Top

Cảnh báo về cơn sốt bất động sản lần thứ ba

Cập nhật 21/10/2007 10:00

Giá bất động sản đã qua hai cơn sốt. Lần thứ nhất vào năm 1993-1994. Lần thứ hai vào năm 2001-2002. Sau một thời gian dài “đóng băng”, trong năm nay, thị trường bất động sản có vài dấu hiệu “lên cơn”.

Hồi tháng 3.2007 lượng giao dịch tăng mạnh nhưng về giá cả chỉ sốt cục bộ đối với một số loại, ở một số nơi và hạ nhiệt cũng rất nhanh. Và từ vài tháng nay, đặc biệt trong những ngày gần đây, một mặt do yếu tố đầu cơ, mặt khác cũng báo hiệu một cơn sốt thứ ba có thể bắt đầu vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới, lặp lại chu kỳ của hai cơn sốt trước. Có mấy yếu tố tác động sau đây:

Một, tác động của thị trường chứng khoán. Chỉ số giá chứng khoán sau khi từ mức đáy 883,9 điểm vào ngày 6.8 đã phi mã lên trên 1.100 điểm vào ngày 3.10, sau đó diễn biến theo hình “răng cưa” để xuống dưới 1.100 điểm từ ngày 18.10; các  nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy mạnh bán ra, giảm lượng mua vào, nhiều quỹ đầu tư đã đạt lợi nhuận cao trong hơn một tháng qua, trong khi đó đối với một số mã chứng khoán hoặc là đã hết “room”, hoặc là đã không còn khả năng tăng giá, nhiều quỹ nằm phục dành vốn để chờ các đợt IPO của các đại gia, đồng thời đang có ý định chuyển dòng vốn đầu tư sang thị trường bất động sản.

Hai, nhu cầu về bất động sản, nhất là nhu cầu về nhà ở của dân cư tăng cao. Một năm, dân số Việt Nam tăng khoảng 1,1 triệu người; tạm tính mỗi người bình quân khoảng 9-10 m2 thì nhu cầu diện tích đất ở cũng lên đến hàng chục triệu mét vuông, trong khi mỗi năm mới tạo ra được trên một nửa. Nhu cầu còn tăng “kép”, bởi thu nhập của một bộ phận dân cư cao lên nhanh chóng.

Ba, chính sách về mua nhà cho Việt kiều, cho người nước ngoài đang có triển vọng thông thoáng hơn, cũng tạo ra cho các nhà đầu tư, đầu cơ “ôm lõng” cơ hội này.

Vậy phải đề phòng, ngăn chặn cơn sốt này như thế nào? Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của giáo sư Đặng Hùng Võ đăng trên Thanh Niên: “Tôi cam đoan rằng, chỉ cần Nhà nước có chủ trương đẩy nhanh việc xây dựng luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thì đã làm giá đất hạ ngay lập tức mà chưa cần bàn đến đối tượng chịu thuế hay biện pháp chống các hành vi lách luật”.

Những gì diễn ra trong hai cơn sốt đất trước đây đã chứng minh nhận định của giáo sư Đặng Hùng Võ. Năm 1994, giá bất động sản phi mã gấp mấy lần, đang lan rộng gần như không có sức gì cản được song đã hạ nhiệt và bị chặn đứng ngay khi Nhà nước đưa ra chính sách đánh thuế chuyển quyền sử dụng đất. Và khi cơn sốt bất động sản thứ hai đang hoành hành vào lúc cao trào và cũng bắt đầu lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố, Nhà nước đã đưa ra chủ trương nâng giá đất tính thuế khi chuyển quyền sử dụng đất và bán nhà lên gấp khoảng 3 lần tùy theo vị trí đất – thực chất cũng là tăng thuế, tăng mức thuế tuyệt đối, tuy không tăng thuế suất. Kết quả là cơn sốt cũng bị chặn đứng.

Để ngăn chặn và giảm thiểu tác dụng của cơn sốt bất động sản thứ ba (nếu xảy ra), cần áp dụng một số giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt quan tâm đến biện pháp về tài chính, tập trung vào chống đầu cơ (nhưng không ngăn cản đầu tư làm tăng giá trị khi đưa ra thị trường). Một mặt, cần xóa bỏ chênh lệch giá giữa giá Nhà nước, giá thị trường, mà thống nhất định theo giá thị trường (từ việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, để bồi thường về đất do nhà nước thu hồi và khi đưa quyền sử dụng đất vào cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước). Mặt khác, cần đánh thuế lũy tiến cao gấp nhiều lần đối với mảnh đất thứ hai, thứ ba vượt quá mức bình quân chung về đất ở.

Theo Thanh Niên