Top

Putrajaya thành phố thông minh

Cập nhật 17/09/2007 09:46

Kuala Lumpur – thủ đô của Malaysia với tòa tháp đôi Petronas 452m, cao thứ nhì thế giới, quảng trường Merdeka với cột cờ cao nhất thế giới … đã trở thành dĩ vãng khi Malayxia quyết định xây dựng thủ đô mới: Putratjaya – thành phố thông minh.

Nession – người hướng dẫn du lịch Malayxia rồi – bảo chúng tôi rằng giờ đây Kuala Lumbur không còn kẹt xe mỗi ngày 2 lần vào giờ đi làm và tan ca nữa, mà chỉ có 1,5 triệu dân và hơn 150 tuổi này một thời là niểm tự hào của Đông Nam Á đã trở nên quá chật chội, không còn là biểu tượng của sự phồn vinh khi người Malayxia đã đưa ra dự án xây dựng thủ đô mới với một ý tưởng táo bạo: thủ đô điện tử đầu tiên ở Châu Á.


Hoàng tử giữa không gian xanh

Từ Kuala Lumpur, để tránh kẹt xe chúng tôi khởi hành thật sớm đi Putrajaya, tuyến xa lộ cao tốc xanh mượt những hàng cây hai bên đường. Neilson bảo: “Chưa ăn thua gì, ở Putrajaya chúng ta sẽ được sống như trong rừng với 40% diện tích thành phố dành cho cây xanh, bóng mát”. Theo ngôn ngữ Malaysia, Putra có nghĩa là hoàng tử và Jaya là hoàn hảo nghĩa là vị hoàng tử hoàn hảo sống giữa rừng xanh.


Từ năm 1995, Malaysia đã bắt đầu khởi công xây dựng Putrajaya, vốn là một vùng đất hoang vu, không có sông ngòi, cây xanh nằm cách Kuala Lumpur khoảng 30km về phía nam, và nếu không có đợt khủng hoảng kinh tế năm 1997 có lẽ giờ này Putrajaya đã chính thức trở thành thủ đô mới của Malaysia rồi. Việc xây dựng bị gián đoạn nhiều năm và chỉ mới được khởi động lại từ đầu năm 2000.

Trong vòng gần bảy năm, người ta đã trang điểm cho “vị hoàng tử” của mình một con sông chảy vòng quanh thành phố và vắt ngang nó là chín cây cầu dây văng, từ hình tượng con thuyền căng buồm ra khơi, mái vòm, tháp chuông... cực kỳ ấn tượng (ngẫm nghĩ mới thương cho cây cầu Văn Thánh ở nước mình, chỉ bắc qua con rạch bé xíu mà gần chục năm vẫn chưa xong!) và bên cạnh đó là hàng trăm tòa nhà với kiến trúc Hồi giáo pha lẫn hiện đại.


Bên ngoài quảng trường, dọc theo đại lộ Putra, trục xương sống của thành phố hai bên là những tòa dinh thự, công sở khổng lồ nhưng không cảm thấy ngột ngạt vì được phủ xanh bóng cây, đi đâu cũng thấy hoa, bóng mát cây xanh, ngay cả lối xuống cầu thang cuốn vào khu trung tâm thương mại gắn máy điều hòa bên sông, cũng được trồng hoa, cây xanh bên trong. Trên sông là những con thuyền đuôi cong vút như thuở xa xưa làm lữ khách có cảm giác được sống trong một thị trấn đồng quê thanh bình nào đó hơn là một siêu đô thị...

Thần dân điện tử

Người đưa ra ý tưởng xây dựng Putrajaya không ai khác hơn là thủ tướng Mahathir của Malaysia. Đầu tiên, ông đưa ra tên gọi cho Putrajaya là “intelligent city” - (thành phố thông minh), nhưng sau đó được triển khai xây dựng theo ba ý tưởng mang tính gắn kết sự thông thái của con người, tạo hóa và thiên nhiên. Putrajaya không đi theo hướng siêu đô thị mà dự kiến chỉ có khoảng 300.000 cư dân.

Những ai muốn trở thành công dân nơi này phải là những người thông thái, đảm nhận được những công việc của chính phủ điện tử, bởi các kỹ thuật tin học sẽ được ứng dụng gần như mọi nơi từ công việc đến cuộc sống hằng ngày. Thay cho mọi loại giấy tờ, thần dân Putrajaya được cấp một thẻ điện tử trên đó thể hiện đầy đủ các thông số cá nhân từ đơn giản nhất như tên tuổi, nhóm máu, khu vực nhà ở đến công việc đang phụ trách, tài chính, thanh toán tất cả chi phí công cộng. Thẻ điện tử này còn là giấy thông hành có thể dùng để xuất ngoại sang Singapore, Thái Lan...



Putrajaya - niềm kiêu hãnh của người dân Malaysia.


Tiền mặt và chìa khóa là những thứ vật dụng xa lạ của các thần dân Putrajaya. Một cư dân nơi này cho biết từ khi đến đây làm việc, anh hầu như đã quên mất khái niệm chìa khóa, bởi tất cả cánh cửa đều sử dụng thẻ từ mà anh được cấp. Ngay cả nhà riêng, để thể hiện rõ ý tưởng gắn kết con người với con người, các khu nhà hầu như đều không có khóa.

Có lẽ không có nơi đâu mà trẻ con lại thoải mái trong việc học tập như nơi này. Cứ sáng sáng, những chiếc xe buýt mới cáu cạnh sẽ đưa những thần dân tí hon đến trường mà trên vai không hề có tập sách. Trẻ học trên máy vi tính, làm bài và trả bài cũng thông qua mạng được nối trực tuyến từ nhà riêng đến trường học, cần thiết thì giáo viên sẽ “dạy thêm” qua webcam đến từng học sinh...

Ngày hè nóng bức, không chỉ cư dân Putrajaya mà còn những du khách chúng tôi thường thích đến khu thương mại bên hồ Putra để đón gió từ con sông đào, từ đó có thể phóng tầm nhìn ra toàn thành phố. Các khu vực chính phủ, thương mại, văn hóa, phức hợp, vui chơi đều được thiết kế theo màu sắc và kiểu dáng khác nhau.

Riêng khu vực ngoại vi, những tòa nhà cao tầng với sức chứa 67.000 căn hộ cao cấp đang được hối hả xây dựng để đón những cư dân mới về đây làm việc và sinh sống. Hiện nay văn phòng thủ tướng và nhiều bộ, một số tòa đại sứ đã chính thức chuyển về đây làm việc. Người ta hi vọng đến năm 2010, việc xây dựng sẽ hoàn thành với tổng trị giá ước tính hơn 8 tỉ USD, và khi đó Putrajaya sẽ chính thức trở thành thủ đô mới của Liên bang Hồi giáo Malaysia.

Neilson nói với chúng tôi: “Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người trẻ tuổi khắp các bang của Malaysia đều ao ước trở thành thần dân của Putrajaya, bởi đó là niềm tự hào của đất nước chúng tôi”.

Theo TuổiTrẻ


>>Putrajaya - thành phố mỏ thiếc