Top

Cần xóa mặc cảm nhà tái định cư

Cập nhật 24/06/2010 13:10

Theo nhận định của các chuyên gia, các nhà quản lý, vấn đề tái định cư (TĐC) đối với người dân bị di dời phải được đề cập đầy đủ hơn. Cần sớm có những chế tài phù hợp, rõ ràng hơn về đầu tư, quản lý sử dụng… như vậy mới có thể chấm dứt được những bức xúc về nhà TĐC.


Cần có những chế tài phù hợp mới có thể chấm dứt được những bức xúc về nhà tái định cư.

Nhiều bức xúc


Tại khu ĐTM Định Công, Q.Hoàng Mai, Hà Nội chỉ cách nhau một con đường nhỏ, một bên là những khu nhà kinh doanh, một bên là những khu nhà TĐC. Có thể dùng câu “một trời một vực” để ví cho sự khác biệt giữa hai khu nhà. Khu nhà kinh doanh thì sạch đẹp, khang trang, từ vỉa hè đến bồn hoa, thảm cỏ đều được chăm sóc, tỉa xén kỹ càng, rất đẹp mắt.

Những khu nhà TĐC thì xộc xệch, nhem nhuốc, cỏ dại mọc um tùm, vỉa hè gạch bị bong, tường thấm bẩn, vương vất những bọc rác lớn bé. Đặc biệt hơn là cung cách quản lý cũng khác hẳn nhau. Ở các khu nhà kinh doanh, đội ngũ nhân viên luôn tỏ ra niềm nở, tận tình với các cư dân. Với những quy định nghiêm ngặt trong quản lý, ở các khu nhà kinh doanh không có chuyện ai thích phá gì thì phá, rác để đâu cũng được. Còn ở các khu nhà TĐC chuyện hỏng hóc xảy ra thường xuyên, sân tầng 1 cũng có thể là nơi để rác. Nhân viên quản lý không phân biệt được, có việc gì, hỏi mới biết...

Vào các khu nhà TĐC, càng hiểu được những nỗi bức xúc của người dân. Những hỏng hóc, sự cố như cháy bóng đèn, thang máy hỏng, tắc ống rác, không bơm nước, người dân cũng phải 5 lần 7 lượt kiến nghị mới được giải quyết. Thực tế, ở các khu TĐC có thể thoải mái làm lồng sắt, đua ban công, thậm chí là phá tường để thay đổi kiến trúc trong nhà... (Những chuyện này không thể xảy ra đối với những khu nhà thương mại).

Cần nhìn nhận lại mô hình


Theo nhận định của các nhà quản lý, các chuyên gia về nhà ở, xung quanh vấn đề “TĐC” là những vấn đề lớn cần giải quyết. Mỗi một cuộc di dời đều kéo theo sự xáo trộn lớn trong cuộc sống. Không chỉ có chuyện mưu sinh mà kéo theo đó tâm lý, là những sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Tất cả đều phải được tính đến để bảo đảm cuộc sống ổn định cho người dân. Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng, từ trước tới nay, vấn đề “TĐC” chỉ được đề cập chung chung, chưa có sự nhìn nhận đầy đủ, phản ánh đúng thực chất vấn đề. Chính vì vậy các địa phương đang rất vướng mắc và lúng túng trong giải quyết vấn đề TĐC, xây dựng quỹ nhà TĐC.

Hiện nay, đa số các địa phương, trong đó có Hà Nội đều thực hiện theo hình thức chủ đầu tư các dự án nhà TĐC là các BQL của một dự án, hoặc một quận, huyện nào đó. Xây nhà xong, đưa dân đến, bàn giao cho Cty quản lý, thế là coi như họ hết trách nhiệm. Khi xảy ra sự cố hỏng hóc công trình, người dân chỉ biết kêu với nhân viên quản lý khu nhà. Quản lý khu nhà lại đổ cho đơn vị thi công, đơn vị thi công lại bảo tìm chủ đầu tư (do công trình đã hết thời gian bảo hành). Chủ đầu tư (nếu còn) thì bảo đã hết trách nhiệm vì dự án đó đã bàn giao. Cứ như vậy chẳng biết trách nhiệm thuộc về ai.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Theo tiêu chuẩn, các khu TĐC phải đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, có cả chung cư cao tầng lẫn nhà thấp tầng, có cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tạo việc làm cho các đối tượng phải di chuyển. Tuy nhiên đa số các khu TĐC mới chỉ đáp ứng được điều kiện tối thiểu về cấp điện, nước. Nhiều khu di dân đến ở còn chưa xong hạ tầng kỹ thuật, chưa bố trí các dịch vụ cho dân nên chưa tạo được sự ổn định cuộc sống, người dân có nhiều kiến nghị, bức xúc mà chưa thể giải quyết ngay được.

Khi trao đổi vấn đề này với GS.TS Phạm Sĩ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ông Liêm cho rằng: Chúng ta vẫn nêu ra chủ trương đó mang lại cuộc sống ổn định, tốt hơn cho những người dân phải di dời GPMB, bởi họ đã phải hiến phần đất (thậm chí là nhiều đời ông cha đã ở) cho sự nghiệp phát triển chung của xã hội. Vậy tại sao họ cứ phải ở những khu nhà bị coi là rẻ tiền, là chất lượng kém với sự thiếu thốn các cơ sở hạ tầng xã hội?

Sớm giải quyết những vấn đề này, được Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đang tập trung nghiên cứu, triển khai để đưa ra chính sách nhà TĐC. Những nhà quản lý cho biết, chính sách sẽ làm rõ việc đầu tư xây dựng nhà TĐC như thế nào, theo mô hình nào, cũng như quản lý, vận hành ra sao. Phải làm sao xóa được những mặc cảm về nhà TĐC.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng