Đất Việt đã có cuộc trao đổi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu về các vấn đề liên quan đến tín dụng ngân hàng bên lề cuộc gặp gỡ báo chí diễn ra ngày 17/6 tại Hà Nội.
* Thống đốc có đánh giá như thế nào về dư nợ cho vay vào các lĩnh vực "nhạy cảm" như bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng?
- Tính đến hết tháng 5, dư nợ cho vay bất động sản của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) là 151.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2008, dư nợ cho vay chứng khoán khoảng 7.200 tỷ đồng, tăng 4%, cho vay tiêu dùng là 85.000 tỷ đồng, tăng 11,6%. Tốc độ tăng tín dụng của những lĩnh vực này đều chậm hơn tốc độ tăng của tổng dư nợ bình quân là 14,01%.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: Thảo Nguyên.
“Kết quả kiểm tra sơ bộ của NHNN cho thấy, đến nay, chưa phát hiện NH nào vi phạm quy định cho vay chứng khoán vượt 20% vốn điều lệ. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra trường hợp doanh nghiệp, khách hàng thực hiện đầy đủ các thủ tục, quy định để vay vốn nhưng sau đó sử dụng sai mục đích, trong đó có thể “đổ” vào bất động sản, chứng khoán. Nhưng với nền kinh tế tỷ trọng thanh toán tiền mặt còn cao như của chúng ta thì khó kiểm soát hết”, Thống đốc nói.
* Làm thế nào để quản lý luồng tiền chặt hơn?
- Quy chế quản lý của chúng ta (áp dụng từ 2001 đến nay) được công nhận là tương đối chuẩn mực. Theo đó, các TCTD trước hết phải chịu trách nhiệm tự kiểm soát hoạt động tín dụng của mình và về cơ bản, đến nay tôi thấy chưa có gì bất ổn. Tính đến cuối tháng 4, nợ xấu của hệ thống NH chiếm 2,62% trên tổng dư nợ tăng nhẹ so với hồi đầu năm là 2,17% nhưng chưa đáng ngại.
NHNN đã kiểm tra diện rộng từ 11/6, tập trung vào ba khu vực: thực hiện hỗ trợ lãi suất; an toàn hệ thống và quản lý nhà nước về ngoại hối. Chúng tôi cũng vừa yêu cầu các TCTD tự kiểm tra về hoạt động cho vay lãi suất thỏa thuận, đặc biệt cho vay tiêu dùng, phát hành thẻ. Thống đốc và các Phó thống đốc sẽ trực tiếp đi kiểm tra các đoàn kiểm tra nói trên tại 32 tỉnh, thành phố, bắt đầu từ 18/6.
* Lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện lên mức 10% một năm, gần chạm trần lãi suất cho vay là 10,5% một năm. Ý kiến ông ra sao?
- Tôi cho rằng, mức lãi suất huy động nâng cao cũng chưa đến mức đáng ngại bởi nhiều NH đã cho vay tiêu dùng với mức lãi suất phổ biến 14 - 15% một năm. Mặt khác, cơ cấu vốn huy động ở mức lãi suất cao chiếm tỷ lệ thấp, do vậy không ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động chung của TCTD. Tuy nhiên, có hai NH (quy mô nhỏ và uy tín trên thị trường chưa lớn) đã đưa ra mức lãi suất huy động cao. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, xem xét hoạt động của tất cả các NH có dấu hiệu “trội” hơn trong cuộc “đua” lãi suất này.
* Có ý kiến cho rằng, đã đến lúc xem xét dừng gói kích cầu. Theo ông, thời điểm nào dừng là hợp lý?
- Chính sách hỗ trợ lãi suất đã phát huy vai trò rất tích cực giúp vực dậy nền kinh tế. Nhưng nếu kinh tế đã phục hồi mà vẫn tiếp tục hỗ trợ sẽ làm méo mó thị trường.
Trong 1 - 2 ngày tới, Quốc hội có khả năng thông qua chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 ở mức khá cao là 5%. Trong khi đó, nhiều tổ chức tài chính quốc tế lại đưa ra mức dự báo khá khiêm tốn. Do vậy, để khẳng định kinh tế đã phục hồi thời điểm này e rằng hơi sớm.
Tuy nhiên, tôi đồng tình là chúng ta cần có lộ trình giảm sốc. Mức hỗ trợ lãi suất tới 4% là lớn, nếu đến 31/12 dừng lại thì sẽ rất sốc. Chúng tôi sẽ sớm có phương án trình Chính phủ xem xét.
* Nhiều NH vẫn cho biết rất khó khăn để cân đối nguồn USD bán cho doanh nghiệp. Có cần thiết thực hiện thêm biện pháp mạnh tay khác?
Sức ép cung - cầu ngoại tệ cơ bản không lớn. Tháng 5, chúng ta mới nhập siêu khoảng 1,1 tỷ USD. Chính phủ cũng đặt mục tiêu nhập siêu năm nay không quá 20% kim ngạch, tương ứng khoảng 10 tỷ USD - thì riêng kiều hối đã bù đắp cơ bản. Thực tế, cả NH, doanh nghiệp đều than thiếu USD là có phần ảnh hưởng từ chính sách hỗ trợ lãi suất (doanh nghiệp vay VND được hỗ trợ lãi suất rồi mua USD sẽ có lợi hơn vay USD - PV). Tuy nhiên, đến nay lãi suất vay USD đã được hệ thống NH đồng lòng hạ xuống tối đa 3%/năm mà doanh nghiệp vẫn không vay là lỗi của doanh nghiệp. Tôi khẳng định, cung - cầu ngoại tệ vẫn ổn định. Đó cũng là lý do, từ 21/3 đến nay, NHNN không mở biên độ, không thay đổi chính sách điều hành ngoại tệ.
* Xin cảm ơn Thống đốc!
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: