Top

Cử tri Hà Nội: Nhiều kiến nghị về đất đai và giao thông

Cập nhật 13/07/2009 08:35

Nhiều tuyến đường ngoại thành Hà Nội cứ mưa là ngập (ảnh chụp tại quốc lộ 32 - đoạn thị trấn Nhổn, huyện Từ Liêm) - Ảnh: Xuân Long.

Ngày mai 14-7, HĐND thành phố Hà Nội sẽ tiến hành kỳ họp thứ 18. Trong các cuộc tiếp xúc trước kỳ họp, cử tri thủ đô nêu ra nhiều kiến nghị về cơ chế, chính sách thu hồi đất, hệ thống giao thông xuống cấp.

Cử tri Hà Nội nhận xét ở thủ đô từ trước tới nay mỗi tấc đất là tấc vàng, nhưng không ít mảnh đất lớn nhỏ để hoang hóa cho cỏ mọc năm này qua năm khác. Chưa hết, trên địa bàn thành phố hiện có nhiều dự án đầu tư xây dựng sân golf với diện tích thu hồi đất lớn, ảnh hưởng đến diện tích đất trồng lúa và cuộc sống của nông dân. Cử tri đòi hỏi chính quyền thành phố xem xét kỹ tính hiệu quả của dự án, đặc biệt cần cân nhắc lợi - hại trước khi cấp phép đầu tư những dự án như vậy.

Nỗi lo của người bị thu hồi đất

Cử tri ngoại thành lại lo lắng nhiều đến đất sản xuất nông nghiệp. Theo quy định hiện nay của thành phố, “hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp... được hưởng 10% đất dịch vụ”. Cử tri cho rằng việc xác định 30% là không có cơ sở pháp lý và không khoa học, tạo mâu thuẫn giữa người bị thu hồi trên 30% với người bị thu hồi dưới 30%. Mặt khác, giá đền bù thu hồi đất quá thấp nhưng giá đất dịch vụ cấp lại cho người dân rất cao.

Cử tri huyện Từ Liêm cho rằng chính sách hỗ trợ bàn giao đất ở, bán nhà chung cư hoặc bồi thường bằng tiền khi thu hồi đất có nhiều bất cập. Việc quy định hộ gia đình có 1-2 nhân khẩu, 1-2 suất ruộng bằng hộ gia đình có nhiều nhân khẩu, nhiều suất ruộng là không hợp lý. Khi thực hiện chế độ hỗ trợ bằng giao đất ở, bán nhà chung cư hoặc bồi thường bằng tiền sẽ có tình trạng cào bằng, nhà nhiều người cũng như nhà ít người khiến dân thắc mắc.

Cũng liên quan đến vấn đề thu hồi đất, cử tri các huyện ngoại thành cho biết họ bị thu hồi một diện tích lớn đất thổ cư, nhưng phần diện tích đất còn lại lớn hơn hạn mức diện tích đất ở tối thiểu nên không được xét tái định cư rất thiệt thòi.

Mặt khác, chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ giải quyết việc làm vẫn áp dụng mức từ năm 2007, trong khi mỗi năm thêm trượt giá và mức lương tối thiểu đã được điều chỉnh nâng lên. Cử tri thành phố kiến nghị những bất cập về cơ chế, chính sách này cần phải được quan tâm, rà soát và điều chỉnh ngay để tháo gỡ cho người dân.

Chậm đầu tư đường sá, đê điều

Sau khi mở rộng địa giới, thủ đô có thêm nhiều vùng ven đô. Nhưng về tới các vùng ven, các huyện vùng sâu này “mới thấy đường sá ở đây tan nát đến sợ...” - cử tri nhận xét. “Tuyến đường 70 có lưu lượng xe kinh hoàng chạy qua mỗi ngày, nhiều loại xe trọng tải 30-40 tấn quần đảo suốt ngày đêm. Đường sá nắng thì bụi, mưa giống như ao bùn lầy” - cử tri huyện Từ Liêm cho biết.

Theo cử tri ngoại thành, nhiều tuyến đường ven đô đã quá tải nghiêm trọng, thậm chí không có lấy một đoạn lành lặn. Người dân suốt ngày đêm bị tra tấn bởi tiếng ồn là một chuyện, nhưng tại những tuyến đường này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Cử tri đòi hỏi thành phố cần có giải pháp quyết liệt, tiến hành rà soát ngay để có những điều chỉnh cho người dân bớt lo.

Riêng tại huyện Ba Vì, có tới 70% kiến nghị của cử tri bày tỏ nỗi lo về thực trạng đê điều trong mùa mưa bão. Cử tri Ba Vì dẫn chứng: trên địa bàn xã Thuần Mỹ (Ba Vì) có nhiều khu vực sạt lở tại bờ sông Đà, hiện một số đoạn đang kè dở dang nhưng còn nhiều đoạn chưa được kè lại. Tại bờ hữu sông Đáy, đoạn khu vực trạm bơm đầu làng thôn Kim Bôi, xã Vạn Kim, cũng có tình trạng sạt lở nặng.

Cử tri lo khi mùa mưa lũ đến, sản xuất và đời sống của người dân các xã vùng ven sông Tích như Thuần Mỹ, Sơn Đà, Tòng Bạt, Tây Đằng, Tiên Phong, Thụy An, Đông Quang, Cam Thượng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Cử tri đề nghị thành phố cần sớm đầu tư xây dựng kè chống sạt lở, kịp thời tu bổ đê điều để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ