc ximăng đất và phương án có vốn đầu tư cao nhất lên đến 550 tỉ đồng là gia cố nền đường bằng cọc bêtông.

Khu QLGTĐT số 1 cho biết cũng có ý kiến đề nghị sử dụng phương án: đường lún tới đâu sẽ bù đắp nền đường đến đó. Tuy nhiên, ông Lê Quyết Thắng cho rằng phương án này sẽ không xử lý triệt để lún và lớp bùn nhão bên dưới có khả năng trôi dạt, dễ gây lún nứt nhà dân. Do đó, giải pháp xử lý lún triệt để và có vốn đầu tư thấp là gia cố bằng cọc ximăng đất. Trong khi đó, lãnh đạo phòng dự án 2 - Tổng công ty Xây dựng số 1 cho biết đang xem xét lại toàn bộ các phương án xử lý lún trên đường Nguyễn Hữu Cảnh để chọn ra phương án tối ưu, đề xuất các cơ quan thẩm quyền quyết định.

Cứu đường bằng tiền nhà nước

Trả lời vụ cầu Văn Thánh 2 (cũng nằm trong dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh) bị hư hỏng kéo dài sau khi đưa vào sử dụng vừa được sửa chữa 141 tỉ đồng đến nay đã xác định đơn vị nào chịu trách nhiệm, lãnh đạo Khu QLGTĐT số 1 cho biết đến nay ngân sách TP đã tạm ứng sửa chữa cầu Văn Thánh 2 và chưa đề cập trách nhiệm của các đơn vị xây dựng liên quan (gồm Công ty TNXP - chủ đầu tư dự án, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 - nhà thầu thi công, Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam - đơn vị tư vấn thiết kế và Phân viện Khoa học công nghệ phía Nam - đơn vị giám sát).

Trong khi chưa xác định đơn vị nào phải chịu kinh phí sửa chữa cầu Văn Thánh 2 thì các cơ quan chức năng lại phải bàn về khoản kinh phí khổng lồ để sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh. Điều này khiến nhiều người dân tiếp tục băn khoăn: đơn vị nào sẽ trả kinh phí sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh? Lãnh đạo Khu QLGTĐT số 1 cho biết trước mắt ngân sách TP sẽ tạm ứng cho Tổng công ty Xây dựng số 1 sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, còn trách nhiệm của các đơn vị liên quan ra sao thì chưa biết. Ông Lê Quyết Thắng cho biết toàn công trình đường Nguyễn Hữu Cảnh do Công ty TNXP làm chủ đầu tư, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan thẩm định và thiết kế đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Tiền sửa quá tiền xây!

Dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh: có tổng chiều dài gần 3,7km (trong đó gồm có cầu vượt Sài Gòn, cầu Thị Nghè 2, cầu Văn Thánh 2), đầu tuyến là đường Tôn Đức Thắng và cuối tuyến là cầu Sài Gòn, mặt đường rộng 35-50m, sáu làn xe lưu thông. Công trình khởi công tháng 5-1997, hoàn thành tháng 2-2002. Sau hai tháng đưa vào sử dụng, tháng 4-2002 xảy ra sự cố hai hầm chui Văn Thánh (cao 2,5m) bị lún 1,1m.

Tiếp đó, tháng 7-2004 cầu Văn Thánh 2 bị hư hỏng cục bộ và đã được khắc phục tạm thời. Tháng 3-2006 xảy ra lỗ thủng trên mặt cầu Văn Thánh 2, các cơ quan chức năng phát hiện các đầu dầm cầu bị hư hỏng. Từ năm 2003 các cơ quan chức năng phát hiện nhiều đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh có độ lún cả mét so với thiết kế, nhất là đường lún ở đầu cầu Văn Thánh 2 và cầu vượt Sài Gòn.

So sánh chi phí đầu tư và sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh


(*) gồm 141 tỉ đồng đã chi để sửa cầu Văn Thánh 2 và dự kiến chi phí chống lún đường Nguyễn Hữu Cảnh.

(**) tỉ lệ tạm tính, không tính trượt giá.


Ai chịu trách nhiệm?

Báo cáo kết quả phân tích và đánh giá nguyên nhân hư hỏng tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết dựa vào các phân tích về hiện trạng hư hỏng và nguyên nhân sự cố, có thể chỉ rõ trách nhiệm của các bên tham gia dự án như sau:

* Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam - đơn vị tư vấn thiết kế - chưa lường hết quy mô lún của nền đất yếu dưới mặt đường. Độ lún cuối cùng và thời gian ổn định lún trong thực tế lớn hơn so với dự báo; chưa thiết kế biện pháp đo đạc khách quan độ lún để xác định đúng đặc điểm cố kết đất nền. Từ đó xác định không hợp lý thời điểm thi công các bước tiếp theo hoặc đưa hạng mục công trình vào sử dụng...

* Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam có trách nhiệm liên đới trong công tác tư vấn giám sát thi công tại hiện trường. Tuy nhiên, đây cũng là giới hạn của kiến thức ở nước ta hiện nay, kinh nghiệm tính lún trên nền đất yếu và sử dụng bấc thấm chưa được tổng kết đầy đủ và kịp thời...

* Công ty TNXP - chủ đầu tư dự án, cùng tư vấn giám sát thi công và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 - nhà thầu thi công cùng chịu trách nhiệm về sai sót trong quy trình quản lý chất lượng xây dựng là không tiến hành lập hồ sơ hoàn công tại thời điểm sử dụng tuyến đường (đầu năm 2002), làm phát sinh các chi phí trong công tác kiểm định, đánh giá chất lượng, xác định nguyên nhân hử hỏng tuyến đường dẫn đến kéo dài thời gian bàn giao, đưa đường vào sử dụng.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ