Quy mô thị trường chứng khoán quá nhỏ trong khi căn bệnh của bất động sản đã bước vào giai đoạn trầm kha, các chuyên gia nhận định doanh nghiệp địa ốc khó trông chờ vào phao cứu sinh này trong năm 2013.
Từ tháng 1 đến trung tuần tháng 2, thông qua hoạt động M&A, mua bán sáp nhập và tái cơ cấu sản phẩm, cổ phiếu bất động sản: SCR, HQC, DXG, TDH, KDH, KBC... dần tìm lại đà tăng. Cộng hưởng từ việc HOSE và HNX được nới biên độ, đề án giải cứu nền kinh tế, dự kiến nới room cho khối ngoại, không ít công ty niêm yết trên cả 2 sàn TP HCM và Hà Nội nhóm lên tia hy vọng cậy nhờ kênh chứng khoán tiếp sức cho địa ốc.
Thế nhưng giá trị của cổ phiếu địa ốc vẫn khá bấp bênh. Chỉ cần chứng khoán "nhức đầu sổ mũi" là cổ phiếu bất động sản lại rơi xuống đáy và chật vật lắm mới bật lên nổi. Điển hình là chỉ trong hơn một giờ đồng hồ hỗn loạn của phiên giao dịch chiều 21/2, Vn-Index mất 18,1 điểm, HNX-Index sụt hơn 3,5 điểm, cổ phiếu bất động sản cũng đồng loạt lao dốc.
Ngày 22/2, xu hướng đi xuống tiếp tục lấn lướt nhóm cổ phiếu này. Trên cả 2 sàn, các mã ngành địa ốc chỉ le lói vài sắc xanh, số còn lại đều nhuộm đỏ, trong đó có nhiều mã trượt sàn. Nhiều ý kiến cho rằng phải mất hàng chục phiên nữa những mã này mới "lại sức".
Trước sự phập phồng ấy các chuyên gia tỏ ra bi quan về kịch bản chứng khoán có thể kéo con tàu bất động sản sắp đắm. Trao đổi với VnExpress.net, một chuyên viên phân tích Công ty chứng khoán Phú Hưng dự báo: "Năm 2013 vẫn là giai đoạn khó khăn của bất động sản. Vì vậy, các doanh nghiệp địa ốc niêm yết trên sàn sẽ không có nhiều cơ hội cải thiện tình hình".
Nhiều chuyên gia cho rằng quy mô của thị trường bất động sản lớn cộng thêm ngành này khủng hoảng quá sâu nên rất khó giải cứu. Ảnh: V.L
|
Vị này giải thích, kịch bản thị trường địa ốc phải tiếp tục gồng mình cầm cự gần như là chắc chắn. Hiện nợ xấu và hàng tồn kho ngành này vẫn còn rất cao. Bản thân chứng khoán còn chưa đủ mạnh thì lấy sức đâu kéo bất động sản khỏi vũng lầy. "Dù Vn-Index có diễn biến tốt hơn cũng chỉ tăng trong giới hạn vì lnền kinh tế vẫn chưa có tín hiệu gì mới. Trong bối cảnh này chứng khoán khó lòng bọc lót, hỗ trợ cho bất động sản", ông nói.
Giám đốc phân tích quỹ đầu tư Sài Gòn - Hà Nội, Nguyễn Việt Đức nhận định, về lý thuyết, thị trường chứng khoán tăng có thể là cơ hội cho những doanh nghiệp bất động sản huy động vốn từ sàn. Các công ty địa ốc đồng thời cũng có thể dễ dàng hơn trong việc dùng cổ phiếu để thế chấp vay vốn ngân hàng. "Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn quá nhỏ so với địa ốc nên khó mà kéo thị trường này đi lên được", ông Đức nhận định.
Hơn nữa, theo ông Đức, mối liên kết giữa thị trường bất động sản và chứng khoán ở Việt Nam chưa có dấu hiệu rõ rệt. Chẳng hạn như năm 2007 và năm 2009, bất động sản đi lên không phải do chứng khoán thăng hoa mà là do chủ yếu là bơm tiền.
Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán MB, Lưu Trung Thái phân tích, giá cổ phiếu tốt lên, về cơ bản không trực tiếp cứu thị trường bất động sản. Nhưng khi giá tăng, cổ phiếu mà các nhà đầu tư đang nắm giữ cũng sẽ tăng giá, dẫn đến thu nhập của họ từ chứng khoán sẽ tốt lên. Ở thị trường thứ cấp, rất có thể họ đem đầu tư lại và làm thị trường bất động sản khởi sắc.
Hầu hết các chuyên gia đều tin rằng dù chứng khoán thăng hoa cũng không thể kéo địa ốc khỏi con tàu đắm. Ảnh: B.H
|
Ông Thái cho hay, nếu thị trường chứng khoán khởi sắc dần, khả năng vay vốn từ doanh nghiệp bất động đã niêm yết có khả năng tốt hơn. Thế nhưng điều này còn phụ thuộc vào sức khỏe của từng doanh nghiệp và liệu các nhà đầu tư có rót thêm vốn vào địa ốc hay không. "Xét cho cùng, cơ hội để chứng khoán có thể ngay lập tức tác động vào thị trường bất động sản trong năm 2013 là rất ít", ông nói.
Trong khi đó, theo Công ty chứng khoán BSC, trong năm 2012, các doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã hứng chịu tác động kép khiến hầu hết cổ phiếu ngành này đều giảm mạnh. Hơn 20% số doanh nghiệp trên sàn niêm yết có giá cổ phiếu giảm 50-80%, có 52% số doanh nghiệp có giá cổ phiếu giảm 30-50%.
Vì vậy, BSC khuyến cáo, sức hấp dẫn của ngành bất động sản trong năm 2013 là rất thấp. Thị trường chỉ quay trở lại khi có sự linh hoạt của hệ thống ngân hàng đối với tín dụng bất động sản và phụ thuộc vào các gói giải cứu của Chính phủ.
Riêng Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa lại không đặt niềm tin vào mối quan hệ tương hỗ giữa chứng khoán và địa ốc trong năm Quý Tỵ.
Theo ông Nghĩa, giữa biển tài chính nhiều sóng dữ, thị trường chứng khoán quá nhỏ so với quy mô của con tàu bất động sản cồng kềnh. "Trong giai đoạn địa ốc lâm bệnh trầm kha, khủng hoảng sâu chứng khoán khó kéo nổi con tàu lớn sắp đắm này", ông nhấn mạnh.
Chuyên gia này cho rằng có thể sẽ xảy ra kịch bản một số doanh nghiệp địa ốc niêm yết trên sàn vẫn kinh doanh tốt, trụ được trong sóng gió. Cổ phiếu của các doanh nghiệp này sẽ có cơ hội tăng và nhờ chứng khoán doanh nghiệp có cơ may vượt qua giai đoạn khó khăn. Thế nhưng đáng lo ngại là thị trường không có nhiều nhân tố lý tưởng đến thế nếu không nói là hiếm hoi.
Để cứu địa ốc khỏi con tàu đắm, theo ông Nghĩa, cách khả thi nhất là cần có bàn tay can thiệp sâu rộng của Chính phủ bằng các công cụ tài khóa. Từ bàn đạp này, các thị trường tài chính sẽ được hưởng lợi về mặt tâm lý. Bất động sản có thuốc điều trị căn bệnh "đầy hơi". Nợ xấu từng bước được giải quyết qua kênh: M&A, huy động vốn từ trái phiếu và nhà đầu tư... "May ra vào thời điểm thông thoáng đó, chứng khoán mới có thể hỗ trợ được phần nào cho thị trường bất động sản", ông nói.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: