Top

Các chuyên gia mổ xẻ những sự cố xây dựng

Cập nhật 28/04/2009 16:55

Sáng 28/4, các chuyên gia xây dựng hàng đầu Việt Nam đã họp bàn, mổ xẻ nguyên nhân hàng loạt sự cố xây dựng thời gian qua như sạt lở mỏ đá thủy điện Bản Vẽ, vỡ đập chính hồ chứa nước Cửa Đạt, nứt bê tông hầm dìm Thủ Thiêm...

Theo ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng), ngoài các sự cố lớn, một số công trình mới đưa vào sử dụng đã bộc lộ khiếm khuyết về chất lượng gây bức xúc trong dư luận, như chất lượng nhà tái định cư, sụt trượt trên một số quốc lộ, xuống cấp một số công trình văn hóa, hạ tầng đô thị... Số lượng sự cố tính trung bình từ 0,28 % đến 0,56% tổng công trình được xây dựng.

Theo ông Hùng, do số lượng công trình trọng điểm ngày càng nhiều nên sự cố cũng tăng hơn. Mỗi công trình có mức độ nghiêm trọng khác nhau nên đều phải đánh giá để có quan tâm thích đáng.

Tại Hội thảo thực trạng và giải pháp tăng cường quản lý chất lượng công trình xây dựng ngày 28/4, nhiều chuyên gia đã đưa ra những đánh giá nguyên nhân gây sự cố các công trình xây dựng. Theo GS. TS Phạm Văn Tỵ, Đại học Mỏ Địa Chất, sự cố ở mỏ đá Thủy điện Bản Vẽ cuối năm 2007 là do công tác khảo sát địa chất chưa được chú ý đúng mức. Người thiết kế chưa nắm được độ phức tạp của điều kiện địa chất nên thiết kế bờ mỏ chưa phù hợp và chưa tuân thủ đầy đủ các quy phạm an toàn.

PGS.TS Vũ Hữu Hải, Đại học Xây dựng, cho rằng, nguyên nhân vỡ đập tại Hồ chứa nước Cửa Đạt cuối năm 2007 là do lưu lượng lũ vượt quá tần suất thiết kế. Theo thiết kế, phần thân đập được tính toán với lưu lượng đỉnh lũ là 5.000m3 nước/s, song lượng mưa lũ có ngày tới 7.000m3/s. Hậu quả vỡ đập khiến khối lượng thi công đắp bù khá lớn, tốn kém ngân sách. Bài học từ sự cố là không lường trước diễn biến của thời tiết hay các nguy cơ tiềm ẩn như cây trôi phá hủy rọ đá...

GS.TS Lê Văn Thưởng, ĐH Xây dựng, cho biết, trong quá trình thi công cầu Thanh Trì, kiểm tra 585 cọc thì phát hiện tới 174 cọc có khuyết tật ở chân cọc. Nguyên nhân là do Tư vấn giám sát và nhà thầu chủ quan không thấy tình hình phức tạp của đất nền và thiếu trách nhiệm nên đã thi công được 585 cọc mới kiểm tra, nhà thầu đã nhận khuyết điểm và chịu mọi chi phí phát sinh.

Theo đánh giá của ông Lê Văn Thịnh, Trưởng phòng giám định 1, Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình, nguyên nhân làm suy giảm chất lượng công trình có thể từ giai đoạn lập dự án, khảo sát và thiết kế. Ngoài ra, trách nhiệm của chủ đầu tư chưa cao như có trường hợp, chủ đầu tư áp đặt ý tưởng của mình vào thiết kế mà không tôn trọng ý kiến chuyên môn dẫn tới thiết kế khiếm khuyết. Hoặc do các mối quan hệ cá nhân, chủ đầu tư lựa chọn các nhà thầu tư vấn quen biết, không đảm bảo năng lực để thực hiện lập dự án, khảo sát, thiết kế...

Ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình cũng cho rằng, để quản lý chất lượng công trình cần tập trung 3 nhóm vấn đề. Đó là phải tăng cường kiểm soát chất lượng trong giai đoạn thiết kế thi công và bảo hành, trách nhiệm trước hết là chủ đầu tư và nhà thầu. Nhóm thuộc cơ quan quản lý nhà nước, xem các chủ thể có thực hiện đúng pháp luật hay không và phải có chế tài.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, nhìn chung các công trình xây dựng từ khâu quy hoạch tới điều tra, thăm dò khảo sát, thi công còn nhiều bất cập. Một công trình người nước ngoài làm 2 năm thì nước ta làm 4 năm, và còn phải chạy thử khá lâu sau đó. Do vậy, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn nếu cạnh tranh quốc tế. Ngoài ra, khi nguồn vốn đổ vào đầu tư xây dựng nhiều nếu không thực hiện hiệu quả càng gia tăng lạm phát.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu ngành xây dựng hoàn thiện các quy định, thể chế đồng bộ song phải ngắn gọn, giảm thủ tục. Hiện, có tình trạng người làm xây dựng nhiều năm song vẫn không thuộc hết văn bản bởi các quy định rườm rà và hay thay đổi.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress