Top

Bi hài doanh nghiệp địa ốc “cầu cứu” cổ đông

Cập nhật 02/04/2013 15:30

Tiếp cận nguồn vốn từ phía ngân hàng khó khăn, khối doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) đang ráo riết lên kế hoạch “cầu cứu” bằng gọi vốn từ cổ đông dù biết khó.

Nhiều doanh nghiệp BĐS đang cầu cứu cổ đông...

Đói vốn, ôm cục nợ

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2013 CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) diễn ra cuối tuần trước thông qua việc phát hành 37,5 triệu cổ phiếu đến năm 2014.

Trong đó, chào bán 500.000 cổ phiếu cho Beira Limited (Quỹ DWS Việt Nam), số còn lại 37 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Lãnh đạo NBB cho biết sẽ tìm cách chuyển nhượng bớt một số dự án và chỉ tập trung dòng tiền để trả nợ trái phiếu, cơ cấu các khoản vay đến năm 2015 để không phát sinh tăng dự nợ.

Đầu năm 2013, CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình thống nhất phát hành 15 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

CTCP Quốc Cường Gia Lai dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 650 tỷ so với vốn điều lệ hiện có.

Trong đó, 136,5 tỷ đồng là vốn chuyển đổi trái phiếu cho Nhà đầu tư VOF PE Holding 5 Limited và 513,5 tỷ đồng là vốn phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư để huy động vốn.

Quan sát báo cáo tài chính một số DN cho thấy, khó khăn nổi cộm chính là về mặt tài chính. NBB dù đạt lợi nhuận năm 2012 lên tới 165 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với năm trước nhưng tiền mặt chỉ còn 7 tỷ đồng ( báo cáo kiểm toán công ty mẹ).

Không những vậy, nợ ngắn hạn và hàng tồn kho của công ty tăng lên khá mạnh. Trong khi Quốc Cường Gia nhờ khoản doanh thu tăng đột biến trong Quý 4/2012 mới thoát lỗ nhưng hàng tồn kho và nợ ngắn hạn lại ngày một “chất đầy” .

Một chuyên gia nhận định, việc tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng gặp khó khăn do nợ xấu, hàng tồn kho nhiều nên DN BĐS chọn quay về phương án truyền thống “cầu cứu” cổ đông là lẽ thường. Tuy nhiên vấn đề hiện nay là thị trường chứng khoán đang ảm đảm, do đó doanh nghiệp phải đưa ra được phương án sử dụng vốn huy động hiệu quả để cổ đông tin tưởng và tiếp tục góp vốn.

Bơm vốn, có lật thế cờ?

Hiện nhiều cổ đông đang tỏ ra lúng túng. Bài toán đặt ra là thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi, hàng tồn kho vẫn chất đống và người dân không chịu mua nhà. Và những đồng vốn ít ỏi bỏ vào lúc này có giúp DN “lật ngược thế cờ”.

Bà Trần Thị Kim Cương, Giám đốc đầu tư cổ phiếu Quỹ đầu tư Tăng trưởng Manulife (MAFPF1) cho biết chiến lược đầu tư của Quỹ sẽ cẩn trọng với cổ phiếu hai ngành bất động sản và ngân hàng. Đại diện của Quỹ này nhận định cổ phiếu bất động sản và ngân hàng tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm 2013.

Thực tế, trước đây có làn sóng các công ty nhảy vào kinh doanh BĐS thì nay lại tìm mọi cách để thoát. Công ty Sản xuất kinh doanh XNK dịch vụ và đầu tư Tân Bình (Tanimex) cho biết sẽ tập trung vào lĩnh vực xuất khẩu trong năm 2013 và các ngành khác để giảm bớt rủi ro từ đầu tư BĐS.

Đồng cảnh ngộ, CTCP Đầu Tư Hạ Tầng BĐS Sài Gòn sẽ định hướng chiến lược kinh doanh theo hướng phát triển chuyên ngành môi trường nước. CTCP Licogi 16 thì đưa ra 2 kịch bản kinh doanh trong năm 2013 mà theo đó nếu tốt sẽ có lãi là 0 đồng, còn xấu thì sẽ lỗ 94 tỷ đồng.

Không thể trách sự “lạnh nhạt” của nhà đầu tư nếu các phương án huy động vốn không thành. Tuy nhiên, đối với không ít cổ đông thì việc có nên bỏ tiền thêm vào hay từ bỏ cổ phiếu bất động sản cũng sẽ là quyết định khó khăn.

Dù vậy, theo một vị chuyên gia trong ngành cơ hội cho doanh nghiệp vẫn còn nhiều nếu như việc huy động vốn này sử dụng có hiệu quả mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.

DiaOcOnline.vn - Theo Tienphong