Trong bối cảnh sớm nhất cũng phải đến giữa năm 2013, thị trường bất động sản mới bắt đầu có chuyển biến, thì may ra, người bạn đồng hành của nó là thị trường chứng khoán mới có thể làm được một điều gì đó nhằm thúc đẩy mọi chuyện diễn ra nhanh hơn.
Mặt nước lăn tăn
Đầu năm mới, chẳng ai muốn nhắc lại chuyện cũ, nhất là câu chuyện của một năm “chẳng ra làm sao” với gần một nửa doanh nghiệp bất động sản âm lãi, thị trường vẫn hoàn toàn bế tắc chưa có đầu ra…
Một tâm trạng vượt trên hoàn nghi vẫn phủ trùm lên thị trường vào đầu năm Quý Tỵ. Nghi ngờ đó là có cơ sở, bởi từ khi nghị quyết 02 của Chính phủ về cứu vãn thị trường bất động sản được chính thức ban hành vào ngày 7/1/2013, cho đến nay vẫn chẳng thấy tăm hơi chuyển biến nào từ các phân khúc chính yếu. Có chăng chỉ là một vài thông tin rải rác về chuyện những chủ đầu tư này nọ tiêu thụ được hàng, thay vì phải đóng cửa nghỉ tết sớm như năm ngoái. Trước tết âm lịch 2013, sự kiện duy nhất khuấy động thị trường lại là việc hai doanh nghiệp Đất Xanh và Hoàng Quân công bố thông tin về các dự án căn hộ mà họ thu gom được vào thời gian trước đó. 4 dự án do Đất Xanh và 2 dự án bởi Hoàng Quân, tuy không phải nhiều nhặn gì, nhưng cũng làm cho giới chủ doanh nghiệp bất động sản đang “giãy chết” có một chút nào đó để bám víu.
Phải chăng làn sóng thâu tóm dự án báo hiệu cho một biến chuyển sắp tới của thị trường? Thật ra, dự báo này mang tính cảm giác thì đúng hơn, bởi vào đầu năm 2012 cũng đã từng diễn ra cảnh tương thông tin khá ồ ạt về hàng loạt dự án thay chủ. Nhưng sau đó đâu vẫn hoàn đấy. Khác hơn thời kỳ đầu năm 2012, một năm sau đó, một số chủ đầu tư bế tắc phải thanh lý dự án căn hộ trung cấp và cao cấp còn tỏ ra quyết đoán hơn nhiều. Nếu vào năm ngoái, họ chỉ mới ngập ngừng giảm giá bán sỉ dự án căn hộ khoảng 30%, nhiều nhất là 40%, thì đến thời điểm trước tết âm lịch 2013, nghe nói có những dự án đã được “phát mãi” với quyết tâm sắt đá: bán với bất kỳ giá nào, thậm chí có thể giảm đến 50-60% so với “giá gốc”.
Điều kỳ cục trên thị trường thâu tóm, sáp nhập cũng vì thế xảy đến với Hoàng Quân. Một vài thông tin cho biết rằng chỉ cách đây một năm, doanh nghiệp này còn phải tìm cách thoái vốn tại các doanh nghiệp khác cũng như bán tháo dự án của mình, nhưng nay chính Hoàng Quân lại đi thu gom dự án “giá đáy” của người khác. Liệu đã có một nguồn tiền bí ẩn nào đó rót cho Hoàng Quân, giúp doanh nghiệp này hồi sinh bất thình lình? Tất nhiên không thể loại trừ khả năng này, đặc biệt trong bối cảnh đang diễn ra một làn sóng đầu tư ngấm ngầm của các tập đoàn tài chính, bất động sản châu Á vào các quốc gia có mặt bằng giá nhà đất còn khá mềm như Mianmar, Việt Nam. Và cũng chẳng phải vô tình mà vẫn có những tập đoàn lớn của Malaysia, Nhật Bản bám trụ tại thị trường căn hộ cao cấp, thay cho hành động chẻ nhỏ căn hộ như một số doanh nghiệp trong nước.
Ảnh minh họa
|
Nhìn về người Mỹ
Bằng vào tất cả những gì mà thị trường bất động sản Việt Nam đã biểu hiện qua hơn một năm qua, có thể thẳng thừng kết luận là rất khó hy vọng trông đợi ở “nội lực” của nó. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam chậm lụt trong suy thoái, độ trễ pha của thị trường nhà đất trong nước so với thị trường nhà ở Mỹ cũng đã diễn ra cả năm qua.
Nhìn về phía bên kia bờ Thái Bình Dương, ngành bất động sản của nước Mỹ đã tiếp nhận một cách chắc chắn những thông tin phục hồi. S&P/Case-Shiller là chỉ số giá nhà đất của thị trường Mỹ, được xây dựng từ lâu và dựa trên nền tảng của các nghiên cứu khoa học thực thụ. Từ năm 2007 đến nay, chỉ số S&P/Case-Shiller của Mỹ đã giảm khoảng 25-30%, Phải mất hơn 6 năm kể từ khi khủng hoảng cũng như phải mất hơn 4 năm kể từ khi các chính sách “giải cứu” được áp dụng rộng rãi, thị trường này mới tăng trưởng trở lại. Bất chấp số nhà ở bị niêm phong và đưa vào diện phải phát mãi là “khủng khiếp” trong năm 2008, chính sách tài chính hơn 900 tỷ USD của chính phủ Mỹ đã bắt đầu tỏ ra hiệu nghiệm.
Từ cuối năm 2011, cùng với việc nền kinh tế Mỹ tiếp nhận những kết quả bắt đầu khả quan, số lượng nhà phát mãi của Mỹ cũng bắt đầu xuất hiện tín hiệu giảm, trong khi số nhà khởi công mới dần tăng lên. Đà tăng răng cưa này đã diễn biến lặng lẽ trong suốt năm 2012, để đến cuối năm ngoái, giới phân tích Mỹ đã chính thức xác nhận rằng thị trường nhà ở quốc gia này đã chính thức “thoát suy thoái”. Thậm chí tại một số bang như California, San Francisco…, giá nhà ở còn tăng được từ 7-10%. Tình trạng trì trệ lui dần.
“Độ trễ” hay chứng khoán?
Những chính sách tín dụng hợp lý và không quá thiên vị nhóm lợi ích của chính phủ Mỹ rõ ràng đã có tác dụng phục hồi thị trường. Trong khi đó, ở Việt Nam lại xảy ra một tình thế tai quái và quá khó xử khi nhiều ngân hàng thương mại vừa đá bóng vừa thổi còi, để kết quả là việc chính họ trở thành con nợ lẫn nhau.
Hai mươi ngày sau khi nghị quyết 02 cùa Chính phủ ra đời, Ngân hàng nhà nước mới ban hành chỉ thị đầu tiên về công tác tín dụng trong năm 2013. Nhưng thời điểm này lại đã quá cận tết và văn bản này, kể cả những nội dung chung chung của nó, không hề tạo ra được kỳ vọng nào cho giới doanh nghiệp.
Cũng sau khi nghị quyết 02 được phát hành, ngày càng nhiều doanh nghiệp bày tỏ thái độ bức xúc về “độ trễ” của bản nghị quyết này. Theo họ, lẽ ra những động thái dứt khoát cần được công bố từ sáu tháng đến một năm trước đó để cứu vãn tình hình, chứ không đẩy doanh nghiệp bất động sản và phần lớn trong khối ngân hàng thương mại vào tình trạng “bất khả chiến thắng” như hiện nay.
Từ logic trên, cho dù sau tết âm lịch được nối tiếp bằng kế hoạch giải cứu bất động sản của các bộ Tài chính và Xây dựng, xem ra tình hình vẫn chưa thể khởi sắc, và đến lúc đó các doanh nghiệp lại phải dài cổ mong ngóng về “độ trễ” tác dụng của những chính sách đó. Nếu “độ trễ” trên vận hành môt cách trơn tru, sớm nhất cũng phải đến giữa năm 2013, thị trường bất động sản mới bắt đầu có chuyển biến.
Còn ngay vào lúc này đây, bất động sản không thể tự quyết định được số phận của mình. May ra, người bạn đồng hành của nó là thị trường chứng khoán mới có thể làm được một điều gì đó nhằm thúc đẩy mọi chuyện diễn ra nhanh hơn.
Việt Thắng - DiaOcOnline.vn
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: