Top

Cơ hội cho căn hộ bình dân

Cập nhật 20/03/2013 08:23

Doanh nghiệp cần định hình lại các dòng sản phẩm hướng đến nhu cầu thật của người tiêu dùng và nhà đầu tư

Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam được thiết kế giống như hạng ghế ngồi trên máy bay thương mại, chỉ có điều hạng phổ thông (phân khúc nhà ở phổ thông, bình dân, giá thấp) thì ít, mà hạng thương gia (nhà ở cao cấp, trung cấp) lại nhiều nên cần phải cơ cấu lại.

Một công trình căn hộ tại TPHCM. Nhu cầu thị trường đang cần những căn hộ giá bình dân. Ảnh: TẤN THẠNH

Chờ căn hộ giá mềm

Chị Phương Linh, ở quận 2 - TPHCM, cho biết thu nhập của vợ chồng hằng tháng được khoảng 20 triệu đồng. Sau khi chi tiêu, mỗi tháng gia đình chị để dành được khoảng 10 triệu đồng. Dành dụm mấy năm trời, tiết kiệm được 400 triệu đồng nhưng đến giờ chị vẫn chưa quyết định mua căn hộ với tâm lý chờ giá giảm thêm và có sự lựa chọn ở phân khúc bình dân. “Khu vực gần trung tâm TP giá căn hộ quá cao, trong khi ở vùng ven giá mềm hơn nhưng ít có sự lựa chọn, lại xa nơi làm việc, nên vợ chồng tôi vẫn lưỡng lự, chờ những dự án ra đời sau với sản phẩm vừa túi tiền hơn” - chị Phương Linh nói.

Đây cũng là tâm trạng của nhiều người đang có nhu cầu mua nhà ở thật sự, khi thị trường BĐS năm 2012 đã có những cuộc giảm giá mạnh và dự báo sẽ còn giảm thêm trong năm nay. Quan trọng hơn, sau khi hàng loạt doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn vì xây dựng căn hộ trung, cao cấp không phù hợp nhu cầu thị trường, dẫn đến hàng tồn kho lớn, nợ xấu tăng, phải tái cơ cấu. Nhiều khách hàng hy vọng thị trường sẽ có thêm nhiều nhà ở và căn hộ giá bình dân trong năm nay.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho biết dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2012, căn hộ vừa và nhỏ, mức giá trung bình, được thị trường đón nhận. “Doanh nghiệp BĐS phải chấp nhận giảm giá bán, thậm chí bán lỗ để cắt lỗ nhằm giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu. Đây là lúc doanh nghiệp cần định hình lại các dòng sản phẩm hướng đến nhu cầu thật của người tiêu dùng và nhà đầu tư” - ông Châu nói.

Kích thích phân khúc phổ thông

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét thị trường hiện đang có sự sai lệch lớn quan hệ cung cầu về nhà ở. Trong đó, nguồn cung các sản phẩm nhà ở trung cấp và cao cấp, với giá cao, chiếm tỉ trọng lớn, trong khi nhu cầu chủ yếu đối với sản phẩm nhà ở bình dân, giá trị thấp. Doanh nghiệp lại dựa quá nhiều vào tín dụng ngân hàng… vì vậy, sẽ khó giải quyết hàng tồn kho.

TS Trần Du Lịch cho rằng tuy vậy không nên quá bi quan về thị trường này, bởi chúng ta có thể làm ấm dần, gỡ từng phần trong năm 2013 và các năm tiếp theo, nếu giải quyết tốt chính sách tín dụng. Chẳng hạn, với những dự án có đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, như phân khúc nhà ở phổ thông, đang thiếu vốn do xây dựng dở dang… có thể được tiếp tục cấp vốn để hoàn thành, bán ra thị trường và thu hồi vốn về. Làm tốt điều này sẽ góp phần khơi thông thị trường BĐS. Đồng thời, việc giải quyết khó khăn thị trường BĐS cần phải gắn liền với xử lý nợ xấu.

Nghị quyết 02 của Chính phủ ban hành đầu năm 2013 đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS ở phân khúc nhà giá rẻ. Chính phủ yêu cầu các ngân hàng thương mại dành một lượng vốn hợp lý cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại, có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, với lãi suất thấp, kỳ hạn phù hợp…

Đồng thời, cho vay đối với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, chuyển đổi công năng dự án đầu tư sang nhà ở xã hội, với lãi suất hợp lý. Nhà nước dành từ 20.000 - 40.000 tỉ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý, thời gian tối đa 10 năm để hỗ trợ ngân hàng thương mại Nhà nước cho vay các đối tượng trên.

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao động