Top

Bất động sản có dấu hiệu hồi phục: Thận trọng!

Cập nhật 13/12/2013 14:35

Tại thời điểm này, nhiều người lạc quan cho rằng thị trường bất động sản (BĐS) đã ấm lại. Kể cả có người còn lo ngại bóng ma "bong bóng” BĐS sẽ quay lại. Tuy nhiên, không ít chuyên gia đã lên tiếng cảnh tỉnh: Hãy thận trọng!

Các dự án BĐS đã có nhiều khách hàng hơn

Chuyển động chậm
TS. QUÁCH MẠNH HÀO, Thành viên HĐQT Công ty Chứng khoán MB:

Nhìn nhận về nền kinh tế nói chung, tôi nghĩ rằng có lẽ phải từ 2 đến 3 năm nữa nền kinh tế mới thực sự bắt đầu một chu kì mới. Nếu giá BĐS có tăng trở lại theo nghĩa một xu hướng thì tôi nghĩ phải đợi 3 đến 5 năm nữa.

Do đó, thị trường BĐS chỉ có thể đi vào ổn định thay vì việc tạo nên những cơn sốt giá. Chúng ta có thể thấy hình ảnh tương tự cơn sốt trên thị trường chứng khoán giai đoạn 2006 - 2007 mà đến nay chưa sốt lại.

Những diễn biến gần đây của thị trường BĐS cho thấy BĐS đang "cựa mình” hồi sinh. Thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm này, con số tồn kho BĐS so với quý I-2013 đã giảm 28.000 tỷ đồng giá trị tồn kho (tương đương giảm 22%), hiện giá trị tồn kho còn khoảng 100.000 tỷ tồn kho (chưa kể tồn kho dự án dở dang).

Sự chuyển động này cho thấy tảng băng BĐS đang rã ra. Chỉ trong tháng 11 vừa qua, giao dịch căn hộ tại Royal City (Hà Nội) đạt con số 300 dường như đã chứng minh được nhận định nói trên là có cơ sở.

Trước đó, báo cáo trước Chính phủ tại cuộc họp thường kỳ tháng 11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định, thị trường BĐS tuy còn khó khăn, nhưng đã có những chuyển biến, kết quả tích cực.

Vẫn theo Bộ này, một trong những vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS là phải khắc phục được sự lệch pha cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa một cách hợp lý để các sản phẩm BĐS chủ yếu phải phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của đại đa số người mua. Và trên thực tế, để giải quyết khối lượng hàng tồn kho (chủ yếu tồn ở phân khúc nhà ở cao cấp) nhiều DN BĐS đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh bằng việc chuyển mạnh sang phát triển nhà ở  xã hội, hoặc chia nhỏ căn hộ, sử dụng vật liệu hoàn thiện trong nước để giảm giá thành, bán hạ giá để cắt lỗ... Như vậy, thị trường BĐS  thời gian qua đã hướng tới nhu cầu thực của phần đông người mua, cung cấp các hàng hóa phù hợp với khả năng thanh toán của thị trường.

Những động thái của thị trường BĐS cho thấy, thị trường đang ấm dần, dù chưa thể tạo thành sóng, cũng chưa thể tạo thành "sốt”. Song, những giao dịch trên thị trường này gần đây cũng được coi là BĐS đã qua thời kỳ đáy, và bắt đầu từng bước hồi phục.

Tuy nhiên, sự phục hồi này liệu có được ổn định, bền vững, hay chỉ trong một khoảnh khắc mong manh, để rồi lại rơi vào tình trạng "bong bóng”?

Bao giờ thực sự hồi phục?

Trước những diễn biến mang tính "rã đông” của thị trường BĐS gần đây, không ít chuyên gia lĩnh vực đã lên tiếng cảnh tỉnh: không ngoại trừ tình trạng khi hồi sinh, sóng trên thị trường này lại dâng lên và tạo lên những cơn sốt. Từ đó người ta lại đua nhau đầu tư, nạn đầu cơ lại xuất hiện, giá lại bị đẩy lên để rồi lại lặp lại câu chuyện cũ: "Bong bóng” vỡ! Thị trường tuột dốc.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, thị trường BĐS sau giai đoạn "bong bóng” bởi nạn đầu cơ đã rút ra nhiều bài học đắt giá. Gần đây đã đi đúng hướng. Tuy nhiên, ông Võ cũng chỉ khẳng định những dấu hiệu phục hồi thực sự hơn của thị trường  này cũng chỉ đến vào năm 2014.

Điều này cũng được TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) khẳng định, khi cho rằng, thị trường BĐS sẽ phục hồi rõ kể từ quý 3/2014. Theo ông Nghĩa, vào thời điểm đó nền kinh tế cũng sẽ có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ hơn, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng mạnh hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự phục hồi này có thực sự bền vững và liệu thị trường BĐS có thể phát triển ổn định hay không, không ít chuyên gia cho rằng, điều này còn phụ thuộc vào các nhà quản lý và những quyết tâm của họ trong việc "nói không với tham nhũng”. Nói như ông Đặng Hùng Võ, để tạo được một thị trường BĐS Việt Nam ổn định, bền vững, còn phụ thuộc rất nhiều vào việc phòng chống tham nhũng trong quản lý đất đai. Bởi theo ông Võ, giá BĐS đã từng bị đẩy lên quá cao, do phải chứa một phần giá trị bị tham nhũng. Do đó,  việc phục hồi và phát triển thị trường này còn phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm phòng chống tham nhũng của toàn xã hội.

DiaOcOnline.vn - Theo Đại đoàn kết