Top

Bất động sản tuần qua vẫn 'nóng' kiện tụng

Cập nhật 28/07/2013 14:59

Thị trường bất động sản tuần qua vẫn “nóng” vì những vụ kiện tụng giữa khách hàng và chủ đầu tư.

Khách hàng kiểm soát dòng tiền vào dự án

Tuần quan, một thoả thuận “vô tiền khoáng hậu” trên thị trường bất động sản đã xảy ra khi khách hàng dự án Usilk City (Hà Đông, Hà Nội) đã thay chủ đầu tư trở thành người kiểm soát dòng tiền đổ vào dự án này chỉ với mong muốn duy nhất là được nhận nhà trong thời gian sớm nhất.

Dự án Usilk City, thảm họa về tiến độ

Theo đó, các khách hàng mua nhà sẽ nộp số tiền còn lại của mình theo hợp đồng bắt đầu muộn nhất là từ ngày 1/8/2013. Số tiền sẽ nộp tương ứng 1/23 tổng số tiền còn lại của mình, trong đó 23 tuần là thời gian mà công ty dự kiến hoàn thiện 3 toà nhà tại cụm CT1 của dự án.

Tuy nhiên, thay vì nộp tiền trực tiếp cho chủ đầu tư, các khách hàng gồm 1 đại diện của chủ đầu tư và 3 đại diện của khách hàng sẽ mở tài khoản tại Ngân hàng BIDV Thanh Xuân. Từ tài khoản cá nhân của khách hàng, ngân hàng sẽ đổ tiền vào tài khoản chung này, sau đó từ tài khoản chung này chuyển vào tài khoản của Công ty Sông Đà Thăng Long tại BIDV, trên cơ sở đã kiểm tra thực tế tiến độ xây dựng.

Hơn 2 năm nay, dự án Usilk City của Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long (khu đô thị Văn Khê, Hà Nội) được nhắc đến với nghĩa như là một thảm hoạ về tiến độ.

Hàng trăm khách hàng đã đóng tiền mua căn hộ tại dự án này gần như hết hy vọng khi những khối nhà dù đã có hình hài cứ nằm “đắp chiếu” dưới nắng mưa nhiều năm trời, mà ngọn nguồn được cho là do chủ đầu tư đã mang tiền của khách hàng đổ vào nhiều dự án khác suốt từ Bắc chí Nam.

Vì vậy, việc đưa ra phương án này chính là cách mà các khách hàng đang “tự cứu mình". Thoả thuận này ngay sau đó đã nhận được sự đồng thuận của Công ty Sông Đà Thăng Long cũng như phía ngân hàng.

Khai trương khu mua sắm siêu khủng

Một trong những sự kiện được người dân Hà Nội quan tâm nhất tuần qua là việc khai trương khu mua sắm dưới lòng đất siêu khủng Vincom Mega Mall Royal City.

Khai trương trung tâm mua sắm khủng nhất Hà Nội

Ngay trong sáng khai trương, Vincom Mega Mall Royal City đã đón hàng vạn khách hàng tới mua sắm, vui chơi và chiêm ngưỡng những “kỳ quan” lớn nhất và lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.

Với tổng diện tích lên đến 230.000m2, Vincom Mega Mall Royal City đi vào hoạt động đã trở thành Quần thể trung tâm thương mại và vui chơi giải trí lớn nhất và đầu tiên tại Việt Nam phát triển theo mô hình Mega Mall chuẩn quốc tế với đầy đủ các hạng mục và đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng, giải trí của khách hàng.

Đặc biệt, Vincom Mega Mall Royal City không chỉ là nơi thỏa mãn nhu cầu mua sắm lớn nhất cả nước với 600 gian hàng mà còn là khu vui chơi giải trí độc đáo, mới lạ với nhiều hạng mục lớn nhất Việt Nam như: Công viên nước trong nhà Vinpearl Water Park Royal City có diện tích 24.000m2, hoạt động 4 mùa và được xếp vào top đầu châu Á về độ hấp dẫn của các trò chơi.

Rao bán nhà thu nhập thấp bất hợp pháp

Mặc dù việc mua bán nhà thu nhập thấp là bất hợp pháp, nhưng gần đây trên một số trang mạng xuất hiện khá nhiều thông tin bán dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) do công ty Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư.

Dự án mới được bàn giao đầu năm 2013, các căn hộ được rao bán chủ yếu nằm tại 2 tòa nhà 19T6 và 19T3.

Điều đáng nói là các “cò” đất đều một mực khẳng định: “thủ tục sang tên chắc chắn sẽ được và sẽ do chủ đầu tư lo”. Người bán còn lấy dẫn chứng cụ thể “hàng trăm căn hộ ở Kiến Hưng đã được giao dịch lại trong năm nay nên các bạn mua yên tâm là thủ tục sang tên rất chuẩn, còn chi phí sang tên thì đã có mức chung”.

Theo Quyết định 34 (ngày 16/8/2010) của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thì: Chỉ được phép thực hiện các giao dịch nhà ở thu nhập thấp sau khi trả hết tiền cho chủ đầu tư và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, nhưng phải đảm bảo thời gian tối thiểu là 10 năm kể từ thời điểm ký hợp đồng mua bán nhà.

Như vậy, việc các căn hộ thu nhập thấo của dự án Kiến Hưng bị rao bán là trái pháp luật. Người mua cần phải tỉnh táo và cẩn trọng, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.

Hà Nội bồi thường giá đất theo thị trường

Bắt đầu từ ngày 28/7, Hà Nội thực hiện việc bồi thường giá đất theo thị trường. Theo đó, trường hợp giá đất ở do Uỷ ban nhân dân Thành phố quy định tại thời điểm sau thông báo thu hồi đất chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi thu hồi đất tổ chức điều tra, khảo sát giá đất trên địa bàn, đề xuất điều chỉnh giá đất ở làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, báo cáo Sở Tài chính chủ trì cùng Liên ngành thẩm định theo quy định, trình Uỷ ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

Tương tự, để xác định giá đất ở làm căn cứ thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, Thành phố quy định, giá thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư được xác định cùng thời điểm và thống nhất với nguyên tắc và phương pháp định giá đất ở làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất được Uỷ ban nhân dân Thành phố phê duyệt cho từng dự án cụ thể (đối với trường hợp có điều chỉnh so với bảng giá đất hàng năm) cùng với việc phê duyệt giá đất ở làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất.

DiaOcOnline.vn - Theo VTC