Top

Công chức nghèo không đủ tiền mua nhà thu nhập thấp

Cập nhật 07/08/2011 09:10

Với mức giá 13,27 triệu đồng mỗi mét vuông ở một dự án nhà thu nhập thấp Hà Nội, nhiều khách hàng đủ tiêu chuẩn mua ngỡ ngàng từ chối ký hồ sơ, buộc chủ đầu tư phải gia hạn.

Anh Nguyễn Hữu Đạt, một khách hàng mua nhà thu nhập thấp của Công ty cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3) tại Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) cho hay giá chủ đầu tư đưa ra quá cao so với khả năng chi trả của người mua. Đang phải sống cùng gia đình 6 người trong căn hộ rộng khoảng 20 m2 tại khu vực Hoàn Kiếm, anh Đạt khấp khởi mừng thầm vì được chấm tới 91 điểm, đủ tiêu chuẩn mua nhà. Song chưa kịp vui, anh ngã ngửa người khi cầm hợp đồng mua bán căn hộ. Tính ra mỗi mét vuông được chủ đầu tư tạm tính lên tới gần 13,27 triệu đồng, cao nhất trong các dự án nhà thu nhập thấp từ trước đến nay. Giá cả căn hộ cũng lên đến 990 triệu đồng.

Giá cả đã cao chót vót nhưng chất lượng công trình lại không được chủ đầu tư ghi cụ thể khiến khách hàng cảm thấy bất an. Hợp đồng có các điều khoản ghi quyền hạn bên bán, bên mua, nhưng riêng Điều 11 nói về trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng, không có dòng nào nói tới nghĩa vụ của bên bán, cả 5 điểm chỉ nói đến trách nhiệm bên mua.

"Giá quá cao trong khi chất lượng công trình không rõ ràng là bất hợp lý. Thêm vào đó, nhà bếp lại không có chỗ rửa bát đĩa mà phải do chủ hộ tự xây dựng sau khi nhận nhà là bất hợp lý", anh Đạt cho hay. Nếu nhà thu nhập có giá quá cao sẽ dẫn đến việc người mua nhà hụt hơi và họ sẽ từ bỏ quyết định mua nhà vì không kham nổi. Ảnh: Hoàng Lan

Anh Minh Tuấn, gửi thư lên báo tâm sự, cũng như bao người, anh háo hức vì đủ tiêu chuẩn mua nhà tại Sài Đồng song mừng vui bao nhiều thì lại buồn bấy nhiêu khi nhận được thông báo giá. Tiến độ thanh toán cũng khiến người mua khó khăn. Theo quy định hiện hành, nhà thu nhập thấp nộp lần đầu không quá 20% giá nhà ở nhưng công ty Hanco 3 yêu cầu khách hàng nộp 25%.

"Người thu nhập thấp lương không quá 5 triệu đồng mỗi tháng, vậy bao giờ chúng tôi mới có tiền để mua được một căn hộ với giá xấp xỉ một tỷ đồng", anh Tuấn chia sẻ.

Trên thực tế, nhiều người đạt tiêu chuẩn mua nhà Sài Đồng đã từ chối chưa ký hồ sơ và chủ đầu tư đã phải gia hạn thêm 5 ngày để khách hàng cân nhắc.

Các khu nhà thu nhập thấp khác ở Hà Nội đã phân phối trước Sài Đồng có giá mềm hơn nhưng vẫn cao so với khả năng chi trả của những người được cho là thu nhập thấp. Các dự án giá thấp trên địa bàn như Đặng Xá, Kiến Hưng, Ngô Thì Nhậm, Sài Đồng dao động ở mức gần 10 triệu đến 13,27 triệu đồng mỗi m2 (đã bao gồm thuế VAT).

Một vị đại biểu chuyên trách Quốc hội từng tâm sự với báo, lương chuyên viên cấp cao như ông cũng không thể mua nhà thu nhập thấp với giá hiện nay.

Chị Kim Thu, khách hàng mua nhà thu nhập thấp ở khu đô thị Kiến Hưng cho hay, căn hộ của chị dù là nhà thu nhập thấp những cũng đã lên tới khoảng 900 triệu đồng. Đóng xong tiền đợt một hết 238 triệu đồng từ tháng 4 song đến nay chị đang sống dở chết dở vì lo chạy vạy tiền đóng đợt 2 sắp tới.

"Trong trường hợp xấu nhất, nếu không vay được người thân, tôi sẽ trả lại hợp đồng cho chủ đầu tư và sẵn sàng chấp nhận nộp phạt", chị Thu cho hay.

May mắn hơn chị Thu, anh Trần Hải đã mua được nhà thu nhập thấp ở Ngô Thì Nhậm (Hà Đông). Để mua được căn hộ 800 triệu đồng, anh đã phải vay họ hàng và thế chấp cả căn nhà rộng 20 m2 của bố mẹ. Lương của hai vợ chồng anh tổng cộng được 8 triệu đồng, tiền thuê nhà mất gần 2 triệu mỗi tháng, tiền học của con cũng hết đến gần một triệu, còn lại cả nhà phải chật vật mưu sinh làm thêm để trả nợ.

"Tiền vay trị giá gần nửa căn hộ. Nhưng nếu không vay mượn, chắc phải đến 20 năm sau, chúng tôi cũng không mua được nhà", anh Hải chia sẻ.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Nguyên, Trưởng ban dự án, Công ty cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội cho hay, trong đợt này, công ty ông bán ra 420 căn hộ nhà thu nhập thấp ở Sài Đồng. Ông lý giải sở dĩ mỗi m2 nhà thu nhập thấp của công ty ông có giá hơn 13 triệu đồng vì tòa nhà quy mô hơn và cao hơn các căn hộ thu nhập thấp khác.

"Tòa nhà của Công ty lên tới 16 tầng, có tầng hầm và được dùng cọc khoan nhồi trong xây dựng trong khi một số tòa nhà thu nhập thấp khác không có tầng hầm và dùng cọc ép. Mỗi công trình có điều kiện, tiêu chuẩn khác nhau, do đó, không nên so sánh giá giữa các dự án", ông Nguyên nói.

Lý giải về việc không lắp đặt chậu rửa tại công trình phụ, ông Nguyên giải thích, mỗi khách hàng đều có sở thích khác nhau do đó, công ty không lắp đặt. Khi làm đến giai đoạn xong phần thô, chủ đầu tư sẽ mời khách hàng đến xem xét.

"Nếu khách hàng thích lắp luôn chậu rửa, chủ đầu tư sẽ thực hiện đúng yêu cầu và chi phí này sẽ không được tính khi phát sinh", ông Nguyên cho hay.

Ông Nguyên khẳng định, các danh mục, vật tư được chủ đầu tư tính toán theo đúng công bố giá của thành phố và chỉ có lợi nhuận 10% theo đúng quy định. Sang tuần tới, lãnh đạo liên ngành các Sở Tài chính, Xây dựng sẽ thẩm định giá công ty đưa ra để trình UBND thành phố Hà Nội. Sau đó, thành phố sẽ chốt mức giá chính thức bán ra và công ty sẽ công khai với người dân.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho hay, giá nhà ở Việt Nam hiện nay đang cao gấp 25 lần mức thu nhập của một người lao động bình thường, trong khi ở các nước phát triển, tỷ lệ này là 4 lần, còn đối với các nước chậm phát triển tỷ lệ này là 2. Sở dĩ nhà thu nhập thấp ở Hà Nội có giá cao vì nhà thu nhập thấp nhưng chủ đầu tư vẫn lấy tiêu chuẩn theo kiểu nhà hiện đại, căn hộ diện tích lên tới 50 m2 trở lên, trang thiết bị nội thất đầy đủ. Chủ đầu tư đã quên mất rằng, người thu nhập thấp thậm chí phải đun bếp than tổ ong, do đó, giá thành càng hạ càng tốt, căn hộ chỉ cần rộng khoảng 30 m2 là đủ.

"Nếu nhà thu nhập có giá quá cao sẽ dẫn đến việc người mua nhà hụt hơi và họ sẽ từ bỏ quyết định mua nhà vì không kham nổi. Và tôi e rằng, nhà lúc đó sẽ buộc phải bán cho người thu nhập cao, còn người có mức sống bình dân thì vẫn không có nhà để ở", ông Võ nhận định.

DiaOcOnline.vn - Theo VN Express