Thời gian gần đây, tại các đô thị lớn có tốc độ xây dựng nhanh, các công trình xây dựng nhà cao tầng thường xảy ra các tai nạn từ trên cao như đổ cần cẩu, đánh rơi vật liệu xuống, đổ giàn giáo... Nghiêm trọng hơn là những vụ sập cần cẩu ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội gây thương vong cho công nhân, người đi đường, làm thiệt hại về tài sản.
Nguồn: Internet |
Tại Hà Nội, người dân vẫn chưa quên vụ cần cẩu "đánh rơi" cả tấm cốt thép trần nặng hàng tấn của nhà cao tầng xuống khu dân cư ở Thái Hà; Rồi tai nạn thương tâm làm ba công nhân chết tại một công trình 18 tầng trên đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai (Hà Nội) khi đang tháo dỡ cần cẩu ngày 2-7 vừa qua là thực trạng báo động trong quản lý an toàn lao động tại các công trình cao tầng.
Hiện nay, do đặc thù đô thị chật chội, mật độ xây dựng lớn, các công trình xây dựng đan xen giữa các khu dân cư, cho nên nguy cơ tai nạn "từ trên trời rơi xuống" là rất lớn. Người đi trên đường không khỏi rùng mình mỗi khi đi qua các phố ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có công trình xây dựng cao tầng, khi ngước lên trời thấy các cần cẩu tháp với những khối bê-tông đối trọng đồ sộ "vô tư" quay trên đầu, khi ngừng hoạt động, người điều khiển cho cần cẩu hướng ra đường đứng im hàng giờ, thậm chí cả mấy ngày nghỉ cuối tuần. Thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, chỉ cần một cơn lốc xoáy mạnh có thể làm gẫy cả chiếc cần cẩu nếu không được giằng néo đúng kỹ thuật, hoặc kỹ thuật người điều khiển không chuẩn, người buộc vật liệu vào cẩu không đúng quy cách là có thể xảy ra tai nạn và khi đó hậu quả sẽ khôn lường.
Ðể tránh những hiểm họa từ trên cao, trước hết, các đơn vị giám sát thi công phối hợp các đơn vị liên quan cần thường xuyên kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng thiết bị, máy móc của nhà thầu, nhất là hệ thống cần cẩu tháp, thang máy thi công cũng như phương án lắp đặt, vận hành, tháo dỡ, bởi đây là loại thiết bị đòi hỏi nghiêm ngặt về độ an toàn, tuy hoạt động trên cao nhưng có thể ảnh hưởng người và tài sản dưới đất. Kiên quyết xử lý, thậm chí đình chỉ thi công đối với các nhà thầu không bảo đảm an toàn kỹ thuật của cần cẩu, các hệ thống giàn giáo hay lưới chắn vật liệu rơi. Các ý kiến phản ánh của người dân chung quanh các công trình (kể cả người đi đường) về nguy cơ mất an toàn của các thiết bị trên phải được các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp thu và giải quyết triệt để. Kiểm tra nghiêm ngặt giấy phép và trình độ của người điều khiển các loại cần cẩu. Quy định chặt chẽ về phạm vi hoạt động (bán kính quay) của cần cẩu, không cho phép cẩu các vật liệu trên đầu nhà dân, người đi đường. Khi hết ca làm việc, phải quay cẩu về vị trí an toàn nhất, không vận hành cẩu khi có gió mạnh. Ðối với các loại giàn giáo lớn bên ngoài các công trình cao tầng, chủ đầu tư phải giám sát, đôn đốc đơn vị thi công sử dụng đúng vật tư bảo đảm chất lượng, lắp đặt đúng quy cách, đề phòng mưa, gió, lốc làm sập. Chung quanh các công trình xây dựng cần lập hàng rào đúng quy cách, chất lượng, lắp đặt các biển cảnh báo cho người dân chung quanh và người đi đường. Có như vậy, chúng ta mới hạn chế được những nguy cơ tai nạn từ trên cao.
DiaOcOnline.vn - Theo Nhân Dân
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: