Top

Chính sách hỗ trợ người nghèo ở nông thôn: Nửa triệu hộ sẽ có tiền cất nhà

Cập nhật 05/06/2009 14:15

Phải bình xét công khai danh sách hộ nghèo được hỗ trợ. Về nông thôn, tôi thấy nhiều gia đình cả vợ chồng, con cái ở nhà độ chục mét vuông, che chắn tạm bợ, gió lùa tứ bề rất khổ.

Để khắc phục tình trạng này, chính sách hỗ trợ người nghèo ở khu vực nông thôn về nhà ở sẽ giúp nhiều hộ nghèo cải thiện được chỗ ở”. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết với chính sách này, sắp tới cả nước sẽ có khoảng nửa triệu hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở.

Hỗ trợ bằng tiền

Theo Thông tư liên tịch 08 ngày 19-5 của các bộ Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, hộ nghèo ở khu vực nông thôn có khó khăn về nhà ở được nhà nước hỗ trợ tối thiểu 7,2 triệu đồng/hộ; hộ cư trú ở vùng khó khăn được hỗ trợ tối thiểu 8,4 triệu đồng/hộ.

Ngoài ra, hộ nghèo còn được vay vốn để làm nhà với mức vay tối đa không quá tám triệu đồng/hộ. Riêng hộ nghèo khó khăn về nhà ở đã vay tiền ngân hàng xây nhà nhưng chưa trả hết nợ thì được nhà nước hỗ trợ tiền để trả nợ, tối đa là 8,4 triệu đồng/hộ (vùng khó khăn) và 7,2 triệu đồng/hộ (các vùng khác).

Các hộ nghèo trước đây từng được nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà nhưng nhà bị sập do thiên tai mà không có khả năng tự sửa chữa, xây dựng lại cũng được hỗ trợ về nhà ở.

Đối với các hộ chưa có đất để làm nhà hoặc đã có đất trong khu vực thường bị thiên tai, sạt lở, chính quyền các cấp tùy khả năng, điều kiện của địa phương bố trí đất ở cho các hộ này trước khi hỗ trợ về nhà ở.

Thu nhập phải dưới 200 ngàn đồng/người/tháng

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết: “Các hộ được hỗ trợ về nhà ở phải là hộ nghèo, thu nhập bình quân dưới 200.000 đồng/người/tháng, chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở”.

Nhà cho người nghèo ở nông thôn phải bảo đảm diện tích sử dụng tối thiểu 24 m2, nền cứng, khung cứng, mái cứng, tuổi thọ từ 10 năm trở lên.

Với mức hỗ trợ và mức vay nêu trên, nhiều người lo ngại hộ nghèo ở khu vực nông thôn khó cất nổi một căn nhà tạm được. Ông Hà cho biết sẽ thực hiện theo phương châm nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ dân tham gia đóng góp để xây nhà.

“Ngoài số tiền được hỗ trợ và được vay, hộ nghèo còn được một số tổ chức, dòng họ, bà con lối xóm giúp đỡ về tiền bạc, công làm nhà, cùng với tiền tích cóp của gia đình khoảng 20 triệu đồng thì hộ nghèo vẫn có thể cất được nhà” - ông Hà nói.

Thông tư liên tịch 08 quy định chính quyền, đoàn thể cấp xã huy động nguồn lực từ cộng đồng và hộ gia đình về nhân công, khai thác vật liệu tại chỗ như cát, đá, sỏi, gỗ... để giảm giá thành xây dựng. Song song đó, cần hình thành các đội hỗ trợ xây dựng nhà ở để xây nhà cho hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn như già cả, neo đơn, khuyết tật không có khả năng tự xây nhà.

Phải qua bình xét


Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, danh sách hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở tại các thôn, làng, ấp, bản (gọi chung là thôn) phải qua bình xét. Trưởng thôn tổ chức họp dân để thông báo chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Việc bình xét trên cơ sở danh sách hộ nghèo do UBND xã đang quản lý. Danh sách sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới, được công khai tại thôn.

Thứ tự ưu tiên như sau:

- Hộ gia đình chưa có nhà, hiện đang phải ở cùng bố mẹ, ở nhờ nhà của người khác, thuê nhà ở.
- Hộ gia đình có đông nhân khẩu và có nhà ở hư hỏng, dột nát, làm bằng các loại vật liệu rẻ tiền, chất lượng thấp, có nguy cơ sập đổ, không an toàn khi sử dụng.
- Hộ gia đình có nhà ở hư hỏng, dột nát làm bằng các loại vật liệu rẻ tiền, chất lượng thấp... có nguy cơ sập đổ, không an toàn khi sử dụng.
Trưởng thôn phải hướng dẫn các hộ dân trong danh sách đã được bình xét làm đơn đăng ký hỗ trợ nhà ở.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP