Mô hình chợ - trung tâm thương mại (TTTM) là cải tạo các chợ truyền thống, xây dựng thành các TTTM. Thực hiện chủ trương này, hơn 10 năm qua TP Hà Nội đã xuất hiện hàng loạt những TTTM trên nền những chợ truyền thống.
Vẻ bề ngoài của các TTTM Ô Chợ Dừa, chợ Cửa Nam, chợ Bưởi, chợ Hàng Da, chợ Thượng Đình… đã làm đẹp thêm cho thành phố, góp phần xây dựng văn minh đô thị, khắc phục nhiều nhược điểm của chợ truyền thống.
Nhưng nếu đi vào bên trong và theo sát hoạt động của nó, sẽ thấy nhiều điều bất ổn. Đó là tình cảnh TTTM xây xong đã lâu nhưng còn quá nhiều gian trống, không có người thuê. Có những TTTM xây dựng hiện đại, nhưng cả tầng bỏ trống; các tầng có gian hàng thì khách mua bán thưa thớt, đi ngắm nhiều hơn đi mua. Ngược lại, tình trạng mua sắm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường lại ngày càng gia tăng. Người mua cũng không vui gì, vì sau khi có các TTTM, mua hàng xa hơn, đắt hơn. Kinh phí xây dựng ngày càng tăng, diện tích cho thuê trong các TTTM, dù đã khuyến mại, giảm giá vẫn không bán chạy, việc thu hồi vốn kéo dài, nhiều nơi đã thua lỗ.
Thực trạng đó mọi người, ngay cả lãnh đạo thành phố cũng đã biết. Trong kỳ họp thứ bảy, HĐND TP Hà Nội khóa XIV vừa qua, Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh cũng đã kết luận thẳng thắn, được nhiều người đồng tình. Thành phố cũng đã tạm giãn tiến độ xây dựng một số TTTM, thậm chí đình hoãn việc xây dựng 9 TTTM trong khu vực nội đô. Nhưng về vấn đề này, vẫn còn những ý kiến trái chiều. Vậy để thống nhất ý kiến, nên chỉ ra nguyên nhân nào đã khiến cho "sáng kiến" xây chợ thành TTTM không thành công để tháo gỡ cho nó.
Trước hết, có một nguyên nhân khách quan là kinh tế khó khăn, người mua phải cân nhắc sẽ tính toán kỹ khi chi tiêu, nhất là với các mặt hàng cao cấp. Vì thế, không chỉ các TTTM như ta đã biết mà cả các TTTM của nước ngoài hay có yếu tố nước ngoài như Parkson, Metro, BigC… cũng gặp khó khăn.
Thứ hai, đó là thói quen văn hóa.
Với người bán: Tiền mua gian hàng quá cao, thời gian nộp gấp gáp cũng là một trở ngại. Liệu có thể mua trả góp với lãi suất thấp được không?
Khách ít, thuế cao, tất nhiên giá hàng phải đội lên. Hàng hóa bán trong TTTM có giá đắt hơn bên ngoài, có khi cao hơn 20% đó là một nguyên nhân khiến đã ít lại càng ít khách mua.
Với người mua. Hiện nay, đối tượng có thu nhập cao vào chợ truyền thống và TTTM để mua hàng cao cấp chưa nhiều. Dạng chợ - TTTM như ta thường nói, người mua thường là người bình dân, thu nhập trung bình. Họ sẽ khó chấp nhận vào TTTM mua một thứ chỉ đáng giá vài nghìn đồng, nhưng phải chi trả các phí dịch vụ cao hơn nhiều lần như: tiền gửi xe máy, tiền mang xách hoặc gửi đồ đạc… Thói quen giao dịch của người mua bán nhỏ khiến họ thích vào chợ dân sinh truyền thống hoặc thậm chí mua bán thuận tiện ở vỉa hè hơn. Do nhiều yếu tố như nền kinh tế Việt Nam chưa phát triển, văn minh thương mại chưa cao… nên tình trạng này chắc chắn sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa… Đó là mâu thuẫn giữa thói quen buôn bán nhỏ lẻ với văn minh thương mại… chưa thể giải quyết được ngay.
Một chủ trương, dù với mục đích tốt đẹp đến đâu nhưng thước đo thành công phải là phù hợp và thiết thực phục vụ đời sống người dân. Việc nghiên cứu để khôi phục các chợ dân sinh truyền thống nhưng với chất lượng cao hơn ở thời điểm này là việc rất nên làm. Không ai trách chúng ta sai, chỉ trách chúng ta biết sai mà chậm không sửa.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: