Top

Công trình xây dựng Đại lộ Đông-Tây: Nước rút về đích

Cập nhật 24/11/2008 01:42

Vượt qua những dư luận xung quanh việc chọn thầu tư vấn, đội ngũ kỹ sư và công nhân xây dựng Đại lộ Đông-Tây vẫn miệt mài làm việc để có thể về đích đúng kế hoạch.

Đã nên hình hài

Ngày thứ bảy 22-11, đã hơn 4 giờ chiều, trời sắp mưa nhưng gần 5.000 kỹ sư, công nhân xây dựng Đại lộ Đông-Tây vẫn bám trụ trên công trường. Cầu Khánh Hội chỉ còn chờ hoàn thành những hạng mục cuối cùng là có thể đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2009. Các kỹ sư, công nhân xây dựng cầu đang tập trung hoàn thiện lan can, hệ thống chiếu sáng và đường dẫn vào cầu.

Cầu Khánh Hội có chiều dài khoảng 180m, với 4 làn xe lưu thông 2 chiều và tải trọng 30 tấn, hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu vận chuyển hành hóa từ hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn đi miền Đông Nam bộ, miền Trung và miền Bắc. Gần cầu Khánh Hội là cầu Calmette hình như chữ H, cũng đã bắt đầu “nên hình nên dáng”.

Ông Vương Hoàng Thanh, Trưởng phân ban quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây cho biết, cầu Calmette dài khoảng 170m, 4 làn xe lưu thông với 1 nhánh chính nối đường Đoàn Văn Bơ và đường Calmette, 2 nhánh phụ nối ra đường Bến Vân Đồn và Bến Chương Dương, dự kiến hoàn thành nhánh chính vào trước Tết Nguyên đán, còn các nhánh phụ đã gác xong dầm, chỉ còn chờ đổ bê tông.

Ở công trình hầm Thủ Thiêm phía quận 1, hiện nay, để tiện việc thi công, nhà thầu xây dựng công trình đã làm một vách ngăn nước sông Sài Gòn với công trường thi công. Khi nào đường dẫn vào hầm hoàn thành thì vách ngăn đó sẽ được dỡ bỏ, toàn bộ con đường (trừ phần lên đến gần bờ) sẽ chìm sâu dưới dòng nước sông. Gần đường dẫn vào hầm là một tháp thông khói. Tháp này có 7 tầng với 4 tầng nằm trên mặt đất, 3 tầng ngầm sâu dưới đất. Khói xả từ các phương tiện giao thông khi đi qua hầm sẽ được dẫn về tháp. Tại đây khói sẽ được xử lý và chỉ được thải ra môi trường khi đạt tiêu chuẩn. Đường dẫn phía Thủ Thiêm cũng có một tháp tương tự.

Đã có phương án sửa chữa vết nứt hầm Thủ Thiêm

Tư vấn Connell-Wagner (Australia) với kinh nghiệm làm hầm ở Australia đã được Ban quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây chọn làm nhà thầu sửa chữa các vết nứt trên hầm Thủ Thiêm. Theo Ban quản lý, đây là đơn vị đã từng sửa chữa thành công một hầm ngầm dài gấp 2,5 lần hầm Thủ Thiêm với những vết nứt tương tự. Hiện nay, việc chọn lựa này đang được UBND TPHCM và các ban ngành liên quan xem xét, phê duyệt. Dự kiến thời gian đánh giá, đưa ra phương án khắc phục vết nứt sẽ là 6 tuần; thời gian sửa chữa 3-4 tuần.

Theo kế hoạch trước đây, đáng lẽ trong tháng 11-2008 này, 4 đốt hầm Thủ Thiêm đã được kéo về sông Sài Gòn, đánh chìm xuống và kết nối với các đường dẫn. Thế nhưng, do sự cố vết nứt nên mọi việc có lẽ sẽ kéo dài đến giữa năm sau, ông Nguyễn Đỗ, kỹ sư trưởng của nhà thầu thực hiện công trình Obaysashi nói.

Song hành với công tác sửa chữa các vết nứt của hầm, công tác khắc phục sự cố lún trên đường dẫn vào hầm phía Thủ Thiêm cũng đang được tiến hành. Chiều 22-11, khu vực lún đã đổ bê tông đang được đắp cát gia tải; phần chưa đổ bê tông đang được đóng thêm cọc bê tông gia cố. Theo ông Nguyễn Đỗ, đây là phương án đề xuất của tư vấn giám sát PCI.

Điều băn khoăn còn lại của những người xây dựng Đại lộ Đông-Tây hiện nay là việc tổ chức thi công nút giao thông Cát Lái. Đây là một nút giao khác mức có 3 nhánh: đi về hướng trung tâm TPHCM, đi về hướng Đồng Nai và đi về hướng trung tâm thể dục thể thao Rạch Chiếc.

Để thi công nút giao này an toàn, đảm bảo chất lượng, một phần đường Xa lộ Hà Nội sẽ phải đóng lại. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dòng xe tải, xe container đi từ cảng Cát Lái-Liên tỉnh lộ 25B ra Xa lộ Hà Nội. Hướng giao thông này lại đang rất đông xe. Bây giờ một phần đường lại bị đóng lại đến khoảng 9 tháng thì ùn tắc giao thông xảy ra là điều rất khó tránh khỏi.

Theo ông Vương Hồng Thanh, nếu không có gì đột xuất, đội ngũ kỹ sư, công nhân ở đây sẽ quyết tâm hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2009. Riêng nút giao thông Cát Lái, do phải điều chỉnh thiết kế, làm thêm một nhánh xuống trung tâm thể dục thể thao Rạch Chiếc nên sẽ hoàn thành vào quý 1-2010.

Đại lộ Đông-Tây dài gần 22 km với điểm đầu giao với quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh) chạy xuôi theo kênh Tàu Hủ-Bến Nghé và vượt sông Sài Gòn đến điểm cuối là giao với Xa lộ Hà Nội. Dự án còn xây dựng các cầu Khánh Hội, Calmette, Chữ Y, Chà Và vượt kênh Tàu Hủ, Bến Nghé và hàng chục cây cầu trên tuyến như cầu Lò Gốm, cầu Rạch Cây, cầu Nước Lên, cầu Cá Trê Lớn, cầu Cá Trê Nhỏ, cầu Kênh số 1, cầu Kênh số 2 cùng 2 nút giao khác mức ở Bình Chánh và Cát Lái. Đại lộ Đông-Tây hoàn thành sẽ là một trục giao thông quan trọng nối hai bờ Đông và Tây của thành phố.


>Dự án đại lộ Đông-Tây: Ngừng giải ngân một số hợp đồng


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng