Thảo luận tại Hội trường chiều 5/11 về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, nhiều ĐBQH vẫn lo lắng chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ không đến đúng được đối tượng và dễ bị bị trục lợi.
Dự thảo Luật kiến nghị giảm thuế GTGT từ 10% hiện nay xuống mức 5% cho doanh nghiệp xây nhà cho sinh viên, công nhân khu công nghiệp và người có thu nhập thấp. Đồng thời, kiến nghị áp dụng mức thuế TNDN còn 10%, miễn thuế 4 năm và giảm thuế tối đa 9 năm tiếp theo cho các doanh nghiệp có dự án phục vụ các đối tượng trên.
Giá 500 triệu cho người thu nhập thấp?
Đồng tình với việc ưu đãi để những người có thu nhập thấp có cơ hội thuê hoặc mua nhà giá rẻ, nhưng phần lớn đại biểu cho rằng việc áp dụng chính sách thuế thôi là chưa đủ, cần phối hợp các giải pháp đồng bộ khác như ưu đãi tín dụng, hỗ trợ trực tiếp chứ không nên thông qua khâu trung gian.
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nêu thực trạng, hiện nay rất nhiều người thu nhập thấp là học sinh, sinh viên, người lao động thấp không tiếp cận được nhà ở xã hội, chung cư, ký túc xá tập trung vì giá bị đầu cơ thao túng.
“Nhà xã hội đang bị "hét" với giá thật khủng khiếp. Người lao động có thu nhập thấp mà nhà rao bán với giá trung bình 500 triệu đồng một căn, thử hỏi họ có đủ tiền mà mua hay không?”, ông Minh nói.
Ông Minh cũng đề nghị phải làm rõ thời gian qua có bao nhiêu doanh nghiệp cần đầu tư nhưng vẫn bị vướng do mức thuế hiện hành. "Nếu Quốc hội nhất quyết thông qua Luật cũng được, song phải làm tốt công tác quản lý. Nếu không, chính sách ưu đãi thuế sẽ làm thị trường méo mó thêm”.
Đại biểu Trần Du Lịch: Dù áp dụng chính sách ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thuế để doanh nghiệp hạ giá thành, chưa chắc giá bán, giá thuê nhà sẽ giảm. Ảnh: TTXVN |
Đại biểu Nguyễn Thanh Huyền (Phú Thọ) bổ sung: Luật khi ban hành, hoặc nghị định hướng dẫn phải nêu rõ được các đối tượng được hưởng ưu đãi, mức ưu đãi như thế nào, cam kết của nhà đầu tư, tiến độ thực hiện dự án. Đặc biệt, giá bán, giá cho thuê nhà ở như thế nào, có vượt tầm với của đại bộ phận người dân hay không.
Không đồng tình mức thuế 5% đánh vào các đối tượng có nhà cho sinh viên, công nhân thuê, bà Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) cho rằng mức thuế này có thể khuyến khích các đối tượng trục lợi.
Theo bà Hương, việc căn cứ vào đối tượng mua nhà để áp dụng 2 mức thuế suất thuế GTGT khác nhau (5% và 10%) là rất phức tạp, vì trên thực tế, doanh nghiệp không chỉ xây nhà để bán, cho thuê đối với một loại đối tượng là người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, học sinh, sinh viên mà cho nhiều đối tượng khác nhau.
Hậu kiểm như thế nào?
Nhiều đại biểu cũng bày lo sẽ quản lý đầu ra như thế nào để chính sách không đi chệch hướng.
Đại biểu Hoàng Thị Hảo (Hải Dương) dẫn ví dụ về việc xây dựng khu ký túc xá Thăng Long: "Ban đầu nói là xây dựng cho sinh viên thuê nhưng rồi bây giờ chủ đầu tư bán cho người ngoài mua vì thu được lợi nhuận cao hơn".
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cũng nói: "Cho dù Nhà nước có áp dụng các chính sách ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thuế để doanh nghiệp hạ giá thành thì chưa chắc giá bán, giá thuê nhà sẽ được giảm" bởi vì như ông Lịch nói, năng lực quản lý hiện nay của chúng ta chưa tốt, nên việc kiểm soát giá mua, giá bán nhà thực tế gặp rất nhiều khó khăn.
"Hậu quả là đối tượng là người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, học sinh, sinh viên sẽ không được hưởng lợi, còn Nhà nước thì bị thất thu ngân sách", ông Lịch kết luận.
Vì vậy, một số biểu yêu cầu Chính phủ quy định rõ biện pháp hậu kiểm để bảo đảm thực thi pháp luật nghiêm minh, chống hành vi gian lận, qua đó bảo đảm việc thụ hưởng ưu đãi cho các đối tượng là công nhân khu công nghiệp, học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp.
Chia sẻ với những lo lắng của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh giải bày: "Nếu Nhà nước có nguồn vốn lớn để cấp trực tiếp cho đối tượng này hoặc bỏ tiền ra xây dựng thì quá tốt nhưng ngân sách hiện nay không đủ khả năng".
Theo Bộ trưởng, riêng việc giải quyết được cho các hộ nhà ở nông dân thu nhập thấp, hộ nghèo thôi tính ra cũng đã mấy chục nghìn tỷ. Vì vậy, cần phải huy động cả cộng đồng mới làm nổi.
Ông Ninh cũng cho biết, các chính sách đến nay đã vận dụng tối đa, bây giờ chỉ còn chính sách thuế này nữa. Vấn đề là phải đảm bảo làm sao hài hòa lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp và người sử dụng.
Nhấn mạnh "về cơ bản mà nói thì hiện nay chưa có nhà ở cho người thu nhập thấp. Vì vậy, cái chính là phải khuyến khích cho doanh nghiệp vào làm", ông Ninh bày tỏ mong muốn những sửa đổi lần này sẽ được Quốc hội thông qua.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: