Top

Cuộc chiến “đất vàng”

Cập nhật 04/08/2015 08:36

Mặt bằng của các cơ quan, nhà máy cũ nằm trong kế hoạch di dời và các dự án bất động sản “tay ngang” của các doanh nghiệp chạy theo mốt đầu tư ngoài ngành trước đây đang được nhiều doanh nghiệp địa ốc dòm ngó.


 

Tại sao lại như vậy?

Câu trả lời rất dễ hiểu. Với bất kỳ một dự án nào, thì vị trí chính là một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên sự thành công. Dù trong bối cảnh nào của thị trường, nếu dự án có vị trí đắc địa đều có tính thanh khoản cao hơn hẳn các dự án khác. Trong khi đó, vị trí các cơ quan, nhà máy cũ lại nằm ở những vị trí đắc địa trong nội đô, những khu đất như thế này gần như khó có thể “bói” ra hiện nay ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM.

Vingroup là một đại gia nổi tiếng với việc triển khai các dự án bất động cao cấp ở những vị trí đắc địa như Vincom Bà Triệu, Vinhomes Royal City Nguyễn Trãi, Vinhomes Times City, Vinhomes Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), hay Vinhomes Central Park (TP. HCM).

Riêng tại thị trường Hà Nội, thời gian qua thị trường chứng kiến nhiều thương vụ chuyển nhượng dự án bất động sản (M&A) khá đình đám, đặc biệt ở phân khúc căn hộ.

Cụ thể, sau khi thâu tóm Dự án Alaska Đại Mỗ, FLC tiếp tục gây chú ý khi mua lại khu “đất vàng” tại địa chỉ 36 Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm từ CTCP Hải Phát để phát triển Dự án FLC 36 Phạm Hùng.

Mới đây, tập đoàn này tiếp tục là tâm điểm chú ý của thị trường khi thâu tóm dự án tại địa chỉ 265 Cầu Giấy từ CTCP Hóa chất và Vật tư khoa học kỹ thuật. Dự án này cho đến khi được sang tên đổi chủ, chủ cũ vẫn nợ gần 100 tỷ đồng tiền thuế. Số tiền này có lẽ quá lớn, nên doanh nghiệp không thể triển khai dự án, chấp nhận bán khu “đất vàng” nhiều tiềm năng cho FLC.

Không riêng FLC, việc thâu tóm những khu “đất vàng” cũng được nhiều doanh nghiệp khác thực hiện tại Hà Nội.

Chẳng hạn, CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest) đã mua lô đất rộng 2,6 héc-ta tại số 1 Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy để triển khai tổ hợp Tràng An Complex. Đây vốn là khu đất của Nhà máy Bánh kẹo Tràng An. Sau khi Nhà máy di chuyển ra khu vực ngoại ô, GP-Invest đã nhanh tay thâu tóm khu đất này.

Văn Phú Invest cũng vừa ký kết với Bộ Y tế về việc xây dựng lại Trường đại học Y tế cộng đồng mới tại quận Bắc Từ Liêm, với số vốn đầu tư trên 643 tỷ đồng. Đây là dự án BT do Văn Phú Invest làm nhà đầu tư. Để hoàn vốn cho dự án xây dựng này, Văn Phú Invest sẽ được quyền khai thác khu đất vàng trên đường Giảng Võ.

Ngay cả như VID Group, một doanh nghiệp chuyên phát triển khu công nghiệp cũng bắt đầu nhảy sang đầu tư bất động sản thương mại. Một trong các lô đất doanh nghiệp này mới thâu tóm là ô đất tại địa chỉ 430 Cầu Am, Hà Đông thông qua việc góp 60% cổ phần tại Công ty Hanovid, chủ đầu tư dự án…

Một địa chỉ thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp địa ốc khác chính là các khu chung cư cũ. Đây có thể coi là miếng bánh ngon khó nuốt do những quy định về chính sách cải tạo chung cư cũ còn nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, hiện chính sách này đang được chỉnh sửa và nếu vướng mắc về hạn chế chiều cao của tòa nhà được tháo gỡ, nhiều khả năng, cuộc cạnh tranh cải tạo chung cư cũ giữa các doanh nghiệp sẽ diễn ra quyết liệt.

Như vậy có thể thấy, không chỉ các đại gia, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực đầu tư, phát triển bất động sản thương mại, cuộc chiến thâu tóm đất vàng còn thu hút cả các “tân binh” nhập cuộc.

Xem ra, với quỹ đất nội đô ngày càng hạn hẹp hiện nay, cùng với sự hồi phục trở lại của thị trường bất động sản, cũng như kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất, cơ quan nhà nước ra khỏi nội đô và chính sách tháo gỡ vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ đang khởi động, cuộc chiến thâu tóm “đất vàng” tại Hà Nội sẽ còn nóng hơn trong thời gian tới.

Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi có được vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố coi như đã có được hơn 50% thành công, kể cả việc gọi vốn tài trợ, cũng như đầu ra cho sản phẩm, miễn là chủ đầu tư không quá yếu kém hay quá tham lam.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản