Top

Bất động sản giảm “mây đen”

Cập nhật 03/12/2013 09:39

Có thể thấy rõ điều đó từ báo cáo tài chính quý 3 của hầu hết các công ty bất động sản (BĐS) niêm yết trên sàn chứng khoán.


Gánh nặng

Thống kê trên 2 sàn chứng khoán từ 33 công ty lớn chuyên kinh doanh và có “dính líu” đến BĐS, cho thấy, hàng tồn kho là 87.372 tỷ đồng, chỉ tăng hơn 634 tỷ đồng so với đầu năm. Đặc biệt về tổng số nợ, con số mới nhất của 3 quý là 144.271 tỷ đồng, giảm hơn 6.121 tỷ đồng so với đầu năm.

Làm ăn thua lỗ chỉ còn 4 doanh nghiệp là Công ty cổ phần thép Pomina (POM), Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX) và Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và Đô thị dầu khí (PTL). Nếu như lỗ của POM là do “phải gánh khấu hao cao từ việc đưa nhà máy mới đi vào hoạt động” thì câu chuyện của KBC là đầy “tâm tư”. Lỗ từ năm ngoái (439 tỷ đồng) kéo sang năm nay nhưng chưa có tín hiệu sáng sủa.

Đầu tư ngoài ngành nếm phải “quả lỗ”, chính là hai công ty “mẹ - con” họ dầu khí, khiến bức tranh BĐS thêm u ám. Đến nay PVX đội sổ về lỗ trên cả hai sàn chứng khoán, từ năm ngoái sang năm nay, lỗ lũy kế 9 tháng của PVX lên mức 1.776 tỷ đồng! Theo giải thích của ông Bùi Ngọc Hưng, Phó Tổng giám đốc PVX, nguyên nhân lỗ có phần liên quan đến BĐS, một số đơn vị thành viên hoạt động kinh doanh BĐS gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, cũng như huy động và thu hồi vốn để thực hiện dự án, trong khi vẫn phải chi phí để duy trì hoạt động. Nhưng đó là “mẹ”, còn “con” là PTL vừa lỗ vừa mang tai tiếng với khách hàng, vì không giao nhà đúng cam kết. Theo đó, PVX chiếm 36,43% cổ phần tại PTL, 9 tháng “con” lỗ 66 tỷ đồng, đang thuộc diện cảnh báo do năm ngoái cũng lỗ.

Thoát hiểm

Một điều đáng chú ý là một số doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn bằng nhiều giải pháp quyết liệt. Tái cấu trúc, mạnh dạn giải phóng những lĩnh vực không còn sinh lợi cũng là một giải pháp hữu hiệu. Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG) vào ngày 24-10 đã ký hợp đồng bán 70% vốn cổ phần tại Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả cho hai đối tác là Tập đoàn Viễn thông quân đội và Công ty TNHH nhà nước MTV Thương mại và xuất nhập khẩu Viettel. Việc thực hiện sẽ hoàn tất vào quý 4 năm nay. Cổ đông của VCG có thể thở phào nhẹ nhõm, vì cắt đi “cục nợ” đeo dai dẳng từ năm 2009! VCG đầu tư 1990 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 99,6% vào Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả, nhưng sau 4 năm hoạt động đã lỗ lên 1.575 tỷ đồng, gần như cụt vốn.

Tái cấu trúc cũng là giải pháp mà Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) chọn để giảm nợ. Rút khỏi BĐS trong nước đã giúp HAG bán sỉ rất nhiều sản phẩm BĐS, việc bán thủy điện, nhà máy gỗ đá cũng vậy. Doanh thu quý 3 tăng mạnh cũng từ đóng góp của việc tái cấu trúc: chuyển nhượng cổ phần Công ty gỗ HAG, Công ty TNHH Minh Thành đã đem lại doanh thu 208 tỷ đồng. Giãn nợ là giải pháp mà Công ty Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) đã áp dụng. Chẳng hạn khoản vay trung dài hạn 164 tỷ đồng từ BIDV cho dự án Sơn Tịnh đến hạn 2013, đã được cơ cấu lại đến 2018! Cứ như thế, các khoản nợ trái phiếu và tín dụng 1.000 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Tài chính Điện lực, Chứng khoán Bảo Việt... đều được gia hạn, giãn nợ từ 1 đến 5 năm. Nhờ cách này mà NBB tạm thở phào chuyện nợ nần trước mắt.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng