Top

Bất động sản Hà Nội phập phồng chờ quy hoạch chung

Cập nhật 22/11/2010 10:10

Cho đến thời điểm này, dự thảo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội dù đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng những đề xuất mới trong bản quy hoạch... đã khiến thị trường nhà đất khu vực này nóng bỏng hơn bao giờ hết.

Theo nhận định của các chuyên gia về bất động sản, chỉ một thời gian ngắn nữa, khi hạ tầng cơ sở khu vực phía đông Hà Nội được hoàn thiện và nên vóc dáng thì cả đông và tây sẽ tạo cho thủ đô một diện mạo mới - thành phố hai bên sông sầm uất trong tương lai.


Thị trường bất động sản kém sôi động vì ngóng chờ thông tin quy hoạch chung. Ảnh: TTXVN
 
"Sóng" ở phía tây

Hiện các dự án đất nền nhà biệt thự, nhà liền kề tại khu vực phía tây Hà Nội, đặc biệt là trục đại lộ Thăng Long (đường Láng - Hoà Lạc cũ) và khu vực Mỹ Đình - Mễ Trì được rao bán ở mức cao. Giá chào phổ biến trung bình trên thị trường thứ cấp có thời điểm đã lên tới mức kỷ lục 200-250 triệu đồng/m2.

So sánh với mức giá chào được ghi nhận cao nhất trên thị trường biệt thự và nhà liền kề tại quận Cầu Giấy trong quý III/2010: Biệt thự 7.700USD/m2; nhà liền kề khoảng 7.500USD/m2 (tương đương khoảng trên 150 triệu đồng/m2) đủ thấy sức “nóng” của thị trường.

Hiện tại khu vực này, các giao dịch mua căn hộ cũng khá sôi động. Điển hình là dự án khu đô thị phức hợp Indochina Plaza Hanoi (IPH) - với vị trí đón đầu cửa ngõ phía tây Hà Nội, trên ngã tư đường Xuân Thủy cắt đường Phạm Văn Đồng và đường Phạm Hùng. Hiện tòa tháp phía tây IPH đã có tới 90% số căn hộ đã có chủ.

Tòa tháp phía đông dự kiến sẽ được mở bán vào cuối năm nay với giá bán (ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư) từ khoảng 51- 52 triệu đồng/m2 trở lên, tuỳ thuộc vị trí. Chị Nguyễn Kiều Liên - một khách hàng mua căn hộ tại toà tháp phía tây - cho biết: “Gia đình tôi mua căn hộ để ở, nên nhắm đến những khu vực có hạ tầng xã hội hoàn thiện. Khi quy hoạch Hà Nội được duyệt trong nay mai, nơi đây sẽ trở thành trung tâm phát triển bậc nhất của thành phố”.

Với lợi thế được quy hoạch là trung tâm hành chính mới của thủ đô và sở hữu một hệ thống hạ tầng giao thông được phát triển mới, hai quận Cầu Giấy và Từ Liêm là nơi được phần lớn các chủ đầu tư lựa chọn để xây dựng các dự án căn hộ cao cấp, chiếm 90% tổng nguồn cung căn hộ cao cấp trên thị trường sơ cấp.

Ngoài IPH, nhiều dự án bất động sản tại đây sẽ đưa ra thị trường nguồn cung căn hộ dồi dào như dự án Keangnam Lanmark Tower đường Phạm Hùng (Cầu Giấy) có giá từ 60 triệu đồng/m2; dự án Habico Tower tại Cổ Nhuế (Từ Liêm) có mức giá chào bán từ 133 triệu đồng/m2... Mới đây, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội dài 12,5km, đoạn Nhổn – ga Hà Nội chính thức được khởi công vào cuối tháng 9.

Tuyến đường xuất phát từ Nhổn đi theo quốc lộ 32, qua Hồ Tùng Mậu - Xuân Thuỷ - Cầu Giấy - Kim Mã - Núi Trúc - Giảng Võ - Quốc Tử Giám - ga Hà Nội này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015. Ông Matthew Powell - GĐ Chi nhánh Hà Nội thuộc Cty tư vấn BĐS Savills Việt Nam - nhận định, khu vực phía tây Hà Nội đang hội tụ các yếu tố cần và đủ để xây dựng, phát triển và duy trì một trung tâm Hà Nội mới, có tốc độ phát triển nhanh chóng.

Phía đông tiềm năng


Hạ tầng phía đông đang đánh thức tiềm năng bất động sản Hà Nội. Ảnh: C.T.V

Tuy không sôi động và náo nhiệt như phía tây, nhưng BĐS phía đông được đánh giá là còn dư địa cho nhiều nhà đầu tư. Trong thời gian vừa qua, nhiều dự án của các tên tuổi lớn đã có mặt ở khu vực này, điển hình là dự án KĐT sinh thái Ecopark rộng gần 500ha đang được Cty CP đầu tư phát triển đô thị Việt Hưng triển khai. Tiếp đến là dự án Hanoi Garden City tọa lạc tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, do Tập đoàn Berjaya, Malaysia và Cty Handico12 triển khai.

Dự án KĐT mới Sài Đồng có diện tích gần 42,2ha; KĐT mới Việt Hưng 302,5ha; KĐT mới Đặng Xá (giai đoạn I) 30,6ha... Mới đây nhất, chủ đầu tư Tập đoàn Vincom cũng triển khai dự án 191ha ở Thạch Bàn, Gia Lâm, HN... Nếu như trước đây, các nhà đầu tư còn dè dặt với khu vực phía đông, do hạ tầng kỹ thuật kém, xa trung tâm và tâm lý ngại “qua cầu”, thì nay tâm lý này đã dần được giải tỏa. Hạ tầng giao thông phía đông đang phát triển nhanh chóng, nhất là từ khi cầu Thanh Trì và cầu Vĩnh Tuy đi vào hoạt động.

Đặc biệt, với việc thông xe cầu Vĩnh Tuy, tuyến đường này kết hợp với quốc lộ 5A, 5B, 1A, 1B, đường vành đai 3... đang tạo ra tuyến giao thông thông suốt giữa hai bờ sông Hồng và biến khu vực phía đông Hà Nội trở thành một khu phát triển đầy sôi động.

Tuyến đường trên đường vành đai 3 với lộ trình khép kín Thăng Long Nội Bài - cầu Thăng Long - Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Pháp Vân - cầu Thanh Trì, không chỉ là tuyến đường cao tốc đô thị hiện đại mà còn là tuyến đường “2 tầng” đầu tiên ở Việt Nam.

Sau khi thông xe cầu vượt Pháp Vân và đường vành đai 3 giai đoạn 1, sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Mỹ Đình lên cầu Thanh Trì chỉ còn 10 phút xe chạy, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, liên kết giao thông giữa các chùm đô thị phía đông và phía tây thủ đô.

Tuy không có thế mạnh nhờ “quy hoạch hành chính” như khu vực phía tây, nhưng phía đông lại sở hữu ưu điểm về tiềm năng phát triển, điều kiện tự nhiên và cảnh quan. Chính bởi vậy, hiện tại ở khu vực phía đông đang tạo nên một trào lưu xây dựng các dự án theo mô hình sinh thái, chú trọng vào đầu tư vào cảnh quan và phát triển thương mại và du lịch.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động