Top

Ba lý do khiến BĐS vẫn hấp dẫn nhà đầu tư

Cập nhật 17/11/2008 15:00

Mặc dù thị trường BĐS có sự biến động đột biến trong thời gian gần đây, nhưng thị trường vẫn có tiềm năng rất lớn cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Thị trường BĐS Việt Nam vẫn trong giai đoạn phát triển sơ khai, tiềm năng phát triển còn rất lớn.

Thứ nhất, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số trẻ cao. Theo Vụ Lao động - Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), năm 2006 Việt Nam có 43,44 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó số người trong độ tuổi thanh niên (từ 15-34) chiếm khoảng 47%.

Mỗi năm dân số trong độ tuổi thanh niên tăng khoảng 200 nghìn người/năm. Đây là số người trong độ tuổi có nhu cầu mua nhà cao, vì họ là những người trong độ tuổi lập gia đình và có nhu cầu tách hộ để có gia đình riêng. Chính vì thế, nhu cầu nhà ở vẫn còn rất lớn.

Thứ hai, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong thời gian qua tăng cao trong 3 năm gần đây, tăng kỷ lục trong 10 tháng đầu năm nay, đặc biệt trong lĩnh vực BĐS.

Theo thống kê Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) 10 tháng đầu năm FDI cam kết vào Việt Nam đạt gần 58,3 tỷ USD với 953 dự án cấp phép mới, tính chung cả cấp mới và tăng thêm là 59,3 tỷ USD, trong đó lĩnh vực BĐS chiếm hơn 40%.


Như vậy, có thể thấy rằng trong vài năm tới khi một lượng vốn khổng lồ đổ vào BĐS (ước tính khoảng 25 tỷ USD) được thực hiện trong vòng khoảng 3-5 năm tới, quy mô thị trường sẽ lớn hơn hiện nay rất nhiều.

Thứ ba, nhu cầu nhà ở của người dân Việt Nam còn rất lớn. Theo Bộ Xây dựng, để thực hiện được mục tiêu về nhà ở mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt là nâng mức trung bình từ 12m2 sàn/người hiện nay lên 20m2 sàn/người vào năm 2020, thì mỗi năm cần phải xây dựng khoảng 35 triệu m2 sàn nhà ở tại các đô thị.

Đối với BĐS cho thuê như khách sạn, du lịch, văn phòng, mặt bằng kinh doanh…vẫn là một điểm sáng trong thị trường BĐS Việt Nam trong thời gian tới. Khi khách quốc tế tới Việt Nam vẫn tăng (10 tháng/2008 tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước – Tổng Cục thống kê).

Cùng với đó, năm 2009 Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn lĩnh vực kinh doanh bán lẻ theo cam kết WTO, tổng mức bán lẻ hiện nay tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước (số liệu Tổng Cục Thống kê). Điều này sẽ thúc đẩy thị trường BĐS trong lĩnh vực cho thuê mặt bằng bán lẻ trong thời gian tới.

Đó chính là những điểm cho thấy sức hấp dẫn, và tiềm năng phát triển của thị trường BĐS Việt Nam còn nhiều triển vọng. Tuy nhiên, một số biểu hiện đột biến của thị trường trong thời gian qua cho thấy thị trường BĐS Việt Nam còn đối mặt với những diễn biến phức tạp và nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới.

DiaOcOnline.vn - Theo Cafef