Đã 4 tháng trôi qua từ khi gói giải cứu bất động sản của Chính phủ theo Nghị định 02/NQ-CP được giải ngân. So với mức kỳ vọng ban đầu là kích cầu và hâm nóng thị trường bất động sản (BĐS) thì đến nay, có thể nói Nghị định này chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng.
Tính từ thời điểm triển khai cho vay từ tháng 06/2013 đến cuối tháng 09/2013, các ngân hàng đã cam kết cho vay 510 khách hàng cá nhân với tổng số tiền là 172 tỉ đồng và đã giải ngân cho 494 khách hàng. So với số lượng hàng tồn kho trên thị trường với số lượng khách hàng được giải ngân, cũng như số tiền được giải ngân với con số 30.000 tỉ đồng thì có thể nhận thấy được rằng 172 tỉ đồng là một con số thực sự khiêm tốn.
Mặc dù các tiêu chí về cho vay đã được tháo gỡ và đơn giản hơn nhiều nhưng trên thực tế ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Việt Đức- cho biết: Không chỉ khách hàng cá nhân khó tiếp cận được nguồn vốn vay này mà còn rất nhiều doanh nghiệp khi nói đến "miếng mỡ" này cũng phải "chào thua". Ông cũng thẳng thắn đề cập vấn đề liên quan đến những khó khăn trong chính sách hiện nay về việc xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội vì phải quy hoạch lại dự án.
Liên quan về gói hỗ trợ này, ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây Dựng động viên các địa phương cần tạo điều kiện để doanh nghiệp chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, đồng thời Ngân hàng nhà nước phải tăng cường chỉ đạo các ngân hàng giải ngân cho vay."Cần đi đúng đối tượng, giải ngân kịp thời đáp ứng yêu cầu của người dân khi có nhu cầu mua nhà. Đề nghị NHNN tạo điều kiện chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm bớt yêu cầu, tiêu chí làm ảnh hưởng tới thời gian, tiến độ giải ngân",ông Dũng nói.
Tuy vậy, việc chậm trễ vẫn chưa đáng ngại bằng việc người thu nhập thấp - đối tượng mà chính phủ muốn dành ưu đãi đang bị đứng ngoài lề. Theo công văn số 1250 ngày 25/06/2013 của Bộ Xây Dựng chỉ quy định đối tượng được vay vốn, khả năng trả nợ theo điều kiện vay vốn của ngân hàng và điều kiện về nhà ở dưới 8m2/người chứ không quy định về mức thu nhập tối đa được tham gia chương trình. Điều này đồng nghĩa với việc thu nhập càng cao thì càng được ngân hàng đánh giá cao về khả năng thanh toán nợ - càng dễ tiếp cận với gói hỗ trợ.
Do đó, bên cạnh việc khơi thông các thủ tục, nới lỏng chính sách cho doanh nghiệp thì cần có những hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện một cách nghiêm túc để nguồn vốn hỗ trợ được sử dụng đúng mục tiêu cũng như đối tượng cần hỗ trợ để tránh tình trạng gói tín dụng đi chệch hướng và tạo thêm câu chuyện lợi ích nhóm.
DiaOcOnline.vn - Theo Công luận
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: