Cầu xong gần hai năm nhưng đường dẫn cầu Thủ Thiêm (phía bờ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) còn đang thi công - Ảnh: Minh Đức |
"Cầu chờ đường" khiến những công trình hạ tầng được đầu tư cả ngàn tỉ đồng khi hoàn thành không thể phát huy ngay hiệu quả kinh tế, xã hội khiến hằng ngày hằng giờ những đồng vốn ít ỏi quý hiếm bị lãng phí. Tất cả không chỉ do thiếu tiền mà còn thiếu một tư duy chiến lược.
Hàng ngàn tỉ đồng đổ vào hai cây cầu Thủ Thiêm và Phú Mỹ nhưng không như mong đợi của người dân TP lớn nhất nước: cầu xây xong để đó, không phát huy hiệu quả.
Không chỉ là vấn đề lưu thông của người dân TP.HCM, những cây cầu này còn có sứ mạng lịch sử là giải phóng sức mạnh của kinh tế vận tải, tạo ra một động lực phát triển khi đưa vào sử dụng. Nhưng tất cả còn đang phía trước, đồng vốn đổ vào đây chậm được khai thác hoặc sử dụng một ngày là lãng phí một ngày.
Cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm: xe con chạy, xe lớn... ngó!
Cần Thơ: cầu thông nhưng đường chưa xong Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tấn Quyên - bí thư Thành ủy TP Cần Thơ - cho biết: lãnh đạo TP đang rất quan tâm tiến độ thi công tuyến đường dẫn vào cầu Cần Thơ. Bởi hiện nhà thầu (Trung Quốc) mới chỉ xây dựng đạt 74-75% khối lượng công trình trong khi “cầu đã thông nhưng đường vào cầu chưa hoàn chỉnh”. “Chúng tôi đã bị động trong khâu giám sát và quản lý chung - ông Quyên nói - Đó cũng là mấu chốt để đảm bảo tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm. Tôi mong báo chí, ban quản lý dự án và địa phương cùng giám sát để đẩy nhanh tiến độ công trình, để không riêng gì ở cầu Cần Thơ mà còn ở các công trình xây dựng khác được đúng thời gian, đúng tiến độ”. |
Gần một tháng sau khi thông cầu (từ 9-9-2009) đến nay, cầu Phú Mỹ nối Q.2 và Q.7 chỉ cho xe từ bảy chỗ trở xuống lưu thông. Tệ hơn là cầu Thủ Thiêm: đã hoàn thành từ ngày 9-1-2008 đến nay - gần hai năm - nhưng cầu này chỉ cho xe từ chín chỗ ngồi trở xuống và xe tải nhẹ từ 1,5 tấn trở xuống lưu thông trong khi cầu thiết kế cho xe tới 30 tấn.
Rõ ràng, hàng ngàn tỉ đồng đầu tư xây dựng cầu chưa mang lại hiệu quả về kinh tế. Cũng chưa biết đến bao giờ hai cầu này phát huy hiệu quả, cho các loại phương tiện “hạng nặng” lưu thông.
Do đó, công trình cầu Phú Mỹ và cầu Thủ Thiêm đã không đạt được mục tiêu là giải tỏa áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn. Đồng thời cầu Phú Mỹ cũng không đạt mục tiêu là hành lang giao thông mới dành cho xe tải từ các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc theo xa lộ Hà Nội hướng về cảng biển ở Q.4 và Q.7 hoặc về miền Tây và từ miền Tây qua cầu Phú Mỹ đi miền Đông. Vì vậy, dòng xe tải vẫn phải xuyên tâm TP đến khu vực cảng biển.
Vì... tại...
Theo ông Lê Quyết Thắng - giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 TP.HCM, sở dĩ chưa cho xe khách trên chín chỗ ngồi và xe tải trên 1,5 tấn qua cầu Thủ Thiêm vì đại lộ Đông - Tây, đoạn từ đường nối cầu Thủ Thiêm đến đường Lương Định Của, vẫn chưa thi công xong.
Bên cạnh đó, cầu Thủ Thiêm đang thi công nhánh cầu N4 nối vào đường Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh) đến giữa đường Nguyễn Hữu Cảnh thì dừng lại vì Q.Bình Thạnh chưa giải tỏa xong 92 hộ dân trên đường Ngô Tất Tố.
Theo ông Mạc Đăng Nốp - phó tổng giám đốc Công ty BOT cầu Phú Mỹ, sở dĩ chỉ cho xe nhỏ lưu thông qua cầu Phú Mỹ vì cầu Kỳ Hà 1 và cầu Kỳ Hà 4 có sự cố mố cầu bị dịch chuyển. Tuy nhiên, cho dù có khắc phục được sự cố trên để cho xe lớn qua cầu Phú Mỹ thì lối đi duy nhất là vào liên tỉnh lộ 25 để ra xa lộ Hà Nội (Q.2) sẽ gây kẹt xe vì đường này chỉ rộng 8m và đang chịu áp lực của lượng xe tải ra vào cảng Cát Lái bốc dỡ 70% lượng container ở cụm cảng biển TP.HCM.
Đến bao giờ mới thông?
Một số chuyên gia trong ngành giao thông cho rằng các cơ quan chức năng đều biết xây cầu thì phải làm đường kết nối với cầu mới phát huy hiệu quả của dự án, nhưng do tính toán quá chậm và lúng túng nên mới xảy ra cảnh cầu chờ đường. Giờ đây, để khắc phục câu chuyện cầu chờ đường thì phải tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn làm đường. “Như vậy, để thông xe cầu Phú Mỹ ra xa lộ Hà Nội ở Q.9 thì ít nhất phải chờ thêm ba năm nữa” - một chuyên gia nhận định.
Có ý kiến cho rằng trách nhiệm để cầu Thủ Thiêm chưa thông xe tải là do chủ đầu tư dự án xây dựng đại lộ Đông - Tây ở Q.2 thi công quá chậm. Ông Vương Hoàng Thanh - phó giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM - cho biết sở dĩ tiến độ thi công đại lộ Đông - Tây ở Q.2 chậm “là do địa chất ở Q.2 có nền đất yếu”.
Vì vậy, công trình xây dựng các cầu Kinh số 1, cầu Kinh số 2, cầu Cá Trê Nhỏ và Cá Trê Lớn phải gia cố các cọc trên đường dẫn vào cầu bị chậm bốn tháng. Như vậy đến cuối tháng 4-2010 mới hoàn thành tuyến đại lộ Đông - Tây đoạn từ đường nối cầu Thủ Thiêm đến đường Lương Định Của với năm làn xe lưu thông. Và lúc này nếu suôn sẻ thì sau gần hai năm rưỡi hoàn thành, cầu Thủ Thiêm mới thật sự đi vào cuộc sống.
Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm (Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN):
Do cách chọn thầu và cách chi tiền
Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh câu chuyện cầu xây xong nhưng không có đường dẫn, ông Phạm Sĩ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, nói:
- Nguyên nhân đầu tiên khiến các dự án cầu xây xong thiếu đường là do giải phóng mặt bằng thu hồi đất chậm. Nguyên nhân này phổ biến ở mọi công trình cầu đường, từ cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy (Hà Nội) đến cầu Thủ Thiêm (TP.HCM)... Nguyên nhân thứ hai là cách tổ chức đấu thầu chọn nhà thầu cho các dự án không đúng. Cầu và đường dẫn, đường nối với cầu là một hệ thống. Vì vậy, tốt nhất chỉ chọn một nhà thầu chính để nhà thầu đó tìm các nhà thầu phụ cùng tham gia và chịu sự chỉ đạo của nhà thầu chính.
* Có nhà thầu thi công đường dẫn cầu Cần Thơ đã bị cắt bớt khối lượng công việc do họ thiếu năng lực thi công. Ông nhìn nhận thế nào về việc này?
- Cái này là do năng lực chọn nhà thầu của chủ đầu tư. Tại vì người ta thích chia nhỏ dự án nên nhiều anh có khi khéo giao dịch thì “trúng” chứ không bằng năng lực thật sự. Bộ Giao thông vận tải cũng đã rút kinh nghiệm khi quy định nhà thầu nào bỏ giá thầu quá xa thì không được trúng thầu, nhà thầu nào có giá dự thầu thấp hơn 10% so với giá dự toán được duyệt thì phải có điều kiện yêu cầu nhà thầu cam kết đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình. Theo tôi biết, các nước không quy định giá bỏ thầu mà họ xem xét các yếu tố năng lực, chất lượng, tiến độ của nhà thầu đưa ra rồi mới xét đến giá tiền.
* Các nhà thầu cũng thường kêu ca thiếu vốn làm dự án chậm?
- Đơn vị thi công (bên B) vay vốn ngân hàng. Họ sẽ được chủ đầu tư (bên A) ứng vốn theo từng giai đoạn để trả. Nhưng “ác” là bên A thường trả cho bên B chậm. Đây là sự không bình đẳng giữa bên A và bên B, nhất là bên A của nhà nước, khiến bên B không biết kêu ai.
Những cây cầu ì ạch
* Cầu Thủ Thiêm:
- Khởi công ngày 24-8-2005 và hoàn thành giai đoạn 1 (cầu) vào ngày 9-1-2008.
- Tổng vốn đầu tư cho cả hai giai đoạn là 1.099,6 tỉ đồng. Hiện đang thi công giai đoạn 2 gồm hầm Nguyễn Hữu Cảnh, cầu vượt về Q.1 và cầu vượt qua đường Ngô Tất Tố.
- Tình trạng hiện nay: chỉ có thể cho xe từ chín chỗ hoặc từ 1,5 tấn trở xuống lưu thông.
* Cầu Phú Mỹ:
- Khởi công ngày 28-2-2007 và hoàn thành ngày 2-9-2009.
- Tổng vốn đầu tư 4.145 tỉ đồng.
- Tình trạng hiện nay: chỉ có thể cho xe từ bảy chỗ trở xuống lưu thông.
* Cầu Gò Dưa: là một trong bảy cầu vượt trên đoạn quốc lộ 1A, nối Q.Thủ Đức (TP.HCM) với tỉnh Bình Dương.
- Khởi công năm 2004. Đến cuối tháng 12-2005 thì “tắc tị” và hiện đang ngưng thi công.
- Tổng vốn đầu tư khoảng 150 tỉ đồng.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: