Nhiều dự án bất động sản quy mô lớn tại Nhơn Trạch (Đồng Nai) đang lần chần theo dõi tiến độ dự án cầu – đường Nhơn Trạch để bật lên.
Dự án cầu – đường Nhơn Trạch, nối từ thành phố mới Nhơn Trạch (Đồng Nai) sang Quận 9, (TP.HCM) do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ nghiên cứu, đầu tư vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, tìm phương án huy động vốn.
Ngay cả dự án đường Vành đai 3 – dự án thành phần TP.HCM kết nối giữa tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, khu vực Nhơn Trạch và nút giao thông đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương cũng chưa vào giai đoạn thực hiện.
Như vậy, trung tâm hành chíùnh huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho tới thời điểm này vẫn chưa được kết nối với khu vực TP.HCM một cách thuận tiện. Hơn thế, thị trường bất động sản đang phát đi những tín hiệu bất lợi khiến nhiều dự án tại khu vực này, đặc biệt là các dự án quy mô lớn, lấn cấn về tiến độ.
Theo ông Nguyễn Hữu Thành, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Nhơn Trạch, trên địa bàn huyện có khoảng 82 dự án phát triển khu dân cư và 10 dự án thuộc lĩnh vực nghỉ dưỡng – du lịch sinh thái. “Những dự án đang triển khai, dù vẫn được tiếp tục nhưng tốc độ chậm, nguyên nhân là do các yếu tố đầu vào lẫn đầu ra của thị trường bất động sản không tốt cũng như hạ tầng kết nối chưa hoàn thiện”, ông Thành nhận định.
Trong số các dự án quy mô lớn, ngoài dự án Khu đô thị du lịch – sinh thái Hoa Sen Đại Phước (Đại Phước Lotus) do Công ty cổ phần Vina Đại Phước (liên doanh giữa Tập đoàn VinaCapital và Công ty Đầu tư phát triển – Xây dựng, D.I.C Group) đầu tư đã chào bán ra thị trường, nhiều dự án có quy mô khác vẫn trong giai đoạn chuẩn bị.
Điển hình là Dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn có vốn đầu tư trên 6 tỷ USD, diện tích trên 900 ha, do Công ty cổ phần đầu tư Nhơn Trạch (liên doanh giữa Công ty TNHH một thành viên Tín Nghĩa và Công ty Cao su công nghiệp Đồng Nai) làm chủ đầu tư. Theo rà soát của Phòng Quản lý đô thị huyện Nhơn Trạch, Dự án Khu đô thị mới Đông Sài Gòn được UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2006 và đến năm 2007 có chủ trương chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, do đây là dự án nhóm A. Nằm trên địa bàn 3 xã Phú Thạnh, Long Tân và Vĩnh Thanh, Dự án có vị trí khá thuận lợi, bởi nằm gần vị trí cầu đường Nhơn Trạch và các mặt dự án giáp với những trục đường chính, như liên tỉnh lộ 25B, đường 25C…
Ông Nguyễn Hữu Thành cho biết, xét về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, Dự án này có phần thuận lợi hơn dự án Khu dân cư Long Tân – Phú Hội (55 ha) do Công ty cổ phần Taewang Vina Industrial làm chủ đầu tư (được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào tháng 10/2007, đến nay vẫn còn trong giai đoạn giải phóng mặt bằng). Vì, phần đất thuộc Dự án đa phần là diện tích đất trồng cây cao su của cổ đông tham gia phát triển dự án (thuộc Công ty Cao su công nghiệp Đồng Nai). Tuy nhiên, sau lễ động thổ hồi tháng 8/2009, đến nay, mới có một số trục đường chính được hoàn thành và hiện nhà mẫu đang được tiến hành xây dựng.
Tình hình còn im ắng hơn với Dự án Trung tâm Thành phố mới Nhơn Trạch (do Công ty TNHH Berjaya Leisure, thuộc Tập đoàn Berjaya Corporation Berhad, Malaysia làm chủ đầu tư).
Với vốn đầu tư dự kiến trên 2 tỷ USD, quy mô 600 ha, nằm trải dài trên 3 xã Long Tân, Vĩnh Thanh, Phước An, đây được xem là dự án trọng điểm, có tác động đến sự thay đổi diện mạo của huyện Nhơn Trạch. Cuối năm 2009, Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và trở thành dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của tỉnh Đồng Nai.
Ông Thành cho biết, tiến độ dự án trong năm 2010 có phần chậm lại do chủ đầu tư thay đổi khá nhiều về quy hoạch và thiết kế…
Về phía chủ đầu tư, ông Phương Anh Phát, Giám đốc Phát triển dự án Công ty TNHH Berjaya Việt Nam thông tin, hiện Berjaya đã cơ bản hoàn thành quy hoạch 1/2000 Dự án Trung tâm Thành phố mới Nhơn Trạch. Cách đây vài tháng, Hội đồng đền bù của Dự án đã được thành lập, đồng thời ký kết với đơn vị đo đạc. Ông Phát cho hay, dự kiến vào cuối tháng 6 này, chủ đầu tư sẽ hoàn tất công tác kiểm kê.
Đứng ở vai trò quản lý chung, ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Berjaya Việt Nam khẳng định: “Đa phần dự án của chúng tôi tiến triển chậm, đây là thực tế phải chấp nhận vì đầu ra bị tắc, nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục xây lên thì chẳng khác nào…tự vẫn”. Ông Nam cũng nói thêm, dù thị trường bất động sản Việt Nam đang trong “cơn hạn”, nhưng Berjaya cam kết sẽ không rút khỏi thị trường Việt Nam.
Theo ông Nam, chiến lược của Tập đoàn Berjaya trong năm nay là không đầu tư thêm các dự án bất động sản mới tại thị trường Việt Nam, tập trung phát triển các dự án tập đoàn đang sở hữu, còn tốc độ triển khai dự án phụ thuộc khá nhiều vào thị trường.
Đặc biệt, ông Nam cũng đã nhắc tới giải pháp có thể bán lại cổ phần (hoặc dự án) mà Tập đoàn đang nắm giữ để tái đầu tư tại Việt Nam. Hiện tại, Berjaya đang nắm giữ cổ phần chi phối tại Khách sạn Sheraton Hà Nội, Khách sạn InterContinental (Hà Nội) và Khu nghỉ dưỡng Long Beach Ancient (Phú Quốc – Kiên Giang)
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: