Ngoài các chính sách tài chính, tiền tệ đang được áp dụng, doanh nghiệp bất động sản (BĐS) trông đợi sự trợ giúp nữa từ phía Nhà nước thông qua sửa đổi, bổ sung Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Theo Luật thuế TNDN hiện hành, thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS) phải xác định riêng để kê khai nộp thuế. Doanh nghiệp có lỗ từ hoạt động chuyển nhượng BĐS chỉ được chuyển số lỗ vào thu nhập tính thuế của hoạt động này.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, do Luật thuế TNDN hiện hành không cho bù trừ giữa thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng BĐS nên khi thị trường BĐS đi xuống, nhiều trường hợp doanh nghiệp chuyển nhượng BĐS bị lỗ nhưng không xử lý được khoản lỗ khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn.
Để phản ánh đúng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời phù hợp với thực tiễn, Luật thuế TNDN sửa đổi dự kiến bổ sung quy định, thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng BĐS, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản (chuyển nhượng vốn) phải xác định riêng để kê khai nộp thuế, được bù trừ lãi, lỗ của các hoạt động này với nhau; trường hợp sau khi bù trừ mà vẫn còn lỗ thì số lỗ này được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất, kinh doanh trong kỳ tính thuế. Doanh nghiệp có lỗ từ chuyển nhượng vốn chỉ được chuyển số lỗ vào thu nhập tính thuế của các hoạt động này sau khi đã thực hiện bù trừ với hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Quy định này khắc phục được bất cập khi thị trường BĐS đi xuống, doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng không có cơ chế xử lý. Ngược lại, khi thị trường BĐS khởi sắc, doanh nghiệp có thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng BĐS, dự án đầu tư, quyền tham gia dự án đầu tư… thì vẫn thực hiện hạch toán riêng để kê khai nộp thuế và chỉ được bù trừ lãi lỗ trong phạm vi các loại thu nhập này với nhau trong kỳ tính thuế”, ông Phụng cho biết.
Thẩm tra nội dung này của Dự thảo Luật thuế TNDN sửa đổi sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tới đây, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, hiện trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách có 2 loại ý kiến: đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính và phản đối.
Ý kiến phản đối cho rằng, khó khăn của thị trường BĐS chỉ là tạm thời, trước mắt vì thế không nên luật hóa. Hơn nữa, việc bù trừ giữa hoạt động chuyển nhượng vốn với hoạt động sản xuất - kinh doanh khác của doanh nghiệp không phù hợp với quan điểm tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu doanh nghiệp nói riêng, không khuyến khích doanh nghiệp tập trung vào sản xuất, kinh doanh ngành nghề chính.
Tuy nhiên, dưới quan điểm cá nhân, không chỉ đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính, ông Hiển còn cho rằng, nếu chỉ cho phép bù trừ khi hoạt động chuyển nhượng vốn bị lỗ, trong trường hợp có lãi thì không được bù trừ, vẫn phải hạch toán riêng thu nhập từ chuyển nhượng vốn để nộp thuế là chưa hợp lý.
“Về nguyên tắc, thuế TNDN đánh vào thu nhập cuối cùng của doanh nghiệp, vì vậy không nên phân biệt khoản thu nhập đến từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hay thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Luật thuế TNDN cần quy định cho phép bù trừ với thu nhập từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ngay cả khi hoạt động chuyển nhượng vốn có lãi nhằm bảo đảm đơn giản, thuận tiện trong hạch toán, xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp”, ông Hiển nêu quan điểm.
Quan điểm của ông Hiển nhận được sự đồng tình của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Bởi theo bà Ngân, mặc dù việc xác định thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn (trong đó có chuyển nhượng BĐS) ở các nước trên thế giới rất khác nhau. Nhưng nhìn chung, các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Philippines… đều coi thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn là khoản thu nhập thông thường như các khoản thu nhập khác của doanh nghiệp vì vậy do đó thu nhập từ chuyển nhượng vốn không tách riêng để tính thuế.
“Để phù hợp với thuế TNDN của nhiều nước trên thế giới thì thuế phải đánh vào thu nhập cuối cùng của doanh nghiệp, không phân biệt chuyển nhượng vốn bị lỗ mới cho bù trừ với hoạt động sản xuất, kinh doanh khác, còn lãi thì phải tách riêng để tính thuế”, bà Ngân phát biểu.
Tổng giám đốc Vietinbank, ông Nguyễn Văn Thắng, cho rằng, đề xuất của Bộ Tài chính phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước tại thời điểm thực tế hiện nay và trong tương lai gần, khi hoạt động kinh doanh BĐS gặp khó khăn và giá BĐS tiếp tục xuống thấp.
Tuy nhiên, vẫn theo ông Thắng, cần phải cân nhắc khi luật hóa nội dung này bởi giá BĐS có thể biến động lên - xuống. Vì vậy, Luật thuế TNDN chỉ nên quy định về nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định chi tiết việc xác định thu nhập để tính thuế, bù trừ lãi, lỗ của hoạt động chuyển nhượng vốn để đảm bảo chính sách này phù hợp với thực tiễn đồng thời dễ dàng thay đổi khi tình hình kinh tế - xã hội có sự thay đổi.
Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, bà Nguyễn Thị Cúc mong muốn quy định cho phép doanh nghiệp được bù trừ lỗ - lãi giữa hoạt động chuyển nhượng vốn nói chung, chuyển nhượng BĐS với hoạt động sản xuất, kinh doanh khác sớm được triển khai để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung chứ không riêng gì doanh nghiệp kinh doanh BĐS.
Theo bà Cúc, không chỉ có doanh nghiệp kinh doanh BĐS gặp khó khăn do không được bù trừ lỗ lãi mà nhiều doanh nghiệp khác cũng gặp khó khăn vì chính sách này. Ví dụ, công ty kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn do thua lỗ buộc phải bán nhà hàng, khách sạn để trả nợ ngân hàng. Theo Luật thuế TNDN hiện hành thì phần lãi do bán nhà hàng, khách sạn (bao gồm cả chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất) phải nộp thuế TNDN 25 % đã dẫn đến sự bất hợp lý là doanh nghiệp lỗ vẫn phải nộp thuế TNDN.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: