Top

Cần Thơ: Bối rối đô thị

Cập nhật 08/11/2008 01:00

Năm 2002 - 2003 trong không khí vui mừng chuẩn bị chia tách tỉnh và lên đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, Cần Thơ đã có một làn sóng đầu tư phát triển đô thị, cao điểm đến năm 2005, cả TP Cần Thơ có hơn 60 dự án khu dân cư, khu tái định cư xin chủ trương đầu tư và triển khai. Sau 6 năm rầm rộ đô thị hoá, nhìn lại còn quá nhiều dự án khu dân cư đang "mắc cạn". Vì sao?

Khu dân cư hoang vắng

Khu dân cư Ngân Thuận tại quận Bình Thủy - Cần Thơ, đầu tháng 11/2008, cảnh hoang vắng khiến người ta không khỏi nao lòng vì sự lãng phí đất đai ngay sát nách TP Cần Thơ. Nhớ lại, vào giữa năm 2004, khi dự án này khởi công, đây là một dự án “ hoành tráng” nằm ở phía Bắc TP Cần Thơ, tổng diện tích dự án hơn 140ha.

Vùng đất này vốn là khu quân sự cũ của quân khu 9 được chuyển đổi thành khu dân cư. Khi khởi công, hạ tầng chưa có, nền nhà đất dự án chỉ có trên giấy, vậy mà đã có giá thấp nhất khoảng 2 triệu đồng và cao nhất có giá lên đến 5 - 6 triệu đồng /m2, những nơi có lộ giới lớn và có chợ, công trình thương mại giá đất tăng cao. Có lúc đất dự án này còn còn lên cơn “sốt” do nhiều người mua đi, bán lại nhộn nhịp.

Chủ đầu tư, Công ty TNHH Ngân Thuận, trong ngày khởi công đã cho biết, sẽ xây dựng Bệnh viện Triều An, Trung tâm Thương mại Bình Thủy… Đến nay, sau bốn năm, bệnh viện Triều An chưa thấy bóng dáng, riêng Trung tâm Thương mại Bình Thủy chỉ hoàn tất phần nóc và phần thô. Hàng trăm lô, sạp hàng dự kiến của trung tâm thương mại này chưa biết bao giờ đi vào hoạt động.

Đường nội bộ dự án khu dân cư đã cơ bản hoàn tất và trải nhựa, đất nền dự án đã được san lấp, thế nhưng toàn dự án hiện nay có vài chục căn nhà mới xây dựng cặp tuyến đường quốc lộ 91B. Còn lại đi sâu vào đất dự án hơn 300m, đất dự án mênh mông, xa xa mới có một căn nhà. Dự án này có hơn 6.000 nền nhà đất các loại, phần lớn đất đai hoang vu, chỉ có cỏ dại mọc xanh tận cuối chân trời, tha hồ chăn thả trâu bò.

Những khu dân cư tự phát

Tại quận Ninh Kiều, dự án treo hoặc chậm triển khai có rất nhiều, tập trung chủ yếu ở Phường An Bình, An Khánh. Dự án của Công ty Cổ phần Liên Minh tại phường An Khánh với qui hoạch hằng chục ha, hơn 4 năm qua chỉ thỏa thuận được với hơn 20% số hộ dân, số còn lại dân đòi giá cao và chủ đầu tư cũng đành bó tay.

Một cán bộ địa chính tại phường An Bình cho biết: Cả phường có hơn 70% đất tự nhiên nằm trong vùng qui hoạch. Qui hoạch chậm triển khai, qui hoạch treo nên bà con có đất trong vùng dự án tranh thủ bán đất, xây nhà rất nhiều. Riêng tại khu vực Thới Nhựt, trong ba năm qua có đến hằng trăm căn nhà tự phân lô, bán nền, tạo thành những khu dân cư ổ chuột.



Đường Nguyễn Văn Cừ, Cần Thơ xuống cấp - Ảnh P.Quốc.


Những khu dân cư tự phát này có quá trình phát triển như sau: Những đầu nậu đất chuyên mua gom đất nông nghiệp tại các dự án chậm triển khai, giá đất này được thu gom với giá từ 300 đến 800 triệu đồng/1.000m2 tùy vị trí đất.

Sau đó, họ san cát, làm đường nội bộ từ 3 đến 5 mét và phân lô bán nền. Mỗi nền phân ra khoảng 50 đến 100m2, bán lại với giá 1 đến 1,5 triệu đồng (không thổ cư); giá đất nền có thổ cư (bao giấy đỏ) phải từ 2 đến 2,5 triệu đồng/m2.

Trên tuyến đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, trước đây UBND tỉnh Cần Thơ có văn bản thu hồi độ lùi 200m mỗi bên. Đất này sẽ được bố trí các cơ quan của TP. Từ những văn bản như vậy, nên các năm qua, dân có xây dựng nhà thì phần lớn không được giấy phép xây dựng. Thế nhưng, nếu đi thực tế mới thấy, dân xây dựng nhà không phép rất nhiều, có thể lên đến cả trăm căn.

Từ những văn bản không được thực thi, không được chấp hành triệt để, đến nay, đường Nguyễn Văn Cừ nối dài đã xuống cấp trầm trọng, nước ngập, hai bên đường nhà cửa xây dựng khá lam nham. Trên tuyến đường này, hiện nay có các dự án xây dựng đang triển khai khá chậm đó là dự án Trường đại học Y dược Cần Thơ đang gặp khó trong đền bù giải tỏa về xây dựng do chậm triển khai, trượt giá và những khó khăn khác…

Chính quyền và dân đều gặp khó


Cái khó của TP Cần Thơ hiện nay là nhu cầu đô thị hóa nhanh theo qui hoạch hiện đại trong khi vốn đầu tư có hạn, kể cả vốn ngân sách nhà nước và vốn đầu tư trong dân. Nhu cầu phát triển hạ tầng đô thị cần đến hàng ngàn, thậm chí là đến hàng chục ngàn tỉ cho một thành phố động lực, thành phố trung tâm ĐBSCL.

Thành phố cần tiền để bồi thường giải tỏa hàng chục, hàng trăm công trình dự án lớn nhỏ từ khu tái định cư đến công trình giao thông, thế nhưng tổng vốn đầu tư của TP hằng năm hiện nay chỉ hơn 2.000 tỉ đồng. Thiếu tiền, giá bồi thường giải tỏa chưa hợp lý; thiếu khu tái định cư…làm chậm đi việc triển khai nhanh các dự án.



Nhiều dự án như thế này tại Cần Thơ chậm triển khai - Ảnh P.Quốc.


Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn cho rằng: “Giá cả bồi thường giải tỏa và đất bố trí tái định cư là những cái khó trong việc phát triển đô thị”.

Chậm dự án gây ra lãng phí lớn vì dự án kéo dài thời gian. Về phía đầu tư của các doanh nghiệp trong phát triển đô thị tại TP Cần Thơ, trong các năm qua đã bộc lộ nhược điểm: qui hoạch nhiều, doanh nghiệp “xí phần” nhiều nhưng “năng lực tài chính hạn chế” kéo theo ngâm dự án, dân trong vùng dự án dài cổ ra kêu trời.

Trong hơn 60 dự án khu dân cư, khu tái định cư và phát triển đô thị qui hoạch, triển khai từ năm 2003 đến nay, có 50% đang thi công, tỉ lệ giải phóng mặt bằng các dự án dao động từ 20 đến 80%.

Thi công bán nhà đất chậm do thị trường bất động sản lắng đọng, dự án đã hoàn thành hạ tầng như dự án khu dân cư Bình Thủy thì bỏ hoang hóa lãng phí tiền tỉ…Đô thị hóa, hiện đại hóa Cần Thơ quả là một bài toán khó!

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet