Theo dự báo, đến 2015 Hà Nội sẽ có khoảng 600 nghìn công nhân và đến 2020 có khoảng 800 nghìn công nhân. Với mục tiêu đáp ứng chỗ ở cho 50 - 60% công nhân tại các khu công nghiệp (KCN), Hà Nội cần phải thu hút mọi nguồn lực mới có thể thực hiện được mục tiêu an sinh xã hội này.
Khổ sở nhà trọ
Nằm xung quanh KCN Thăng Long là các xã Bầu Đông, Bầu Tây, Kim Chung… Đất ở các xã này hiện không còn một chỗ trống, tất cả đều được biến thành nhà trọ. Trong làng Kim Chung san sát các dãy nhà trọ thấp lè tè lợp fibrô ximăng, không một mảnh sân, không một bóng cây. Trong căn phòng rộng chừng chưa đầy 10m2, 3 cô gái Thắm, Thảo, Linh đang mệt mỏi sau giờ tan ca. Căn phòng không có giường tủ bởi chỉ đủ kê tấm phản nằm, một góc bếp và chỗ để 3 chiếc xe đạp. Các cô cho biết họ lên đây đã được gần một năm và may mắn thuê được căn phòng riêng như thế này với giá 200 nghìn đồng/tháng (điện nước tính riêng). Cả khu nhà trọ có 15 phòng, phòng nào cũng chỉ trên dưới 10m2, chung nhau có 2 nhà tắm, 2 nhà vệ sinh. Không hiểu buổi chiều tan ca, trong cái nóng bức của mùa hè thế này, những công nhân trọ ở đây sẽ khổ sở như thế nào?
Sang các khu nhà trọ khác cũng trong tình trạng như vậy. Các công nhân cho biết lương của họ được khoảng 2 - 2,5 triệu đ/tháng. Thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt đã hết 600 - 700 nghìn, còn dành tiền để gửi về quê, tích cóp. Với điều kiện như vậy họ cũng chỉ có thể thuê những căn phòng như thế. Đó là chưa kể nỗi lo thỉnh thoảng bị chủ nhà đòi tăng giá. Nói về những khu nhà của TP vừa mới hoàn thành cho công nhân thuê trong KCN, họ cho biết không phải ai muốn cũng được vào. Trong đó cũng chỉ đáp ứng cho một lượng ít công nhân thôi. Đa số vẫn phải ra thuê nhà trọ ngoài. Thực tế nhu cầu nhà trọ ở các khu vực xung quanh KCN vẫn rất lớn khi mà các Cty vẫn liên tục thông báo tuyển công nhân.
Doanh nghiệp cần vào cuộc
Trước tình trạng hàng vạn công nhân phải tự lo nhà trong điều kiện sinh hoạt khó khăn, TP Hà Nội đã giao cho một số DN cùng thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho công nhân KCN Bắc Thăng Long tại xã Kim Chung, Đông Anh với số vốn trên 400 tỷ đồng. Với hàng chục khối nhà 5 - 6 tầng cùng các khu nhà trẻ, bệnh xá, căng tin, khu thể thao… trước mắt dự án đáp ứng cho hơn 10 nghìn công nhân được thuê ở. Một số dự án nhà ở khác cũng được chuẩn bị để khởi công xây dựng như dự án nhà ở công nhân KCN Phú Nghĩa - Chương Mỹ với diện tích 4ha; dự án tại KCN Quang Minh, KCN Ninh Hiệp…
Ông Phí Thái Bình - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: TP đang quyết tâm thực hiện vấn đề nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu đến 2015 có 50% công nhân tại các KCN được giải quyết chỗ ở thì phải cần huy động mọi nguồn lực cũng như sự tham gia của các DN. Trước mắt, TP trực tiếp đứng ra đặt hàng các DN xây dựng và giao các đơn vị quản lý khai thác. Đồng thời cũng xây dựng các cơ chế để thu hút nguồn lực từ các DN xây dựng nhà ở cho công nhân.
Để giải quyết được ngọn ngành vấn đề nhà ở cho công nhân thì cần phải kéo chính các “ông chủ” vào cuộc. Hơn ai hết họ phải hiểu được lợi ích khi bảo đảm được đời sống cho công nhân của mình. Với một sức khỏe tốt, tâm trạng thoải mái, những người công nhân có thể cống hiến công sức của mình để làm ra nhiều sản phẩm cho DN. Thực tế có rất ít các “ông chủ” xây dựng nhà ở cho công nhân của mình, họ thường viện lý do là không có kinh phí để thực hiện. Vì vậy, trước hết phải làm rõ trách nhiệm để các DN vì lợi ích chung, vì lương tâm và trách nhiệm cùng tham gia, chung sức giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân.
Từ nay đến 2020 Hà Nội sẽ dành 500ha đất để xây dựng nhà cho công nhân các KCN với số vốn khoảng 12 nghìn tỷ đồng. TP rất cần sự chung sức của các DN, các nhà đầu tư để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội. Quan điểm của TP Hà Nội khi giao cho các DN xây dựng các khu nhà này là giá thuê nhà phải rẻ hơn giá nhà ở ngoài, trong khi chất lượng phải tốt. TP sẽ hỗ trợ các DN bằng tiền sử dụng đất và thuế thu nhập từ việc cho công nhân thuê các khu nhà và các cơ chế khác...
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: