Dự thảo thí điểm cho thuê nhà ở diện tích 40-45 m2 với giá 2 triệu đồng/tháng vừa được Bộ Xây dựng đưa ra đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Tuy ủng hộ, nhưng các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cũng như nhiều người dân vẫn tỏ ra băn khoăn về tính khả thi và hiệu quả lâu dài của việc làm này.
Đề án của Bộ Xây dựng đang ở mức phác thảo, nên vẫn chưa rõ nhà ở cho thuê sẽ do Nhà nước hay doanh nghiệp đầu tư (ảnh minh họa).
|
Nhà cho thuê mới thực sự là nhà ở xã hội?
Theo đề án của Bộ Xây dựng, việc thí điểm lần này tập trung theo hướng giá thuê căn hộ khoảng 40-45m2 chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng, với nhiều gói thuê cho khách hàng lựa chọn hình thức trả tiền từ từng tháng đến hợp đồng 6-12 năm. Nhóm khách hàng chọn thuê có thời hạn dài, trong thời gian hợp đồng còn giá trị có thể cho thuê lại hoặc để kinh doanh, chuyển nhượng hợp đồng nhưng vẫn giữ được mức giá ổn định.
Anh Triệu Khắc Long (Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất mong ý tưởng này trở thành trở thành hiện thực. Hiện tại, những người thu nhập thấp như tôi phải thuê nhà ở với giá cao hơn giá trong dự thảo trong khi diện tích ở lại nhỏ”.
Tuy nhiên, anh Long cũng tỏ ý băn khoăn bởi theo anh, việc thuê nhà theo dạng này (nếu được) có thể phát sinh nhiều khó khăn như khu nhà được thuê xa nơi làm việc, chất lượng xây dựng liệu có bảo đảm trong thời gian dài và nếu bị tăng giá thuê khi chỉ trả tiền thuê theo từng tháng thì liệu người thu nhập thấp như anh liệu có còn mặn mà?
Trao đổi với phóng viên ngày 23.7, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khẳng định: Với dự án này thì chỉ có Nhà nước đầu tư chứ không thể có tư nhân vì sẽ không có lợi nhuận do quay vòng vốn chậm. Trả lời câu hỏi: “Việc xây nhà cho thuê liệu có hệ số an toàn cao và giải quyết được nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp?”, ông Liêm nhấn mạnh: “Nhà cho thuê mới thực sự là nhà ở xã hội. Giá thuê nhà từ 2-2,5 triệu đồng/tháng là phù hợp bởi số tiền này chỉ chiếm khoảng 30% tổng thu nhập của một gia đình”.
Cùng quan điểm, TS Đào Ngọc Nghiêm - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, cho biết: “Cần tăng số lượng nhà ở cho thuê, trong đó xác định rõ quyền hạn của chủ đầu tư và người thuê nhà. Để ý tưởng này khả thi, cần quyết liệt trong việc làm rõ cơ chế, chính sách, giá thành, bảo đảm cơ chế giá đất, nguồn vốn…”.
Quản lý không chặt, hiệu quả khó cao
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, nếu không có chủ trương, chính sách cụ thể, rõ ràng thì có thể dẫn tới việc nhiều trường hợp không thể thuê hoặc không muốn trả tiền thuê nhà dù giá rẻ. “Ngày xưa, những khu nhà tập thể cho thuê ở Trung Tự, Giảng Võ (Hà Nội) dù giá cho thuê rất rẻ nhưng người dân không nộp tiền hoặc nộp rất ít, còn nhà ở cho thuê dạng này thì xuống cấp nghiêm trọng.
Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam cho thấy, cả nước hiện còn khoảng 11.458 hộ chưa có nhà ở. Trong đó, tại khu vực đô thị, số hộ không có nhà ở vào khoảng 4.502 hộ. Tại khu vực nông thôn, số hộ không có nhà ở vào khoảng 6.956 hộ. Trên toàn quốc hiện còn khoảng 3,5 triệu hộ sống trong những ngôi nhà đơn sơ. |
Bên cạnh đó, do không có sự quản lý chung nên mạnh ai nấy sửa do tâm lý của người dân coi nhà ở dạng này là… “của chùa” - ông Liêm cho biết. TS Liêm cũng đề xuất ý tưởng:
“Phải quy định chặt về biện pháp thu tiền bởi hình thức này cũng được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Tôi đã từng nêu ý tưởng cần xây dựng những khu nhà ở khác để nếu người thuê theo diện này không thể trả tiền thì đưa họ đến khu vực này với mức sống thấp hơn nhưng miễn phí tiền thuê”.
TS Đào Ngọc Nghiêm khi được hỏi về những khó khăn có thể phát sinh của đề xuất này, đã cho rằng: “Nếu không có quy định chặt về việc thu hồi vốn thì dẫn đến việc phí quản lý không đủ và đương nhiên tình trạng khi đó sẽ trở nên tệ hơn. Bên cạnh đó, với nhà ở cho thuê thì cần quy định người thuê không được phép cho thuê lại để tránh phát sinh tiêu cực, kể cả khi hợp đồng thuê nhà là dài hạn”.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: