Cùng với sự tồn tại và phát triển của thị trường bất động sản, một hệ thống văn bản pháp lý tương ứng cũng rất đồ sộ và phức tạp. Bên lề hội nghị tuyên truyền và phổ biến chính sách pháp luật về nhà ở do Hiệp hội Bất động sản VN phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức, DĐDN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam về một số nội dung liên quan tới NĐ 71/2010 và TT 16/2010 về nhà ở bắt đầu có hiệu lực.
* Hiện nay, đang xảy ra tình trạng chủ đầu tư không chịu bàn giao các hạng mục công trình công cộng cho chính quyền địa phương như luật nhà ở. ông có quan điểm thế nào về vấn đề trên?
|
Theo quy định của pháp luật về nhà ở, khi xây dựng các khu đô thị, chủ đầu tư phải dành tối thiểu 30% quỹ đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật công cộng như điện, đường, trường, trạm. Khi khu đô thị hoàn tất các hạng mục công trình và đi vào sử dụng, chủ đầu tư phải bàn giao các hạng mục hạ tầng công cộng trên cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, một số chủ đầu tư không chuyển giao các hạng mục công trình công cộng lại cho địa phương mà vẫn quản lý, sử dụng thu lợi.
Theo chúng tôi được biết, lý do của việc chưa chuyển giao các hạng mục trên như trường học, đường trong các khu đô thị... thường không phải lỗi chủ quan của các chủ đầu tư. Quy định chủ đầu tư phải bàn giao cho chính quyền địa phương thì có nhưng hướng dẫn cụ thể thì chưa.
Hiện nay, vẫn chưa có quy định nào nói chủ đầu tư phải bàn giao các hạng mục hạ tầng kỹ thuật công cộng lại cho ai, đơn vị nào. Quy định chung là bàn giao cho địa phương thì chẳng nhẽ lại bàn giao cho chủ tịch UBND tỉnh. Nhìn chung quy trình và đối tượng bàn giao cần được cụ thể hóa như: ai chịu trách nhiệm, đơn vị nào tiếp nhận, thủ tục ra sao ? Tôi cho rằng, đã đến lúc, chúng ta cũng phải đưa ra những quy định cụ thể về vấn đề trên.
*
Việc sử dụng nhà chung cư không đúng mục đích đã được Bộ Xây dựng có ý kiến từ 1 năm nay. Việc thực thi ra sao, thưa ông?
Đứng trước tình hình sử dụng nhà chung cư sai mục đích khá phổ biến, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhà ở, Bộ Xây dựng đã có công văn số 2544/BXD-QLN gửi 5 địa phương đề nghị chấn chỉnh việc sử dụng nhà ở sai mục đích. Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê tình trạng cho thuê căn hộ chung cư làm văn phòng công ty.
Việc một số cơ quan thông tấn, báo chí nói Bộ Xây dựng cấm không cho DN thuê nhà chung cư là chưa chuẩn xác. Rất nhiều DN lúc đó đã tỏ ra hoang mang, lo ngại việc mình không đủ khả năng thuê trụ sở. Thực tế, quy định về sử dụng nhà ở đúng mục đích đã khá rõ ràng trong Luật Nhà ở. Tuy nhiên, công văn của Bộ Xây dựng mới chỉ đứng ở góc độ khuyến cáo, đề nghị các địa phương rà soát, thống kê và đưa ra phương án xử lý phù hợp.
Với vai trò là cơ quan quản lý trung ương về nhà ở, Bộ Xây dựng có trách nhiệm nhắc nhở, cảnh báo các địa phương khi công tác quản lý nhà ở chưa đúng luật, gây mất cân đối cung cầu, ảnh hưởng tới các nhóm lợi ích.
Nhìn chung, các chủ trương chính sách của Chính phủ về nhà ở nói riêng, bất động sản nói chung đều theo hướng ngày càng cụ thể và tạo điều kiện cho các DN. Các giao dịch bất động sản chưa đúng luật và việc sử dụng nhà ở sai mục đích sẽ ngày càng được loại bỏ.
*
Nghị định 71 cũng như Thông tư 16 ban hành mới đây được coi là tạo điều kiện thông thoáng cho DN. tuy nhiên có đồng nghĩa với việc giúp thị trường bất động sản phát triển minh bạch hơn?
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2010/NĐ-CP và Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 16/2010/TT-BXD. Chúng tôi có thể khẳng định ngay, hai văn bản trên được ban hành theo hướng thông thoáng hơn cho thị trường, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN kinh doanh bất động sản hoạt động. Ví dụ theo Điều 8, Thông tư 16 quy định, chủ đầu tư được phép phân chia cho các đối tượng huy động vốn tới 20% số lượng nhà ở thương mại mà không phải thông qua sàn giao dịch. Cũng theo hướng dẫn của hai văn bản trên, chủ đầu tư được quyền ra quyết định đầu tư thay vì chính quyền địa phương ra quyết định đầu tư...
Các quy định hướng dẫn liên quan đến mọi lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng cụ thể và rõ ràng hơn trước. Điều này chắc chắn sẽ hạn chế được nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư. Những giao dịch bất động sản không hợp pháp sẽ được loại bỏ khiến thị trường bất động sản trở nên minh bạch hơn, thuận lợi hơn.
*
Vậy liệu có một cú hích cho thị trường bất động sản từ những văn bản này không, thưa ông?
Chúng tôi không kỳ vọng việc ban hành hai văn bản trên sẽ ngay lập tức tạo thành cú hích cho thị trường bất động sản. Việc lên xuống của thị trường bất động sản đôi khi còn phù thuộc vào nhiều thị trường khác như chứng khoán, ngoại tệ, vàng... Tuy nhiên, về lâu dài những văn bản pháp quy trong lĩnh vực bất động sản được ban hành luôn theo hướng tạo sự thuận lợi và phát triển bền vững. Bất động sản luôn là một thị trường quan trọng có tác động và chi phối mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế.
*
Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: