Top

Cơ hội trước mắt và câu chuyện trường tồn

Cập nhật 31/01/2014 10:27

Chuyên gia phong thủy Phạm Cường, Giám đốc Khối phong thủy, CTCP Nhà Xuân Năm Giáp Ngọ là sự kết hợp của Thiên can Giáp với địa chi Ngọ, Thiên can Giáp mang hành Mộc tương sinh với địa chi Ngọ mang hành Hoả.


Năm 2014 là khởi đầu của tuần Giáp Ngọ. Với tính tương sinh đã nói ở trên giữa Giáp và Ngọ, tuần Giáp Ngọ (10 năm tới đều thuộc tuần này) được coi là tuần có vận khí tốt nhất trong 60 năm lục thập hoa giáp. Có thể nói, năm Giáp Ngọ sẽ là một năm chứa đựng nhiều cát khí, vậy nên bức tranh kinh tế của tổng thể cả thế giới sẽ có nhiều màu sắc tươi sáng.

Đây là dự báo chung nhất, tuy nhiên, các quốc gia sẽ không hoàn toàn giống nhau. Tại Việt Nam, về cơ bản, những khó khăn lớn nhất đã trôi qua. Tuy vậy, nền kinh tế cần ít nhất 3 năm, lâu hơn khoảng 5 năm để lấy lại nhịp độ tăng trưởng tương tự giai đoạn trước 2008.

Năm 2014, theo tam nguyên cửu vận, số 4 nhập trung cung, số 3 tới cung đông nam (chủ về tài lộc) là cách lưỡng mộc thành lâm, tạo nên cát khí. Về cơ bản, kinh tế, nhất là tài chính và ngân hàng, chứng khoán sẽ gặp vận mà đi lên. Hơn nữa, cung Ly hoả gặp được số 8 là sao giữ vận khí chính của chu kỳ Bát Vận nên tốt thêm, càng củng cố cho nhận định này. Cung Càn mang hành Kim chủ về vàng, kim loại, bị Ngũ hoàng đến chủ phá tán nên hành Kim không vượng.

Xét tổng cục, trong năm Giáp Ngọ 2014, có ba cung mang hành Thổ chủ về bất động sản, lĩnh vực xây dựng, nhưng hai cung gặp trường khí xấu, một cung gặp trường khí tốt. Do vậy, có thể nhận định, trong năm mới này, bất động sản và xây dựng bớt xấu hơn so với vài năm trước.

Hơn nữa, kinh tế trong năm nay dự đoán có nhiều điểm tích cực, nên hai lĩnh vực này nhờ đó bắt đầu đi lên. Những nhà đầu tư khôn ngoan dĩ nhiên không bỏ qua cơ hội đón đầu. Về cơ bản, giữa hai miền Nam và Bắc sẽ có sự khác biệt, bất động sản miền Nam sẽ có xu hướng bật lên sớm hơn so với miền Bắc. Tính chất sẽ cũng khác nhau, nếu như miền Nam ấm theo kiểu dần đều, thì miền Bắc tuỳ từng khu vực, thậm chí sẽ có những điểm lẻ tẻ gây sốt.

Trong ngắn hạn, bất động sản các kênh phát triển tốt gồm nhà giá rẻ và thu nhập thấp. Tuy nhiên, các chủ đầu tư nếu không khéo dễ bị sa đà nhiều vào loại hình này. Đất nền sẽ có những sức hút nhất định, thậm chí có vài điểm gây sốt cục bộ. Những khu vực ở Hà Nội có thể gây sốt nằm ở hai trục Bắc - Nam của Thành phố, nếu lấy bờ hồ Hoàn Kiếm làm tâm. Chẳng hạn như khu vực Đông Anh (phía Bắc) hoặc khu vực quận Hoàng Mai, Thanh Trì (phía Nam).

Theo khoa học phong thủy, mọi sự vật được hình thành bởi khí: khí tụ thì thành hình, khí tán thì vật suy bại, thậm chí có thể sụp đổ. Nhà cửa, công trình, khu đô thị, bất động sản cũng theo lý đó mà suy. Có hình thành và có suy bại.

Nói tới bất động sản Thủ đô, cần xét tới long mạch Hà Nội hay chính là Thăng Long ngàn năm văn vật. Mạch khí Hà Nội xuất phát từ những nhánh núi phía Bắc, chạy theo chiều từ Tây Bắc sang Đông Nam, gặp sông Hồng chặn lại, theo năm tháng tích tụ lên dần tạo nên Thăng Long Hà Nội như ngày nay. Cùng với sự phát triển của con người với dân số đông dần lên, dòng long mạch chứa thiên khí ấy kết hợp với sự tăng dân số - nhân khí của con người khiến cho mạch khí tràn đầy và có xu hướng dâng dần, chảy ngược lại phía Tây. Xu hướng này ban đầu giúp hình thành những khu vực dự án các chuỗi đô thị từ phía Tây, như Mỹ Đình, các dự án trục đường 32 đã từng gây sốt nhiều năm về trước.

Nhưng gần đây, sự xuất hiện của những cây cầu qua sông Hồng như cầu Nhật Tân, việc thay đổi dòng chảy chia nhỏ khí lực của sông Hồng qua sông Đuống khiến cho mạch khí đó có sự thay đổi. Chính sự thay đổi về khí chất này sẽ khiến cho xu hướng hình thành bất động sản cũng có sự thay đổi. Những năm Giáp Ngọ, theo dự báo của tôi, bất động sản ở phía bờ Bắc sông Hồng sẽ có sự phát triển rõ ràng, xu thế phát triển về hướng Tây ngày càng xa dần.

Xu hướng Thành phố phát triển hai bờ dòng sông là một xu hướng đúng đắn cho một đô thị hiện đại. Với phong thuỷ, chính khí lực của dòng sông sẽ cấp cho Thành phố những năng lượng khí cần thiết, đồng thời giúp lưu thông và giải phóng ra ngoài những khí uế tạp.

Thực tế chứng minh, những thành phố lớn nổi tiếng trên thế giới cũng không nằm ngoài xu hướng này. Có thể kể ra như Paris có sông Seine, thủ đô của nước Nga có dòng sông Matxcova từ phương Bắc chảy đến đẹp như một dải lụa, London với sông Thame huyết mạch. Hay Hàn quốc, thủ đô Seoul có sông Hàn nằm giữa lòng Thành phố. Hà Nội muốn vươn lên khẳng định vị thế sẽ không nằm ngoài xu thế này. Và đó sẽ là sự lựa chọn của lịch sử. (Chuyên gia phong thủy Phạm Cương, Giám đốc khối phong thủy, CTCP Nhà Xuân)

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán