Top

Chậm cấp sổ đỏ: Trách nhiệm thuộc về ai?

Cập nhật 06/11/2007 16:00

Một điểm quan trọng được được Chính phủ kiến nghị QH lần này là: Không nên thu nhiều tiền của người sử dụng đất khi làm thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu. Chính phủ cũng kiến nghị QH sớm sửa Luật Đất đai và ban hành Luật Đăng ký bất động sản để thống nhất quản lý đất đai, tạo một thị trường bất động sản minh bạch, có lợi cho Nhà nước và người dân.

Sáng nay, 6 - 11, Quốc hội (QH) nghe Chính phủ báo cáo và thảo luận việc thực hiện pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Những bất cập, bức xúc hiện nay của người dân xung quanh về thủ tục cấp sổ đỏ được các ĐB tập trung “mổ xẻ”, khiến không khí thảo luận sôi nổi.

Không có cán bộ nào bị xử lý vì chậm cấp sổ đỏ?

Trình bày báo cáo việc thực hiện pháp luật về cấp sổ đỏ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, nhìn nhận: Do có khó khăn về điều kiện thực hiện (chủ yếu là thiếu kinh phí, lực lượng chuyên môn thiếu và yếu về năng lực) và còn nhiều vướng mắc, nên tiến độ cấp sổ đỏ còn chậm.

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện cấp sổ đỏ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền, cho rằng, theo kế hoạch ban đầu của Chính phủ thì đến hết năm 2005 phải hoàn thành việc cấp sổ đỏ. Tiếp đó, Chính phủ có văn bản yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thi hành Luật Đất đai, trong đó chỉ đạo các địa phương để hoàn thành cơ bản việc cấp sổ đỏ trong năm 2006. 

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH, đến 30 - 9 - 2007 vẫn còn 27 tỉnh, TP cấp sổ đỏ một số loại đất chính đạt dưới 70% diện tích. Nhìn chung, việc cấp sổ đỏ còn chậm, không đạt được tiến độ theo kế hoạch đã đề ra, thời gian giải quyết hồ sơ một số nơi còn chậm, có nơi thời gian cấp kéo dài từ 4 - 5 tháng” – Ông Hiền nhận xét.

Tại phần thảo luận, các ĐB cho rằng, báo cáo của Chính phủ nêu được thực trạng, nguyên nhân nhưng không xác định rõ được trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc để xảy ra chậm trễ. ĐB Phan Văn Vĩnh (Nam Định), đặt vấn đề: "Cấp sổ đỏ là chủ trương lớn, đụng đến quyền lợi của đông đảo nhân dân, nhưng thử hỏi có bao nhiêu cán bộ, lãnh đạo địa phương bị xử lý kỷ luật vì làm chậm công tác này?”.

Theo nhận định của các ĐB, nếu không làm rõ được trách nhiệm này thì lần này, Chính phủ có đưa ra quyết tâm hoàn thành việc cấp sổ đỏ vào năm 2008 cũng chẳng “ăn thua”.

Liên quan đến việc cấp giấy chủ quyền, các ĐB thống nhất với đề nghị của Chính phủ về việc “gom” sổ đỏ, sổ hồng thành một để vừa tiện cho Nhà nước trong công tác quản lý, vừa không gây rối cho người dân. “Chấm dứt tình trạng 2 Bộ Tài nguyên – Môi trường và Xây dựng tranh luận triền miên bất tận, bởi ai cũng đòi giành làm sổ, còn người dân phải gánh chịu khổ sở” – ĐB Nguyễn Bá Thanh (TP Đà Nẵng), bức xúc.

Cho dân ghi nợ để “giải phóng” sổ đỏ

Nhiều ĐB tỏ ra băn khoăn về số lượng sổ đỏ tại các địa phương dù đã cấp nhưng người dân vẫn chưa đến nhận, điển hình như TP Hà Nội có đến hơn 65.000 trường hợp; tỉnh Gia Lai còn tồn hơn 6.000 trường hợp… Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, thẳng thắn nhìn nhận sự bất hợp lý về phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất.

Mặt khác, giá đất do Nhà nước quy định đã tiếp cận dần với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường, buộc người sử dụng đất phải nộp nghĩa vụ với mức cao hơn nhiều lần so với trước, dẫn tới nhiều trường hợp người sử dụng đất không làm thủ tục cấp sổ đỏ, không thực hiện thủ tục chuyển nhượng qua cơ quan Nhà nước mà chủ yếu thực hiện bằng hình thức trao tay, làm hạn chế việc giao dịch quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản, gây thất thu lớn cho ngân sách.

Để “giải phóng” lượng sổ đỏ tồn kho này, một số ĐB đề nghị cho người dân ghi nợ lệ phí đo đạc, thuế trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất để dân có thể lấy sổ đỏ.

Một điểm quan trọng được được Chính phủ kiến nghị QH lần này là: Không nên thu nhiều tiền của người sử dụng đất khi làm thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu. Ngoài ra, Chính phủ cũng kiến nghị QH sớm sửa Luật Đất đai và ban hành Luật Đăng ký bất động sản để thống nhất quản lý đất đai, tạo một thị trường bất động sản minh bạch, có lợi cho Nhà nước và người dân.

Theo Người Lao Động