Top

Cần nghiên cứu kỹ xây tàu điện một ray ở Hà Nội

Cập nhật 28/06/2010 08:10

Trao đổi với phóng viên, một số chuyên gia giao thông, quy hoạch cho rằng, tuyến đường Hòa Lạc - Hồ Tây (Hà Nội) cần có tàu điện trên cao để giảm áp lực cho giao thông trên mặt đất, song nên tính toán kỹ trước khi quyết định xây tàu điện một hay 2 ray.

Ông Phan Lê Bình, chuyên gia cao cấp Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA): Tàu điện một ray có chi phí đầu tư thấp.


Ông Phan Lê Bình. Ảnh: PV.
Ở Nhật Bản, tàu điện rất phổ biến, có loại tàu điện một ray và hai ray cùng song song với nhau phụ thuộc vào từng tuyến đường. Tàu hai ray có sức chứa khoảng 100 người trên mỗi toa còn tàu một ray sức chứa 50-60 người. Thành phố Tokyo có nhiều tuyến tàu một ray khi nhu cầu vận chuyển không cao và tốc độ chậm hơn.

Ưu điểm của tàu một ray là chi phí đầu tư thấp, phù hợp với quãng đường ngắn. Với tuyến Láng - Hòa Lạc, khi các đô thị phát triển dọc tuyến đường này thì cần có đường sắt trên cao. Làm đường sắt một ray thích hợp với số lượng các đô thị nhỏ, nơi có mật độ xây dựng cao. Tuy nhiên, nếu mật độ giao thông tương đối lớn thì tuyến đường sắt hai ray sẽ thích hợp hơn.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội quy hoạch Kiến trúc Hà Nội: Quy hoạch Hòa Lạc - Hồ Tây đã có đường sắt trên cao.


Ông Đào Ngọc Nghiêm. Ảnh: Đoàn Loan.
Trong quy hoạch Hà Nội từ năm 1998 đã có tàu điện trên cao trên tuyến Hòa Lạc - Hồ Tây tại giải phân cách giữa của đường. Đây là trục xuyên tâm Láng Hòa Lạc, kết thúc nhìn ra Hồ Tây. Hòa Lạc sau này sẽ trở thành đô thị vệ tinh với 600.000 dân nên rất cần tuyến tàu điện để chuyên chở hành khách đi lại giữa đô thị vệ tinh và trung tâm, giảm áp lực dân cư cho đô thị trung tâm.

Quãng đường 40 km không thuận tiện cho việc đi xe máy nên giao thông công cộng vẫn cần được ưu tiên. Tuyến đường này nên xây dựng tàu điện một ray trên cao hơn là xe buýt nhanh bởi chi phí thấp, quãng đường ngắn. Ở nhiều nước trên thế giới, tàu điện một ray chạy xuyên qua nhiều tòa nhà cao tầng, ga đỗ nằm ngay trong tòa nhà. Quy hoạch trên tuyến này đã có dải phân cách giữa thích hợp xây dựng cho tàu điện một ray.

Ông Khuất Việt Hùng, Viện phó Viện quy hoạch và quản lý giao thông: Cân nhắc phát triển xe buýt nhanh và tàu điện một ray.


Ông Khuất Việt Hùng. Ảnh: Đoàn Loan.
Tôi được biết Hà Nội đã có ý định triển khai tuyến xe buýt nhanh trên tuyến Láng - Hòa Lạc trong giai đoạn trước mắt. Do vậy, nếu đầu tư tàu điện một ray song song với xe buýt nhanh sẽ gây lãng phí. Người dân sẽ chọn đi xe buýt thay vì tàu điện vì có giá vé rẻ thì sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư tàu điện. Vả lại lưu lượng vận chuyển của xe buýt nhanh trên làn đường riêng sẽ lớn hơn tàu điện một ray.

Về lâu dài, khi đô thị hóa trên tuyến đường này cao thì cần có tàu điện hai ray bởi ưu điểm là khối lượng vận chuyển lớn, tốc độ di chuyển nhanh hơn tàu một ray.

Theo tôi, trong giai đoạn ngắn hạn, khi nhu cầu giao thông chưa cao thì nên phát triển xe buýt nhanh trên tuyến Hòa Lạc - Hồ Tây tại giải phân cách giữa. Nếu vẫn quyết định xây dựng tàu điện một ray thì không nên phát triển xe buýt nhanh.


Ông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Đoàn Loan
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN: Hà Nội cần phát triển tàu điện trên cao hơn là mặt đất.

Để giảm mật độ giao thông trên mặt đất, giảm xung đột giữa các phương tiện thì cần có tàu điện trên cao. Nhiều nước trên thế giới cũng tổ chức giao thông trên mấy tầng đường, cầu vượt liên tục. Do vậy, nếu làm được tàu điện trên cao là rất đáng hoan nghênh.

Không lo ngại ảnh hưởng mỹ quan đô thị vì nhiều tuyến tàu điện còn làm cho thành phố đẹp lên. Trong đô thị cần phát huy những tuyến tàu điện một ray để giảm chi phí đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưu lượng khách đi trên tuyến để có mức độ đầu tư phù hợp.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress