Top

Đồng bằng sông Cửu Long

8.186ha cụm công nghiệp không có nhà đầu tư

Cập nhật 19/11/2009 15:10

Có ưu thế về giao thông thuỷ, bộ, đầy đủ cơ sở hạ tầng, nhưng nhiều năm qua cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang vẫn còn nhiều khu đất trống đầy cỏ dại để

Trong lúc 65 khu công nghiệp tập trung (26.511ha đất) ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đầy cỏ dại thì 156 cụm, tuyến công nghiệp do UBND các tỉnh tự quy hoạch, xây dựng trên diện tích 13.382ha cũng rơi vào cảnh hoang tàn.

Huyện Thanh Bình tỉnh Đồng Tháp vốn nổi tiếng là vùng chuyên trồng lúa cao sản. Thế rồi trong cuộc đua “công nghiệp hoá” ở đồng bằng sông Cửu Long, huyện lúa này được UBND tỉnh quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp Bình Thành, rộng 46,7ha. Nhưng sau nhiều năm thành lập, cụm công nghiệp Bình Thành chỉ mới có ba nhà máy hoạt động, ba dự án đầu tư còn trên giấy.

Ông Lê Văn Cường, chạy xe ôm ở thị trấn Thanh Bình, bức xúc: “Tui bị thu hồi hơn 5.000m2 ruộng để làm cụm công nghiệp, phải bỏ nghề nông ra chạy xe, kiếm ăn bữa đực bữa cái. Nhìn hàng chục ngàn mét vuông đất trong cụm công nghiệp bỏ hoang mà đứt ruột”.

Bãi chăn trâu

Ở Tiền Giang, cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh (thành phố Mỹ Tho) dù có vị trí thuận lợi về giao thông, hạ tầng đầy đủ nhưng sau nhiều năm đưa vào hoạt động vẫn chưa thấy gì là công nghiệp. Ở đây, đất vẫn còn trống mênh mông, đầy cỏ dại, là nơi để người dân trong khu vực chăn thả trâu, bò.

Ông Tuấn, cư dân phường 10, thành phố Mỹ Tho, cho biết: “Lần nào xuống tiếp xúc cử tri mấy ông cán bộ của tỉnh, thành phố cũng đều nói đã có nhà đầu tư thuê đất, đã có dự án nhưng đến nay, như các anh thấy, đất đai còn nằm trơ ra đó”.

Tại Long An, ông Nguyễn Văn Thiệp, giám đốc sở Tài nguyên và môi trường, cho biết toàn tỉnh hiện có 44 cụm công nghiệp với diện tích hàng ngàn hécta, nhưng hiệu quả sử dụng đất không cao. Nhiều cụm công nghiệp ở các huyện Đức Hoà, Bến Lức, Cần Giuộc trong tình trạng không có nhà đầu tư, hoặc chỉ lèo tèo vài xí nghiệp.

Ông Phan Thành Phi, trưởng ban quản lý các khu công nghiệp Long An, lý giải: “Hiện toàn tỉnh có 20 khu công nghiệp tập trung với diện tích hơn 7.645ha, nhưng thu hút đầu tư còn trầy trật, chưa có khu công nghiệp nào lấp đầy, nên tại 44 cụm công nghiệp phần lớn đất đai phải bỏ hoang cũng là điều dễ hiểu”.

Vẫn quy hoạch

Theo tính toán của giới chuyên môn, để có 10.000m2 đất xây dựng công nghiệp phải tốn khoảng bốn tỉ đồng (giải toả bồi hoàn, rà phá bom mìn, xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh). Như vậy với hơn 30.000ha đất tại các khu, cụm, tuyến công nghiệp đang bị bỏ hoang cho cỏ mọc nhiều năm, các tỉnh ở đồng bằng đã lãng phí hàng chục ngàn tỉ đồng.

Tháng 11.2009, UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục phê duyệt quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp An Thạnh 2 ở xã Đông Hoà Hiệp, huyện Cái Bè rộng 33,7ha, vốn đầu tư hơn 138 tỉ đồng, trong khi cụm công nghiệp An Thạnh 1 vẫn còn nhiều lô đất trống. Tương tự, tỉnh Đồng Tháp quy hoạch bổ sung 11 cụm công nghiệp với tổng diện tích 700ha dù tỉnh này đang có 19 cụm (1.000ha).

Trong khi đó, Bến Tre là tỉnh thuần nông, sông rạch chằng chịt, nhưng UBND tỉnh cũng đặt mục tiêu phát triển nhiều cụm công nghiệp ở các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm.

Đã vậy, tại hội nghị ngành công thương vùng đồng bằng sông Cửu Long tổ chức ở Tiền Giang vào cuối tháng 10.2009, thứ trưởng bộ Công thương Bùi Xuân Khu, đánh giá công nghiệp nông thôn vùng này chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, nên đến năm 2020 toàn vùng phải xây dựng được 211 cụm, tuyến công nghiệp trên tổng diện tích 21.298ha.

Việc các tỉnh đua nhau xây dựng cụm công nghiệp khiến người dân gánh chịu nhiều hậu quả, hàng chục ngàn gia đình mất đất đai, phải từ bỏ ruộng vườn, bỏ cày cuốc để buôn bán vặt, chạy xe ôm kiếm ăn từng bữa. Việc “đua công nghiệp” còn đưa vùng đồng bằng sông Cửu Long đến rất gần với thảm hoạ về môi trường.

“Nếu toàn bộ các khu, cụm, tuyến công nghiệp được lấp đầy các nhà máy, xí nghiệp thì đồng bằng này sẽ trở thành bãi chứa rác thải, nước thải khổng lồ, bởi lâu nay các tỉnh chạy đua thu hút đầu tư, quơ quào nhà đầu tư bất kể ngành nghề gì để phát triển công nghiệp bằng mọi giá, bất chấp ô nhiễm, huỷ hoại môi trường. Nhiều dự án, ngành nghề các nơi khác từ chối như đóng tàu, nhà máy giấy, sản xuất thép… thì nhiều tỉnh ở đồng đằng sông Cửu Long sẵn sàng ôm về địa phương”, tiến sĩ Võ Hùng Dũng, giám đốc phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ nhận định.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị