Top

Cho thuê vỉa hè, đi bộ ở đâu?

Cập nhật 24/05/2010 08:40

Đi bộ dưới lòng đường sẽ bị phạt, nhưng TP.HCM lại lập phương án cho thuê vỉa hè. Vậy người đi bộ đi như thế nào cho đúng luật?


Vỉa hè bị chiếm dụng hết khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường (ảnh chụp sáng 22-5 trên đường Thủ Khoa Huân, Q.1, TP.HCM) - Ảnh: Minh Đức

Chỉ được sử dụng 1,5m đối với đường có vỉa hè trên 3m

Trước đây, UBND TP.HCM từng ra hai quyết định về việc sử dụng vỉa hè. Theo quyết định 74/2008 của UBND TP ngày 23-10-2008, đối với vỉa hè có bề rộng trên 3m, phạm vi cho phép sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông (làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, phục vụ dịch vụ buôn bán hàng hóa...) có bề rộng lớn nhất là 1,5m tính từ mép tiếp giáp nhà bên trong vỉa hè (hoặc từ mốc chỉ giới đường) trở ra hoặc từ bó vỉa trở vào.

Quyết định số 5010/2009 ngày 3-11-2009 của UBND TP cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí (160 tuyến đường), phục vụ kinh doanh dịch vụ buôn bán hàng hóa (112 tuyến) và cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí (73 tuyến).
Thông tin UBND TP.HCM vừa thống nhất phương án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP đối với những trường hợp sử dụng vỉa hè để kinh doanh, làm bãi giữ xe... được nhiều người quan tâm vì theo nghị định 34, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với trường hợp chiếm dụng đường phố để kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa...

Phương án này đang trình HĐND TP nhưng liệu có trái với nghị định 34 của Chính phủ? Liệu việc cho thuê này có hợp thức hóa tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường?

Không nên cho thuê vỉa hè để kinh doanh

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở nhiều tuyến đường khu vực trung tâm TP vỉa hè, lề đường đã bị lấn chiếm để buôn bán, lập bãi giữ xe, không còn lối cho người đi bộ. Khu vực lề đường bị chiếm dụng nhiều nhất là vỉa hè đường Lê Thánh Tôn, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu... Tại khu vực chợ Bến Thành (Q.1), người đi bộ - nhất là khách nước ngoài - phải tràn xuống cả lòng đường để đi lại rất nguy hiểm. Thậm chí khu vực lề đường Thái Văn Lung, Thi Sách, Đông Du ở quận 1 đã bị nhiều đơn vị biến thành bãi giữ xe, không còn lối cho người đi bộ.

Từ trước đến nay vấn đề này là nỗi bức xúc của người dân trên địa bàn TP. Thế nhưng ngay sau khi nghị định 34 xử phạt tăng nặng có hiệu lực, vẫn không thấy người lấn chiếm vỉa hè bị xử phạt như quy định.

Không đồng ý với phương án cho thuê vỉa hè tạm thời để làm nơi kinh doanh, buôn bán, làm bãi giữ xe, phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Xuân Mai (Đại học Bách khoa TP.HCM), người đã có nhiều công trình nghiên cứu về giao thông của TP.HCM, cho rằng vỉa hè, lề đường chỉ được dùng cho người đi bộ. Một số quận cho để xe gắn máy trên lề đường sát mép đường nhưng vẫn dành phần đường cho người đi bộ là hợp lý.

Ông Mai cho rằng quy định về xử phạt những trường hợp lấn chiếm vỉa hè trong nghị định 34 cũng nhằm mục đích dành vỉa hè cho người đi bộ. Do đó TP không thể cho thuê vỉa hè phục vụ bất kỳ hình thức buôn bán kinh doanh nào.


Bãi giữ xe tràn xuống lòng đường phố Hàng Giấy, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội (ảnh chụp chiều 23-5) - Ảnh: N.V.H.

Đi bộ phạm luật sẽ không bị phạt nếu vỉa hè bị chiếm?

Trao đổi với phóng viên xung quanh phương án của UBND TP.HCM về việc cho thuê vỉa hè, ông Nguyễn Văn Thuấn - vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải - cho biết Luật giao thông đường bộ cho phép việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.

Trong nghị định 34 cũng quy định không được sử dụng lòng lề đường trái quy định. Do đó nếu TP.HCM có cho thuê vỉa hè cũng phải có quy định để dành đường cho người đi bộ.

Ông Lê Hồng Việt - phó chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM - khẳng định sẽ xử phạt nghiêm những trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lề đường mà không được phép. Ông Việt cho rằng các tuyến đường được phép cho thuê vỉa hè phải chừa 1,5m cho người đi bộ. Nếu các hộ kinh doanh sử dụng quá diện tích “thuê” sẽ bị nhắc nhở lập biên bản và rút giấy phép kinh doanh. Thanh tra giao thông sẽ phạt đối với các trường hợp vi phạm với mức xử phạt 20-30 triệu đồng.

Thượng tá Võ Văn Vân - phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ Công an TP.HCM - cho rằng ở các tuyến đường mà vỉa hè, lề đường bị lấn chiếm không còn lối đi thì cảnh sát giao thông sẽ không xử phạt người đi bộ đi dưới lòng đường mà phối hợp với thanh tra giao thông để xử phạt các cơ sở kinh doanh lấn chiếm lề đường.

Hà Nội: nhiều vỉa hè, lòng đường thành bãi giữ xe

Ghi nhận chiều 23-5 tại đoạn phố từ Đồng Xuân sang Hàng Giấy (Q.Hoàn Kiếm) cho thấy một phần lòng đường một chiều (phía bên phải) đã bị chiếm dụng làm bãi giữ xe đạp, xe máy cho khách đến chợ Đồng Xuân.

Cũng tại Q.Hoàn Kiếm, chỉ riêng một đoạn đường Trần Nhật Duật (từ phía Yên Phụ sang) có tới ba điểm vỉa hè bị trưng dụng. Đầu tiên là điểm trông giữ xe do ngành giao thông TP Hà Nội quản lý nằm ngay trên vỉa hè đường Trần Nhật Duật, phía dưới gầm cầu Long Biên. Tiếp theo đó chừng hơn chục mét là điểm giữ xe của đội cảnh sát giao thông số 1 (Công an Hà Nội), cũng choán toàn bộ phần vỉa hè và khách đi qua đây chỉ còn nước... xuống lòng đường.

Xa hơn chỗ này khoảng 500m, qua chân cầu Chương Dương, một điểm trông giữ ôtô của ngành giao thông TP Hà Nội mọc ngay trên vỉa hè bên trái đường Trần Nhật Duật. Toàn bộ dải vỉa hè bên trái của con đường (một chiều) này được trưng dụng để trông giữ ôtô ngày và đêm, không còn chỗ nào dành cho người đi bộ.

Cuối năm 2007, UBND TP Hà Nội đã có quyết định về việc thu phí sử dụng lề đường, lòng đường, bến bãi, mặt nước trên địa bàn TP. Theo đó, vỉa hè trên một số tuyến đường phố của thủ đô được cho thuê với giá 10.000-50.000 đồng/m2/tháng.


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO