Nếu không công khai cụ thể thông tin liên quan đến các dự án thì bất động sản dễ dội hàng khi căn hộ được tung ra bán ồ ạt
Từ đầu năm 2015 đến nay, nguồn cung bất động sản (BĐS) liên tục được tung ra với con số tăng mạnh nhất kể từ năm 2011. Thực tế này được Bộ Xây dựng nhận định thị trường BĐS có nhiều tín hiệu khả quan, niềm tin của người mua đã trở lại.
Cung ồ ạt
Báo cáo của Công ty Savills Việt Nam cho thấy trong quý I/2015, chỉ riêng tại TP HCM đã có 6.600 căn hộ được chủ đầu tư công bố bán, tăng 40% theo quý và 137% theo năm. Số lượng căn hộ bán được khoảng 4.200 căn, là lượng giao dịch cao nhất kể từ quý IV/2010 đến nay. Nhiều dự án sau thời gian “ngủ đông” đã “sống lại”. Trên thị trường, cứ 1-2 tuần là có dự án căn hộ công bố bán.
Nhiều dự án căn hộ đã và đang được triển khai xây dựng trên địa bàn quận 2, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Tại Hà Nội, thị trường cũng “nóng” không kém khi tổng nguồn cung căn hộ được ghi nhận với con số “khủng”: khoảng 114.600 căn từ 189 dự án được tung ra thị trường và 80 dự án đang tiếp tục mở bán. Chỉ riêng trong quý I này, Hà Nội có 21 dự án mới và 5 dự án hiện hữu gia nhập thị trường, cung cấp khoảng 7.700 căn hộ, cao hơn tổng số của cả năm 2014.
Là lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) đưa ra thị trường nhiều dự án thuộc phân khúc trung và cao cấp, ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng Giám đốc Công ty Hưng Thịnh Land (thành viên Hưng Thịnh Corp.), cho rằng khi thị trường có nhiều sản phẩm tung ra bán, chủ đầu tư phải cạnh tranh để có giá tốt nhất, dịch vụ ưu đãi nhất nhằm thu hút người mua. “Chúng tôi tung sản phẩm ra nhưng chọn thời điểm, số lượng nguồn cung chứ không ồ ạt nhằm tránh dư thừa. Chỉ trong quý I, Hưng Thịnh Land đã bán ra gần 800 căn hộ ở 4 dự án” - ông Hiền cho biết.
Lo ngại là có cơ sở
Tuy vậy, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HOREA), cho rằng lo lắng về việc dư thừa nguồn cung căn hộ là có. Song, ông tin rằng qua thời gian gặp khó khăn, nay các nhà đầu tư, DN đã có “bài học kinh nghiệm” nên sẽ không triển khai ồ ạt. Ngoài ra, những dự án đã và đang triển khai đa số có sẵn từ trước, nay DN mua bán, chuyển nhượng và làm tiếp chứ ít có dự án mới hoàn toàn. Hơn nữa, nguồn cung thời gian tới sẽ ít đi vì chính sách giá đất mới áp dụng trong năm 2015, nếu làm dự án mới sẽ tốn nhiều chi phí nên buộc DN phải cân nhắc.
Theo TS Đỗ Thị Loan, Tổng Thư ký HOREA, lo ngại nguồn cung quá lớn là có thật nhưng tùy uy tín của chủ đầu tư, tùy vị trí dự án và tùy phân khúc mà thị trường hấp thụ tốt hay không. Bà Loan cho rằng thời gian qua, sản phẩm được tung ra với nhiều phân khúc khác nhau, trong đó phân khúc có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 và vay được gói 30.000 tỉ đồng thì không đáng lo. Điều quan trọng là cơ quan chức năng phải kiểm soát nguồn cung này để bảo đảm thị trường không “bội thực”.
“Chúng tôi đã kiến nghị Sở Xây dựng và các sở, ngành của TP HCM nên phối hợp công khai những nội dung liên quan đến dự án, quy hoạch, tiến độ… để DN biết, tránh bị dội hàng hoặc nhu cầu ảo” - bà Loan nói.
Điều bà Loan băn khoăn được các chuyên gia BĐS chứng minh thực tế, nhiều dự án khi vừa công bố bán đã có người đặt mua hết nhưng đó chỉ là những sàn giao dịch đăng ký, giữ chỗ, sau đó họ bán lại cho người khác để hưởng chênh lệch nên dù chủ đầu tư báo hết hàng nhưng các sàn giao dịch vẫn liên tục chào mời khách.
Là đơn vị phân phối dự án thuộc phân khúc trung bình, ông Đoàn Chí Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn (HASR), nhận định: “Hầu hết người mua nhà thời gian gần đây đều vay tiền ngân hàng do lãi suất thấp, có nhu cầu mua để ở, ít người mua đầu tư. Chính vì thế, nếu tập trung cho phân khúc này sẽ không lo dội hàng”.
Cần chính sách tài chính ổn định
Chuyên gia tài chính, BĐS - TS Nguyễn Trí Hiếu - cho rằng lượng căn hộ tung ra thị trường thời gian qua tăng mạnh nhưng so với số người chưa sở hữu nhà thì không đáng lo. Điều quan trọng là để người có nhu cầu thực tiếp cận được số căn hộ này đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài chính và nhà ở.
“Cái dở của thị trường vốn Việt Nam là còn èo uột, không có thị trường vốn dài hạn để các ngân hàng dựa vào đó cho vay trong thời gian dài. Ngoài ra, điều quan trọng là các chính sách về nhà ở, tín dụng BĐS phải thống nhất chứ không để tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” khiến người vay khó tiếp cận, cụ thể là gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng” - TS Hiếu chỉ ra.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: