Top

Các khu đô thị mới ở TP.HCM:
Chưa biết còn “treo” đến bao giờ?

Cập nhật 19/10/2008 10:00

Một trong những giải pháp chống ùn tắc giao thông được UBND TP.HCM đề xuất là đẩy nhanh tiến độ đền bù, thủ tục đầu tư các khu đô thị vệ tinh để dãn dân cho TP, giảm áp lực giao thông lên hệ thống nội đô. Nhưng thực tế tiến độ tại các khu đô thị này đang rất chậm.

Điển hình như các khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Tây Bắc, Bình Quới - Thanh Đa... đã có chủ trương quy hoạch hoặc triển khai từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa rõ “hình hài”, còn người dân sống trong khu vực này thì đang thấp thỏm.

16 năm vẫn còn nằm trên giấy

“Cổ” nhất có lẽ là khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, phường 28, quận Bình Thạnh. Ý tưởng quy hoạch khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP.HCM thông báo từ năm 1992 và xác định đây là khu văn hóa - thể thao - du lịch, nghỉ ngơi, giải trí, phục vụ nhân dân TP, khách du lịch trong, ngoài nước.

Cuối năm 2003, UBND TP chấp thuận chủ trương tạm giao đất cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn làm chủ đầu tư dự án trên. Mãi đến giữa năm 2007 UBND TP mới phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa. Theo quy hoạch, đây sẽ là khu đô thị sinh thái hiện đại với chức năng du lịch - nghỉ dưỡng - văn hóa - giải trí, dân số dự kiến 30.000 người, khách du lịch và người làm việc khoảng 500.000 lượt người/ngày đêm. Toàn bộ khu đô thị có tổng diện tích gần 427ha, trong đó hơn 18ha dành để xây dựng khu tái định cư cho người dân bị giải tỏa.

Nhưng gần đây, UBND TP yêu cầu Sở Kế hoạch - đầu tư và các cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh, bổ sung các tiêu chí đấu thầu chọn lựa nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, trình UBND TP thông qua. Theo Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn, trước đây TP giao tổng công ty làm chủ đầu tư, nay chủ trương TP thay đổi nên công ty đang lừng chừng chưa biết như thế nào nên đã ngưng làm quy hoạch! Hàng ngàn hộ dân tại đây lại tiếp tục chờ đợi mà chưa biết quyền lợi của họ còn bị “treo” đến bao giờ.

Nhà đầu tư “xếp hàng” chờ quy hoạch chung

Là một trong những khu đô thị được quy hoạch lớn nhất TP.HCM, khu đô thị Tây Bắc có diện tích khoảng 6.000ha gồm một phần huyện Hóc Môn, phần còn lại thuộc huyện Củ Chi. Chủ trương quy hoạch dự án được cấp thẩm quyền thông qua từ năm 2003. Theo viễn cảnh đơn vị tư vấn đưa ra, sau khi hoàn thành đây sẽ là khu đô thị vệ tinh hiện đại, sạch, xanh, bảo đảm môi trường sống tốt cho người dân. Ngoài ra khu đô thị mới có thể tạo ra 70.000 việc làm từ dịch vụ đô thị, đáp ứng cho 300.000 dân...

Sau nhiều lần điều chỉnh, ban quản lý khu đô thị Tây Bắc đã trình quy hoạch chung đến Sở Quy hoạch - kiến trúc thẩm định, trình UBND TP.HCM phê duyệt. Nhưng gần một năm qua quy hoạch chung vẫn chưa được thông qua. Có rất nhiều nhà đầu tư đã được UBND TP chấp thuận chủ trương hoặc cấp phép đầu tư vào khu đô thị đang phải “xếp hàng” chờ quy hoạch chung được thông qua để trình duyệt quy hoạch chi tiết. Vì theo chỉ đạo của UBND TP, sau khi quy hoạch chung được phê duyệt mới tiến hành kêu gọi đầu tư cho phù hợp với quy hoạch.

Gánh nặng lãi vay

Sau gần sáu năm triển khai, đến nay khu đô thị mới Thủ Thiêm mới đền bù được khoảng 400ha trong tổng số 657ha của toàn khu đô thị với số tiền đền bù khoảng 3.000 tỉ đồng. Năm 2004, UBND TP đã ban hành kế hoạch bồi thường, tái định cư cho dự án trên. Kế hoạch này đưa ra mốc thời gian là đến cuối năm 2006 phải cơ bản xong bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Thế nhưng sau đó phải dời lại nhiều lần và đến nay chưa rõ khi nào mới hoàn tất công tác đền bù.

Theo UBND quận 2, gần đây công tác bồi thường có chuyển biến tích cực hơn năm 2007. Tuy nhiên việc tái định cư chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ đền bù của dự án. Các dự án tái định cư đang xây dựng, còn mua quỹ nhà tái định cư thì tìm chưa ra, trường hợp có căn hộ thì không thỏa thuận được giá mua bán. Còn theo một số người dân, hiện giá đền bù chưa hợp lý.

Phần lớn tiền đền bù dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm được cơ quan chức năng vay từ ngân hàng. Với số tiền đền bù vừa qua, ước số lãi vay phải trả đã lên đến hàng trăm tỉ đồng. Chính vì vậy tiến độ đền bù chậm khiến nhiều cơ quan chức năng sốt ruột. Bởi càng kéo dài đền bù càng phát sinh tiền lãi, trong khi đó phần diện tích đã đền bù xong chưa thể đưa vào khai thác, kêu gọi các nhà đầu tư.

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO