Liên tục được chủ đầu tư tiến hành mở bán, nhưng căn hộ tầm giá 1 tỷ đồng vẫn tiếp tục khan hàng do nhu cầu tăng lên từ phía những người mua nhà và cả nhà đầu tư.
Cảnh chen mua căn hộ tại Sàn Mường Thanh chiều ngày 14/7
|
Chỉ riêng trong tháng 6 và non nửa đầu tháng 7, thị trường căn hộ Hà Nội đã đón nhận hàng chục đợt mở bán, với lượng căn hộ bán ra lên đến cả nghìn căn hộ. Thế nhưng, những đợt mở bán dồn dập không làm giảm cơn khát căn hộ giá rẻ trên thị trường.
Tại Sàn giao dịch bất động sản Mường Thanh (thuộc Tập đoàn Mường Thanh), mặc dù ngày 2/7, đơn vị này mới mở bán căn hộ Dự án HH4, khu đô thị Linh Đàm, nhưng đến ngày 14/7, sàn Mường Thanh lại tiếp tục mở bán đợt mới căn hộ thuộc Tổ hợp chung cư HH4.
Dù liên tục mở bán, nhưng với mức giá chỉ từ 14 - 15,5 triệu đồng/m2, căn hộ Tổ hợp chung cư HH4 vẫn bị giới đầu cơ “vét sạch”. Nhiều khách hàng có nhu cầu không thể mua được giá gốc mà phải mua căn hộ qua đơn vị môi giới với mức chênh từ 60 - 100 triệu đồng mỗi căn.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, Tập đoàn Mường Thanh của đại gia Lê Thanh Thản đang triển khai xây dựng hàng loạt dự án căn hộ, với số lượng ên đến khoảng 10.000 căn diện tích nhỏ. Thế nhưng, tại đợt mở bán nào, số lượng căn hộ chào bán cũng luôn được khách hàng và giới đầu cơ thu mua hết.
Tại đợt mở bán căn hộ Green Stars mới đây, chủ đầu tư chào bán ra thị trường khoảng 500 căn diện tích nhỏ, với mức giá được đánh giá rất “mềm”, chỉ khoảng 21 triệu đồng/m2. Thế nhưng, hầu như không khách hàng nào mua được căn hộ với mức giá rẻ này. Bởi sau khi được phân phối qua Sàn giao dịch Bất động sản Hoàng Vương, căn hộ Dự án Green Stars cũng trở nên khan hàng và mức giá đã bị đẩy lên khoảng 23,5 triệu đồng/m2.
Trên thị trường hiện nay, không chỉ căn hộ HH4 của Xí nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên và căn hộ Green Stars của CTCP Ngôi Sao An Bình được người có nhu cầu về nhà ở săn đón, chịu mua giá chênh. Mà hàng loạt dự án khác, muốn mua được căn hộ, khách hàng cũng không thể mua được căn hộ với giá gốc của chủ đầu tư.
Cụ thể, tại Dự án CT1 Trung Văn của Vinaconex 3, với lợi thế là diện tích nhỏ, căn hộ dự án này đã bị giới đầu cơ đẩy giá cao hơn mức giá gốc khoảng 2 triệu đồng/m2. Trong khi đó, tại dự án căn hộ Saphire Palace (tại số 4 Chính Kinh, quận Thanh Xuân), mặc dù chưa được chủ đầu tư chính thức mở bán, nhưng giới đầu cơ cũng tự tin chào hàng với mức giá chênh lên đến cả triệu đồng mỗi mét vuông.
Trong thời gian tới, tại Hà Nội, hàng loạt dự án căn hộ diện tích nhỏ, với mức giá chỉ khoảng 1 tỷ đồng mỗi căn sẽ tiếp tục được chủ đầu tư mở bán để tận dụng nhu cầu đang lên.
Cụ thể, Tập đoàn Nam Cường tiếp tục mở bán căn hộ diện tích nhỏ tại Dự án The Sparks Lê Văn Lương, quận Hà Đông. Siêu thị Dự án cũng đang mở bán căn hộ Dự án HP Landmark Tower, quận Hà Đông và CT Number One, Hoài Đức; hoặc Sàn VIC tiếp tục chào bán căn hộ Dự án CT12 Văn Phú, Hà Đông. Trong khi đó, tại quận Thanh Xuân, Công ty Bất động sản HT cũng vừa mở bán căn hộ dự án Diamon Blue tại Triều Khúc, với mức giá chỉ 20 triệu đồng/m2…
Theo một số đại diện phân phối, việc doanh nghiệp ồ ạt mở bán thời gian gần đây là để tránh “tháng cô hồn” sẽ rơi vào tháng 7 Âm lịch, được cho là thời điểm thanh khoản giảm sút vì tâm lý kiêng kỵ trong dân chúng.
Việc doanh nghiệp đua mở bán khiến thị trường đón nhận lượng căn hộ tầm trung rất lớn, tăng khoảng 45% so với quý trước, theo số liệu thống kê của Savills Việt Nam. Thế nhưng, nhu cầu đối với loại hình căn hộ này rất lớn, dẫn tới việc nhiều dự án vẫn duy trì tiền chênh trong giao dịch mua bán.
Báo cáo nghiên cứu thị trường quý II/2014 của Savills Việt Nam mới đây cũng cho thấy, nguồn cung sơ cấp nhiều dự án căn hộ hiện không còn. Trong khi nguồn cung sơ cấp cạn kiệt, Báo cáo của Savills cũng đưa ra thông tin thú vị khi cho rằng, nguồn cung thứ cấp trong quý II tăng đến 15%, với khoảng 82.400 căn.
Nếu kết quả báo cáo này là đúng thì thị trường căn hộ giá rẻ tại Hà Nội thời gian qua, phần lớn bị giới đầu cơ thâu tóm, găm hàng, rồi đẩy giá chênh.
Điều đó cũng lý giải vì sao nhiều dự án có giá tốt, doanh nghiệp liên tục mở bán với số lượng căn hộ rất lớn, nhưng rất nhiều người có nhu cầu thực không mua được giá gốc, đã phải chấp nhận mất tiền chênh mới mua được nhà.
Tuy nhiên, việc loạn giá chênh, trong đó không loại trừ chủ đầu tư hoặc cán bộ nhân viên của chủ đầu tư cấu kết với các cò nhà đất móc túi khách hàng có thể là “liều thuốc độc” với một thị trường bất động sản vừa mới manh nha những tín hiệu hồi phục.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: