Công trình xây dựng tạm vẫn được bồi thường khi dự án triển khai chậm.
Thảo luận về dự án Luật Xây dựng sửa đổi tại hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách ngày 10-4, nhiều ý kiến ủng hộ quy định cấp phép xây dựng tạm trong vùng dự án treo để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất không bị “treo” theo dự án. Đồng thời, các ý kiến cũng đề nghị bổ sung quy định bồi thường cho công trình xây dựng tạm như công trình được cấp phép xây dựng chính thức khi dự án triển khai chậm.
Theo dự thảo luật, những khu vực thuộc khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ được cấp giấy phép xây dựng tạm. Hết thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng thì chủ đầu tư phải tự phá dỡ công trình và không được bồi thường.
Nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ việc cấp phép xây dựng tạm trong vùng dự án “treo” để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất. Ảnh: HTD
|
Không lợi nhuận thì ai làm công chứng?
Cùng ngày, các ĐB chuyên trách cũng đã thảo luận về dự án Luật Công chứng sửa đổi. các ĐB tiếp tục thể hiện sự băn khoăn về nguyên tắc hành nghề công chứng “không vì mục đích lợi nhuận” hay vẫn vì lợi nhuận. Luồng ý kiến thứ nhất thì cho rằng vì hoạt động công chứng trước hết là nhằm giúp Nhà nước bảo đảm cung cấp dịch vụ công cho xã hội, phải đặt tính chất phục vụ lên hàng đầu chứ không thể sử dụng các lợi thế này phục vụ mục đích kiếm lợi nhuận như các hình thức kinh doanh, dịch vụ thông thường. Tuy nhiên, luồng ý kiến thứ hai lại cho rằng văn phòng công chứng hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp, không có sự bao cấp của Nhà nước nên dù cung cấp dịch vụ công ích thì hoạt động của tổ chức này cũng không thể không tính đến yếu tố lợi nhuận. “Làm công chứng cũng phải vì sinh nhai mới làm chứ đâu phải thừa vật chất rồi làm cho vui” - ĐB Trần Ngọc Vinh nói.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thì nhấn mạnh nếu yêu cầu các văn phòng công chứng đều phải phi lợi nhuận thì sẽ không ai làm. Do đó ông Thuyền kiến nghị nên ghi vào dự thảo luật nguyên tắc lợi nhuận là để đầu tư phát triển chứ không được chia nhau.
Về quy định công chứng viên phải chịu trách nhiệm liên đới nội dung bản dịch, ông Thuyền cho rằng quy định trên là chưa phù hợp. “Nhiều công chứng viên nói với tôi rằng họ sợ quy định này lắm. Bởi họ chỉ biết công chứng, chứng thực về hình thức chứ đâu biết nội dung bản dịch như thế nào. Việc dịch đúng hay sai thì người dịch phải chịu trách nhiệm chứ, công chứng có dịch đâu mà biết” - ông Thuyền nói. ĐB Nguyễn Sỹ Cương - Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng không nên đưa quy định công chứng viên chịu trách nhiệm liên đới nội dung bản dịch mà chỉ chịu trách nhiệm về phần tiếng Việt trong văn bản.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: