Diện tích đất ở của nhiều hộ dân tại Thái Nguyên lên tới 4.000- 5.000m2. |
Theo phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên, việc chậm xử lý hơn 1.000 sổ đỏ cấp sai do nhiều người làm mất, không có mặt tại địa phương và không hợp tác với chính quyền,...
Trong những năm từ 1990- 1995, do “không nghiên cứu kỹ” các quy định và văn bản hướng dẫn, tất cả các địa phương của Thái Nguyên (trừ Thị xã Sông Công) không thực hiện đúng Luật đất đai dẫn tới việc cấp sai quy định hơn 30.000 sổ đỏ.
30.000 sổ đỏ cấp sai quy định
Mặc dù, UBND tỉnh đã quy định rõ: tại khu vực nông thôn, mỗi hộ được cấp tối đa không quá 300m2 đất ở, song suốt trong một thời gian dài, các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đã không thực hiện đúng. Hầu hết 30.000 cuốn sổ đỏ trong diện cấp sai quy định đều có diện tích vượt hạn mức rất lớn. Không ít trường hợp được cấp tới 4.000- 5.000 m2 đất ở. Những sai phạm này chỉ được phát hiện vào năm 1998, khi UBND tỉnh thực hiện Nghị định của Chính phủ về bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, trong nhiều năm, UBND tỉnh cũng không có biện pháp hữu hiệu nào để sửa sai.
Phải đến năm 2006, UBND tỉnh mới xây dựng đề án “sửa sai”, trình HĐND tỉnh. Tháng 12/2006, kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thái Nguyên ra nghị quyết về việc thông qua phương án xử lý đối với những trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp vượt hạn mức. Theo đó, hạn mức đất ở được quy định đối với các hộ phi nông nghiệp thuộc thành phố Thái Nguyên không quá 300m2; với các hộ làm nông nghiệp ở các phường, thị trấn trong tỉnh, diện tích được cấp không quá 500m2…
Theo kế hoạch được UBND tỉnh đưa ra sau đó, việc xử lý sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2008. Tuy nhiên, theo ông Bùi Xuân Hòa, Phó chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên, đến nay, vẫn tồn tại trên 1.000 trường hợp chưa giải quyết được. Nguyên nhân chính là nhiều hộ trong số này đã làm mất sổ, không có mặt tại địa phương. Thậm, chí, nhiều hộ không hợp tác với chính quyền trong việc kê khai.
Mới sửa một nửa
Điều đáng nói là nghị quyết “sửa sai” của HĐND tỉnh Thái Nguyên chỉ đề cập đến việc xử lý những trường hợp cấp vượt hạn mức mà không điều chỉnh những trường hợp thiếu hạn mức. Chính điều này đã làm không ít người dân thắc mắc khi tỉnh tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án.
Bà Hà Thị Chao, đại diện cho một số hộ dân tại xóm Đông Yên, xã Tích Lương, thành phố Thái Nguyên phản ánh: “Khi thành phố đền bù dự án Quốc lộ 3 mới đoạn qua xã Tích Lương, cùng trong một xóm mà hạn mức đền bù rất khác nhau. Có người được đền bù 600m2, người 300m2, trong khi gia đình tôi chỉ được đền bù 100m2”. Bà Chao cho biết thêm, hằng năm, gia đình bà luôn phải đóng thuế đất ở với diện tích 300m2. “Khi thu thuế đất thì thu 300m2, còn khi đền bù chỉ 100m2, như vậy là không công bằng và không thỏa đáng”, bà Chao nói. Bà Dương Thị Bẩy ở xóm Đông Yên cũng phản ánh: “Cùng phải nộp thuế đất ở là 300m2 như những hộ khác, song khi thu hồi thì gia đình tôi chỉ được đền bù 100m2”.
Theo Phó chủ tịch thành phố Thái Nguyên Bùi Xuân Hòa, khi tiến hành công tác đền bù, Ban đền bù giải phóng mặt bằng thành phố căn cứ vào số diện tích ghi trên sổ đỏ và diện tích trên thực địa của các hộ nằm trong diện thu hồi. Về vấn đề “thu thuế 300m2, đền bù 100m2”, ông Hòa cho rằng, đây là trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Ông Hòa cũng cho biết, hiện UBND thành phố chưa có kiến nghị với UBND tỉnh để xem xét đối với những hộ thiếu hạn mức.
Ông Bùi Thanh Sơn, Phó giám đốc Sở TN-MT Thái Nguyên cho biết, trong quá trình “sửa sai”, chắc chắn không thể tránh khỏi những bất cập. “Căn cứ vào những văn bản pháp luật liên quan, Sở sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để có hướng giải quyết”, ông Sơn nói và cho biết thêm, thời gian tới, Sở sẽ nghiên cứu và tham mưu với UBND tỉnh về phương án xử lý đối với những hộ thiếu hạn mức.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: