Top

Sài Gòn “loạn” cốt nền

Bài 2: Lạc hậu chỉ sau 3 năm

Cập nhật 16/03/2010 15:40


Một khu cao ốc căn hộ tại Q.Gò Vấp được xây dựng đúng với cao độ chuẩn quốc gia - Ảnh: T.T.B
Một trong những điều bất ổn là chuyện cốt nền chuẩn của TP.HCM hiện đã lạc hậu chỉ sau 3 năm kể từ lúc công bố.

Thiếu dự báo về biến đổi khí hậu


Bà Phạm Thị Thanh Hải - Viện phó Viện Quy hoạch xây dựng (QHXD) thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - khẳng định: "Cốt xây dựng khống chế tại 3 quận Tân Bình, Tân Phú và quận 2 đã có từ năm 2006. Đến nay thì 24 quận huyện đều đã có cốt xây dựng khống chế" và "Nếu quận huyện nào không sử dụng thì đó là chuyện của họ".

Khi phóng viên đặt vấn đề: "Tại sao một số quận huyện phản ảnh rằng số đo cao độ trên bản đồ cốt xây dựng chuẩn do Viện QHXD phát hành có cách biệt khá xa so với số đo thực địa tại một số khu vực" thì bà Hải cho rằng, số đo được cập nhật vào bản đồ cốt xây dựng khống chế mà Viện phát hành năm 2006 căn cứ vào số đo trên bản đồ địa hình do Bộ Tài nguyên - Môi trường cung cấp năm 2004.

Đã có nhiều bài học về cốt nền và ngập nước

Ông Nguyễn Văn Đực - Giám đốc Công ty tư vấn xây dựng Tân, một kỹ sư chuyên về nền móng bức xúc: "Chúng ta có nhiều bài học về chuyện cốt nền và ngập nước, trong đó có 2 trường hợp tiêu biểu là cư xá Thanh Đa xây dựng trước năm 1975 và khu dân cư Đinh Bộ Lĩnh - quận Bình Thạnh xây dựng sau năm 1975. Cả hai khu dân cư trên thường xuyên bị ngập úng khi có mưa lớn và triều cường, lý do là chọn cao độ nền không đúng vì không tính toán các điều kiện về thủy văn dài hạn, kể cả những dự đoán biến đổi khí hậu toàn cầu, không dự trù độ lún của toàn khu vực do san lấp và xây dựng trên nền đất quá yếu.

Hiện nay chúng ta chưa có một "nhạc trưởng" cấp thành phố về quản lý cao độ các khu dân cư, vì thế "số phận" các khu dân cư này tùy thuộc vào năng lực, lương tâm của chủ đầu tư và tư vấn quy hoạch thiết kế. Do vậy cần thiết có một đơn vị quản lý có tầm nhìn bao quát và đưa ra những khuyến cáo cao độ nền khu vực và các dự án đầu tư, nhằm tránh tình trạng như cư xá Thanh Đa và khu dân cư Đinh Bộ Lĩnh".
Theo bà Hải, trước đây hầu hết các đồ án quy hoạch chung trên địa bàn TP.HCM đều căn cứ vào hệ tọa độ Mũi Nai (Hà Tiên - tỉnh Kiên Giang) để xác định cốt xây dựng, nhưng từ năm 2004, cao độ chuẩn quốc gia được chính thức lấy theo hệ tọa độ Hòn Dấu (Hải Phòng). Giữa hai hệ tọa độ đó có mực nước trung bình chênh nhau 0,2m.

Ngoài ra, các đồ án quy hoạch chi tiết tại TP.HCM khi xác định cốt xây dựng đều lấy theo mực nước trung bình đo tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn là 1,32 mét. "Mực nước này là tính theo tình trạng chưa biến đổi khí hậu, trong vài năm trở lại đây có khi mực nước Phú An lên đến 1,51 mét.

Vì vậy, cốt xây dựng khống chế sắp tới đây cũng có thể thay đổi cho phù hợp với tình hình mực nước dâng lên", bà Hải nói.

Theo cách đó, Viện QHXD đã xác định mực nước trung bình Phú An là 1,5 mét, cộng với 0,7 mét (do dự phòng mực nước dâng lên) và 0,3 mét được gọi là cao độ an toàn. Từ đó, Viện QHXD tính xác định một cao độ an toàn (đã tính đến ảnh hưởng do biến đổi khí hậu) là 2,5 mét đối với các khu vực ngoài đê bao, hoặc đối với các khu vực trong đê bao được xác định cao độ an toàn là 2 mét. Với thông số cao độ này, một vị lãnh đạo của Viện QHXD khẳng định: "100 năm nữa cao độ này vẫn an toàn, dù có tác động và ảnh hưởng do biến đổi khí hậu".

Theo những lập luận nói trên, có thể khẳng định rằng bản đồ cốt xây dựng khống chế mà Viện QHXD cung cấp cho 24 quận huyện từ năm 2006 để cập nhật vào các bản đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 hoặc 1/500 nay đã hoàn toàn lạc hậu và không thể sử dụng được.

Điều khiến dư luận thắc mắc là tại sao một đề án quan trọng, có liên quan đến nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực dân sinh như vậy mà lại không có một sự điều tra, khảo sát các thông số thực tế cũng như những dự báo về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khiến mới sau hơn 3 năm đã trở thành lạc hậu?

2 mét hay lớn hơn 2,05 mét?


Ông Châu Minh Nhân - chuyên viên Phòng Quy hoạch 4 thuộc Viện QHXD - cho rằng: "Chúng tôi vẫn chưa hiểu được vì sao trong Quyết định 589/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM giai đoạn từ 2005-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng ký ngày 20.5.2008 xác định cao độ chính của TP.HCM là lớn hơn 2,05 mét.

Bởi theo bản Quy chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng thì cao độ chính của TP.HCM được xác định là 1,9 mét". Cũng theo ông Nhân, từ nhiều năm qua, cao độ của các công trình trọng điểm của TP.HCM như Đại lộ Đông - Tây, dự án Vệ sinh môi trường nước cũng đều căn cứ theo cao độ 2 mét, vì vậy nếu nâng cao độ chính lên dù chỉ 0,05 mét, thì sẽ có rất nhiều đồ án quy hoạch đang trong giai đoạn thẩm định phải điều chỉnh lại.


Chuyên viên Châu Minh Nhân thuộc Viện QHXD TP.HCM với bộ bản đồ cốt nền TP.HCM phát hành năm 1996
Trong một văn bản của Viện QHXD gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM để góp ý kiến về cao độ chính vào cuối năm 2009, Viện này đã căn cứ từ nhiều văn bản như Quy hoạch tổng thể thoát nước và xử lý nước thải TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 19.6.2001, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam do Bộ Xây dựng ban hành ngày 3.4.2008 dẫn ra mực nước tần suất tại TP.HCM là 1,47 mét (sông Sài Gòn) đến 1,51 mét (sông Nhà Bè) để cho rằng cốt xây dựng khống chế đối với các khu vực trong đê bao được xác định 2 mét là hoàn toàn hợp lý, trong đó mực nước tần suất nói trên được cộng thêm 0,3 mét đối với đất dân dụng và 0,5 mét đối với đất công nghiệp.

Lấp hồ, bóp cống

Một kỹ sư ngành quản lý đô thị hiện công tác tại một đơn vị tư vấn thiết kế của Nhà nước cho biết: "Tình trạng các chủ đầu tư ăn gian cao độ nền để giảm bớt chi phí san lấp, nhằm giảm kinh phí cho dự án là khá phổ biến. Tuy nhiên, thay vì kiểm tra và có biện pháp chế tài, nhiều địa phương đã làm ngơ. Điều này đã dẫn đến một hệ lụy là sau khi thi công xong các hạng mục hạ tầng kỹ thuật dự án, chắc chắn sẽ có ngập úng xảy ra khi có mưa hoặc triều cường".

Kỹ sư này cũng cho biết, tại nhiều dự án khi tính toán hướng thoát nước và lưu lượng nước, rất cần thiết phải dùng loại cống lớn để thoát nước cho khu vực dự án dễ dàng nhưng các chủ đầu tư yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế phải "bóp" cống nhỏ lại. "Chẳng hạn, mới đây tại một dự án ở quận ven, sau khi san lấp xong một đoạn rạch, thay vì bắt buộc phải dùng cống có đường kính 2.000 mm, chủ đầu tư lại yêu cầu đơn vị tư vấn chỉ thiết kế loại cống có đường kính 1.000 mm mà thôi. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến, nhưng việc kiểm tra vẫn còn rất lỏng lẻo, năm thì mười họa các cơ quan chức năng mới phát hiện được một vài trường hợp".

Tình trạng "bóp" cống gây ra rất nhiều hệ quả xấu tại các khu dân cư mới, tuy nhiên vấn đề còn lớn hơn nữa là hệ thống các hồ điều tiết nước của TP.HCM hầu như đã biến mất gần hết. Trước năm 1998, khi trình lên Thủ tướng Chính phủ bản Quy hoạch tổng thể mặt bằng của TP.HCM định hướng đến năm 2020, thành phố đã đề xuất giữ lại một số hồ điều tiết để tiêu thoát nước ở nhiều khu vực, trong đó có hồ Bình Tiên (ở phường 10, quận 6) với diện tích khoảng 750.000m2, chuỗi một số hồ ở khu vực Văn Thánh, nối với nhau bởi rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh), hồ Kỳ Hòa, Đầm Sen...

Thế nhưng, sau đó thì hồ Bình Tiên - có chức năng tiêu thoát nước cho khu vực phía tây nam TP.HCM, bao gồm các quận 6, 8, 11, một phần quận Tân Bình và huyện Bình Chánh - đã bị san lấp hầu như toàn bộ để xây dựng khu dân cư Bình Phú, chỉ để lại khoảng 10.000m2 để làm hồ cảnh trong khuôn viên khu dân cư. Còn các hồ ở khu vực rạch Văn Thánh cũng bị san lấp rất nhiều khiến cho các khu vực lân cận như Đinh Bộ Lĩnh, Bùi Đình Túy, đoạn quốc lộ 13 từ vòng xoay Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu thường bị ngập lụt. Các hồ điều tiết như Kỳ Hòa, Đầm Sen tuy vẫn tồn tại nhưng đã bị thu hẹp và cũng chỉ là hồ cảnh chứ không thể đảm nhiệm được chức năng tiêu thoát nước…

Theo nhiều chuyên gia, với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng lớn thì vấn đề triều cường và tiêu thoát nước không kịp sẽ còn đẩy TP.HCM vào cảnh ngập lụt nặng nề hơn trong tương lai.

>>Bài 1: Hàng ngàn dự án "áng chừng"
>>Bài 3: Loay hoay chống ngập
>>Bài 4: Giải pháp đang nằm đợi

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên