Top

Bất động sản Hà Nội: “Sóng” phía Tây... mắc cạn

Cập nhật 18/12/2009 11:45

Giá của nhiều dự án bất động sản ngoại thành đã bị giới đầu cơ đẩy lên cao hơn nhiều so với giá trong nội thành.

Thị trường bất động sản Hà Nội cuối năm đang đi ngược với kỳ vọng của các chủ dự án, giới đầu tư lẫn khách hàng trong lĩnh vực này.

Đó chính là mong muốn bán được nhiều hàng của chủ đầu tư, mua được một căn nhà để kịp đón mừng năm mới của người dân. Thế nhưng, thực tế đã không được như họ kỳ vọng khi thị trường cuối năm lại rơi vào cảnh cả người bán lẫn người mua đều dè dặt, thận trọng.

Ảm đạm cuối năm

Có thể nói, sau một đợt “sốt ảo” vào tháng 10, 11 vừa qua, thị trường bất động sản tại các dự án ở phía Tây Hà Nội như Nam Cường - Dương Nội, An Khánh, Splendora, Tân Tây Đô... đang rơi vào trạng thái ảm đạm nhất từ đầu năm trở lại đây.

Đi đầu trong đợt giảm giá lần này vẫn là phân khúc nhà chung cư tại các khu vực trên. Hầu hết giá căn hộ chung cư tại đây đã được các trung tâm nhà đất, giới đầu tư rao bán ngang bằng với giá gốc do chủ đầu tư công bố. Cá biệt, có một vài dự án hoặc căn hộ “đặc biệt” mới có chênh nhưng cũng không đáng kể.

Theo khảo sát của VnEconomy, trong tháng trước, nếu muốn đăng ký một căn hộ chung cư tại Dương Nội, khách hàng phải chi ít nhất từ 100 - 200 triệu đồng tiền chênh lệch cho môi giới.

Thế nhưng, chỉ ngay sau khi các chủ đầu tư tại đây yêu cầu nộp đủ 30% giá trị nhà (tương đương khoảng gần 1 đến 2 tỷ đồng, tùy căn hộ) thì ngay lập tức giới đầu cơ đã “bỏ của chạy lấy người”.

Ông Hoàng Mạnh Dương, Trưởng phòng Môi giới bất động sản - Công ty Xây dựng Quang Minh cho biết, hiện công ty này đã phải “bỏ cọc” hơn 20 suất tại dự án Dương Nội chỉ vì không có tiền đóng tiếp.

“Thà chấp nhận mất 1 -2 trăm triệu đồng còn hơn là phải rót thêm vào đó hàng chục tỷ đồng nhưng cũng chưa biết là có lãi hay không”, ông Dương chia sẻ.

Ông Dương cũng cho biết, giá chênh của phân khúc căn hộ cao cấp tại khu vực phía Tây vốn giữ kỷ lục về mức chênh từ trước đến nay, thì giờ cũng đang giảm mạnh. Tiêu biểu như dự án Mulberry Lane (Hà Đông) giảm từ 30 - 50 USD/m2, MegaLand cũng giảm 30 -40 USD/m2, Usilk-City giảm 50-70 USD/m2.

Đặc biệt, mức chênh tại dự án Splendora trong tháng trước từ 2 -3 tỷ đồng/căn nay cũng chỉ tính bằng trăm triệu.

Trong khi đó, trao đổi với VnEconomy, ông Đào Đình Thi, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Viglacera cho biết, giao dịch tại sàn của doanh nghiệp này cả tháng nay cũng chỉ ... đếm trên đầu ngón tay.

Theo ông Thi, nguyên nhân đẩy thị trường rơi vào cảnh trầm lắng như hiện nay có nguồn gốc từ chính giới đầu cơ.

Chính “đội ngũ” này đã đẩy giá tại nhiều dự án tăng quá cao, tạo ra “sốt ảo”, trong đó nổi lên là tại dự án Indochina Plaza, Nam Cường... và đặc biệt là mảng căn hộ cao cấp.

Thế nhưng, cũng may thay, khi các chủ đầu tư yêu cầu nộp tiền theo tiến độ dự án thì “hội chứng lướt sóng” cũng lộ ra và ngay lập tức “mắc cạn” và tự thoái trào.

Nhưng, cũng có thể thấy, dù tồn tại không lâu nhưng chính việc “làm trò” của trung gian, môi giới đã ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu của những người có nhu cầu thực về nhà, đất.

Cũng theo ông Thi, ngoài yếu tố đầu cơ, việc trầm lắng của thị trường nhà đất hiện nay cũng có nguyên nhân từ thị trường tiên tệ: giá vàng lúc tăng, giảm chóng mặt, chứng khoán giảm, tín dụng ngân hàng hết hạn mức vào cuối năm.

Chính vì vậy, theo ông, khả năng đóng băng của thị trường trong những tháng cuối năm là có thể xảy ra, song vị này cũng hy vọng thị trường cũng chỉ “lạnh” từ nay đến hết Tết Nguyên đán.

Phía Đông hưởng lợi?


Có thể nói, trong vòng 2 -3 năm trở lại đây, thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội luôn giữ thế “thượng phong” so với tất các các khu vực còn lại của thành phố (ngay cả khi dự án thành phố bên Sông Hồng được thành phố thông qua).

Thế nhưng, cũng vì thu hút quá nhiều dự án, cộng với việc “làm mưa làm gió” của giới đầu cơ nên khi mà thời gian được kỳ vọng nhất của chủ đầu tư lẫn khách hàng đang cận kề thì cũng là lúc hoạt động mua bán trên thị trường tại đây lại rơi vào cảnh... “án binh bất động”.

Cũng vì giá tại nhiều dự án phía Tây bị đẩy lên quá cao nên nhiều khách hàng đã phải quay sang các khu vực khác, trong đó các khu vực như Gia Lâm, Đông Anh được chú ý hơn cả.

Tuy nhiên, vì số dự án tại những khu vực này không nhiều nên cũng không có nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Những dự án như Khu đô thị Việt Hưng, Đặng Xá, Sài Đồng, Thạch Bàn Garden City... đang là tâm điểm thu hút khách hàng lẫn giới đầu cơ.

Đặc biệt, đối với dự án Thạch Bàn Garden City, dù hôm nay (18/12) chủ đầu tư mới chính thức công bố bán nhà thuộc khu chung cư Canal Park, nhưng từ hôm qua, hàng trăm người đã đổ xô tới đây để tìm hiểu, đăng ký.

Không chỉ có nhà dự án, đất đơn lẻ tại khu vực này cũng đang được hưởng lợi từ việc “sốt ảo” của phía Tây trong tháng trước.

Ông Vũ Đình Khang, Giám đốc Trung tâm Nhà đất Hùng Khang (Long Biên) cho biết, từ nửa tháng nay, số lượng người đổ về các khu vực phía bắc Sông Hồng tìm hiểu đất, giá đất lại tăng đáng kể.

Tuy nhiên, theo ông, phần lớn những người tìm đến đây vẫn chỉ là dò hỏi, tìm hiểu tình hình,còn giao dịch thành công vẫn không có gì đột biến. Vị này cho biết, dù giá đất tại khu vực này được cho là khá rẻ so với nhiều khu vực khác của thành phố nhưng tỷ lệ giao dịch thành công từ đầu năm trở lại đây vẫn thưa thớt.

Thế nhưng, cũng vì lượng người tìm đến tăng lên nên chỉ trong vòng một tháng nay, hầu hết các hộ gia đình có nhà, đất tại đây đều đồng loạt tăng giá hoặc không bán. Trung bình, mỗi mảnh đất tại đây cũng đã tăng từ 100 - 150 triệu đồng so với tháng trước.

Theo ông Khang, chính điều này đã vô tình đưa đến một thực tế là cả người bán và người mua có nhu cầu thực vẫn chưa thể gặp nhau vào thời điểm được kỳ vọng nhất, bởi ai cũng không muốn mình bị “hớ” khi mua bán một mảnh đất, căn nhà.


DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy