Top

Cầu vượt dành cho người đi bộ

Cập nhật 21/07/2010 13:40

Thành phố Hà Nội đã, đang chỉ đạo thi công hoàn thành 10 cầu vượt đi bộ trước tháng 10-2010. Ðây không chỉ là công trình chào mừng Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mà còn góp phần bảo đảm an toàn giao thông cho người đi bộ và giảm tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông ở Thủ đô.

10 cây cầu vượt dành cho người đi bộ được xây dựng tại các nút giao thông trên các tuyến đường Hoàng Quốc Việt, số 1 Chùa Bộc; số 2 Láng Hạ, số 5 Trần Duy Hưng, số 6 Nguyễn Chí Thanh, Giảng Võ, Trần Khát Chân...

Ðây là 10 trong số 18 cầu vượt dành cho người đi bộ được triển khai trong Dự án tăng cường an toàn giao thông với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng. Về thời gian thi công, 10 cây cầu này được thành phố ấn định hoàn thành trước tháng 10-2010 nhằm giảm ách tắc giao thông, tạo điều kiện cho người đi bộ, đặc biệt là các du khách nước ngoài đi lại dễ dàng dịp Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tuy nhiên, việc sử dụng các cây cầu vượt này sao cho có hiệu quả là vấn đề cần bàn. Bởi hiện nay chỉ có cầu vượt trên đường Giải Phóng là phát huy tác dụng! Còn lại ba cầu vượt dành cho người đi bộ trên các tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Cừ, Voi Phục - Cầu Giấy và đặc biệt là các hầm dành cho người đi bộ tại các nút giao thông trọng điểm Ngã Tư Sở, trên đường Phạm Hùng đang trong tình trạng "vắng khách" công trình đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Hầm đi bộ ở đường Phạm Hùng hiện để cỏ mọc.

Nguyên nhân của tình trạng này trước hết là do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân chưa tốt. Một thói quen xấu của nhiều người dân đi bộ không quan sát cứ băng qua đường, làm cho các phương tiện đang tham gia giao thông phải phanh gấp, gây ra ùn tắc giao thông kéo dài hoặc có trường hợp gây tai nạn giao thông với chính họ. Ðặc biệt, tại nút giao thông Voi Phục - Cầu Giấy hiện có lưu lượng người đi bộ qua đây rất nhiều, trong đó phải kể đến một số lượng lớn sinh viên của Trường ÐH Giao thông vận tải. Nhưng ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của sinh viên trường đại học này kém.

Do không sử dụng cầu vượt đi bộ mà nhiều sinh viên thường băng qua đường, nhất là vào giờ cao điểm và giờ tan trường đã gây những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc cho chính họ và cả các phương tiện tham gia lưu thông trên đường. Mặt khác, công tác tuyên truyền và xử lý những trường hợp vi phạm của các lực lượng chức năng chưa nghiêm. Vậy là việc thành phố đầu tư nhiều tỷ đồng, nhưng thật đáng buồn là cầu vượt và hầm cho người đi bộ không đạt hiệu quả mong muốn.

Do đó, để các cầu vượt dành cho người đi bộ và hầm đường bộ thật sự mang lại hiệu quả, cần làm tốt công tác tuyên truyền về tính an toàn và tiện dụng của hầm và cầu vượt cho người đi bộ mỗi khi sang đường. Ðồng thời, cũng cần áp dụng các biện pháp xử phạt nghiêm theo Nghị định 34, trong đó áp dụng mức xử phạt cao đối với người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ nhằm tăng tính răn đe, để tạo thói quen cho người đi bộ phải sử dụng hầm và cầu vượt đường bộ. Cần xây dựng rào chắn tạo dải phân cách cao để người đi bộ không băng qua đường được. Cũng cần xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị quản lý hầm và cầu vượt đi bộ khi bàn giao đưa vào sử dụng, nhằm hạn chế tình trạng đùn đẩy trách nhiệm khi hầm và cầu đường bộ xuống cấp; tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội trong hệ thống hầm và cầu vượt đi bộ, để hầm và cầu vượt bộ hành thật sự mang lại hiệu quả, góp phần giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, nhất là khi Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang đến gần.

DiaOcOnline.vn - Theo Nhân Dân